| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 27/10/2020 , 10:12 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 10:12 - 27/10/2020

Để hàng hóa cứu trợ đến đúng địa chỉ thụ hưởng

Chỉ cần Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương giữ vị trí cầu nối trung tâm, sẽ phát huy được sức mạnh toàn dân trong công tác cứu trợ bão lụt.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng Nghị định mới thay thế cho Nghị định 64/2008 nhằm có cơ sở pháp luật thông thoáng hơn cho quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… Đây là một động thái kịp thời và thiện chí của Chính phủ, khi nhận thấy nhiều bất cập trong công tác cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt những ngày vừa qua.

Nghị định 64/2008 không còn phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay. Trước kia, phương tiện kết nối cộng đồng hạn chế và phương tiện giao thông vận tải khó khăn, vì vậy những tấm lòng thiện nguyện chỉ có một con đường duy nhất để bày tỏ tinh thần tương thân tương ái là gửi gắm hiện vật, hiện kim tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương. Bây giờ, bằng uy tín cá nhân, không ít người có thể thực hiện những đợt quyên góp hiệu quả và nhanh chóng trao tặng đến mỗi địa chỉ cần giúp đỡ. Nhiều kênh tiếp nhận và phân phát hàng cứu trợ được triển khai đa dạng và tích cực, càng chứng minh người Việt Nam biết cách tin cậy và dắt dìu nhau vượt lên hoạn nạn.

Tuy nhiên, trong nỗ lực chung hướng về miền Trung ruột thịt, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương vẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài tiếng nói chính thức kêu gọi tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương còn là nơi cung cấp những thông tin chính xác nhất về các khu vực và các đối tượng đang cần san sẻ. Đặc biệt, ở những vùng bị thiên tai, thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc không chỉ đồng hành các đoàn cứu trợ dễ dàng tiếp cận hiện trường mà còn giúp điều phối hàng cứu trợ đến đúng địa chỉ thụ hưởng, tránh khỏi tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Bởi lẽ, các đoàn cứu trợ không thể nắm rõ địa bàn dân cư, khiến thôn cần thực phẩm lại nhận được quần áo, còn người cần sách vở thì lại nhận được mì tôm.

Trong khi chưa có Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008, hàng hóa cứu trợ không nhất thiết phải tập hợp ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương. Thế nhưng, chỉ cần Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương giữ vị trí cầu nối trung tâm, thì những tổ chức khác như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học… sẽ phát huy được sức mạnh toàn dân trong công tác cứu trợ bão lụt.  

Chưa bao giờ miền Trung lại đối mặt với thử thách gay gắt như đợt thiên tai dồn dập năm nay. Khắp cả nước đang phát huy tình nghĩa đồng bào “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để hướng về miền Trung. Không có bất kỳ sự hảo tâm nào không đáng trân trọng. Chút quà chắt chiu từ mái tranh nghèo của cụ già ở cuối đất Cà Mau hay lời động viên thăm hỏi của em bé ở rẻo cao Hà Giang cũng có giá trị tương đương khoản ủng hộ hàng tỷ đồng của doanh nhân ở đô thị nhộn nhịp. Tất cả đều vì một mục đích cao đẹp và nhân ái được cùng miền Trung chia sớt gieo neo và khốn đốn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm