Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khởi tố hình sự hành vi xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời yêu cầu huyện Thạch Thành và các ngành liên quan kiểm đếm, lập biên bản thống kê thiệt hại cho các hộ nuôi.
Hơn 17 tấn cá chết
Như NNVN đã đưa, trong những ngày qua, hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng. Báo cáo sơ bộ, toàn huyện Thạch Thành bị thiệt hại trên 71 lồng cá của 32 hộ dân với tổng trọng lượng hơn 17 tấn.
Có mặt tại khúc sông Bưởi thuộc xã Thành Vinh, một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không khó để nhận ra nguồn nước ở đây có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng, nước có màu xanh đục xen lẫn đen kịt rất bất thường, nhiều khu vực nổi bọt trắng xóa, chốc chốc lại bốc lên mùi hôi thối cực kỳ khó chịu.
Theo phản ánh của các hộ dân, hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện từ ngày 4/5, xuất phát từ đoạn sông chảy trên địa bàn bản Biện, xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành), giáp với xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), cách nơi nuôi cá lồng của người dân xã Thành Vinh khoảng 40km. Trước thỉnh thoảng cá cũng bị chết nhưng rải rác không đáng kể nên các hộ nuôi không quá lo lắng, nay bà con không thể ngờ chỉ vài tiếng đồng hồ mà hàng tấn cá “thi nhau” chết trắng lòng sông.
“Chỉ trong một đêm, cá nhỏ, cá to chết sạch, bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ vào đó giờ trôi sông hết. Người dân chúng tôi mong mỏi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, nếu quả thật do nhà máy đường tắc trách trong quá trình xả thải khiến cá chết hàng loạt thì họ phải có trách nhiệm đền bù để chúng tôi khôi phục sản xuất”, ông Lê Văn Vê (54 tuổi, chủ hai lồng cá nuôi trên sông Bưởi ở thôn Lộc Phượng 1, xã Thành Vinh) bức xúc.
Người nuôi cá lồng ở Thạch Thành vô cùng hoang mang khi cá chết hàng loạt
Theo tính toán của ông Vê, 2 lồng cá hơn 300 con, mỗi con nặng từ 2,5 - 3kg, nếu tính theo giá thị trường hiện nay là 100.000 đồng/kg thì gia đình ông đã mất trắng gần 80 triệu đồng.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Vững cũng đang thất thần vì cá chết. Chỉ trong 3 ngày, 2 lồng cá với tổng trọng lượng cả tấn bỗng chết hết sạch. Được biết, số cá trên của ông Vững nuôi đã hơn 2 năm, có những con nặng khoảng 6 - 7kg, thế nhưng chưa kịp đem bán thì lại xảy ra sự cố.
“Miếng ăn đến miệng rồi còn bị cướp mất, đau đớn quá chú ạ. Mọi việc diễn ra quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay, trong chốc lát thiệt hại cả trăm triệu đồng, giờ không biết phải xoay xở thế nào nữa”, ông Vững mếu máo.
Người dân buồn rầu và bất lực nhìn cá chết
Bên cạnh nỗi lo cá chết, hàng trăm hộ dân sống rải rác quanh sông Bưởi thuộc các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thành Vinh của huyện Thạch Thành còn ăn không ngon, ngủ không yên khi ngày ngày vẫn phải dùng nước sông để sinh hoạt. Hơn lúc nào hết, họ tha thiết mong mỏi cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và triển khai phương án làm sạch lòng sông để ổn định cuộc sống và tái sản xuất.
Xử lý hình sự công ty đầu độc sông Bưởi
Liên quan đến việc cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, sáng 7/5, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, có mặt tại hiện trường tìm hiểu, làm rõ thực hư.
Ông Lê Văn Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Thanh Hóa) cho biết, bước đầu nguyên nhân khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng được xác định do Cty Cổ phần Mía đường Hòa Bình (đóng tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình - giáp ranh huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) xả thải trực tiếp ra môi trường.
Nhiều hộ nuôi trắng tay khi cá trong lồng thi nhau chết sạch
Trước đó, vào ngày 6/5, trong buổi làm việc với Sở TN-MT của 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, đại diện công ty đã xác nhận hành vi xả thải.
Theo lãnh đạo của đơn vị này, hiện nhà máy đang trong quá trình chạy thử, hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện. Đến ngày 3 - 4/5, do nước thải trong hồ chứa vượt khung cho phép nên nhà máy đã xả trực tiếp ra sông mà không qua xử lý. Lãnh đạo Sở TN-MT của 2 tỉnh đã yêu cầu Cty CP mía đường Hòa Bình dừng ngay hoạt động xả thải, đồng thời phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải mới được tiếp tục hoạt động.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan của tỉnh Hòa Bình nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, khởi tố hình sự với hành vi xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng này”.
Tại hiện trường, ông Nguyễn Đức Quyền cũng đã chỉ đạo huyện Thạch Thành và các ngành liên quan kiểm đếm, lập biên bản thống kê thiệt hại của các hộ nuôi, yêu cầu tiêu hủy toàn bộ cá chết, cả cá nuôi và cá tự nhiên, đồng thời khuyến cáo người dân trước mắt không sử dụng cá chết, nước sông trong quá trình sinh hoạt và ăn uống thường ngày.