Cần nghiên cứu mô hình kết nối giữa ngư dân và doanh nghiệp
Trong buổi làm việc với Tổng cục Thủy sản vào chiều 2/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện được đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam: Liên kết ngư dân và đầu nậu, phần thua thiệt luôn thuộc về ngư dân.
Trong câu chuyện, ông thuyền trưởng tàu đánh cá nói rằng hơn 30 năm lênh đênh trên biển đánh bắt hải sản, nhưng vẫn chưa tiếp cận được với doanh nghiệp chế biến thủy sản để bán sản phẩm trực tiếp, tất cả đều phải qua thương lái.
Đó không chỉ là vấn đề của ông thuyền trưởng tàu đánh cá mà là câu chuyện của hàng triệu ngư dân. Ông Hoan chia sẻ: “Tôi về cảng cá Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), chính quyền địa phương nói rằng chưa có cơ chế gì tập hợp ngư dân với ngư dân, ngư dân với doanh nghiệp. Ngày trước còn có nghiệp đoàn, bây giờ nghiệp đoàn giải tán rồi, ngư dân chỉ biết dựa vào đầu nậu thôi”.
Đầu nậu cung cấp dầu, đá lạnh, thậm chí là nhu yếu phẩm cho các tàu cá. Khi tàu đánh bắt cập cảng phải giao lại cá cho đầu nậu, từ đó nảy sinh rất nhiều tranh chấp về giá cả, mâu thuẫn. Một số người vì không chấp nhận sự thua thiệt, đã phải chở cá từ Phú Yên ra Đà Nẵng, Nha Trang để bán với giá cao hơn. Như vậy rất vất vả.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu không giải quyết được mối quan hệ này thì sinh kế của hơn 3 triệu ngư dân sẽ luôn phập phồng, như kiểu đánh bạc vậy. Để làm được điều đó, Nhà nước cần ở giữa để kéo ngư dân và doanh nghiệp ngồi lại với nhau, tạo ra chuỗi liên kết phát triển bền vững hơn.
Khi ấy, cũng tại cảng cá Sông Cầu, ông Hoan suy nghĩ rằng, trước đây chúng ta chỉ tập trung vào chuyện đầu tư, mở rộng cảng cá. Nhưng, có khi nào chúng ta ngồi lại để nghĩ đến mô hình phát triển cảng cá đó?
Ông cho rằng, cảng cá không chỉ là nơi để tàu thuyền neo đậu, trao đổi sản phẩm, bơm dầu và bốc xếp đá lạnh. Mỗi cảng cá quản lý một vùng ngư trường. Họ quản lý được có bao nhiêu tàu gần bờ, bao nhiêu tàu xa bờ, các tàu cá hoạt động như thế nào.
Tại sao chúng ta không xã hội hóa một phần dịch vụ, để kết nối doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm với ngư dân, qua đó tuyên truyền, vận động và đào tạo kiến thức cho ngư dân để giải quyết các bất cập trong lĩnh vực thủy sản như các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).
"Tôi nghĩ, nếu làm được như vậy, thì doanh nghiệp sẽ rất hào hứng tham gia, bởi chính doanh nghiệp cũng cần truy xuất nguồn gốc sản phẩm, muốn có nguyên liệu sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn sản phẩm”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Hoan cho rằng, ở thời đại kết nối vạn vật, chúng ta có thể kết nối giữa người với vật được, thì tại sao chúng ta không kết nối giữa người với người, kết nối giữa ngư dân với nhau, giữa ngư dân với doanh nghiệp và cơ quan quản lý thông qua ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0?
Đối mặt với chữ “biến”
Vậy, Nhà nước có thể làm gì để thúc đẩy chuỗi liên kết đó? Thứ trưởng Hoan kể, có một người trước đây làm đầu nậu đã đầu tư một nhà máy chế biến thủy sản. Ông phải thuê kho lạnh để bảo quản nguyên liệu ở Đà Nẵng. Khi được hỏi vì sao không xây kho ở Sông Cầu để thuận tiện và giảm chi phí, ông ta trả lời rằng: Không có đất mà xây kho lạnh chi phí tốn kém.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan hỏi: Nếu bây giờ ban quản lý khu hành chính hoặc chính quyền địa phương xây một kho chung để tất cả doanh nghiệp gửi hàng vào đó thì có được không? Ông ta bảo “vậy thì tốt quá”. Địa phương nào cũng đầu tư xây dựng rất nhiều đường sá, hạ tầng cơ sở, nhưng lại không để ý đầu tư các công trình phụ trợ phục vụ cho sản xuất và mô hình để kết nối các chuỗi giá trị ngành hàng.
“Tôi bàn với các anh ở huyện Sông Cầu là trước mắt sẽ vận động để thành lập một Hội quán về nuôi tôm, các anh ấy đã đồng ý”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ông Hoan cũng cho rằng, ngành thủy sản hay trồng trọt, chăn nuôi đều phải đối mặt với chữ “biến”. Một là biến đổi khí hậu. Hai là biến động thị trường. Ba là biến động xu thế tiêu dùng.
Ngày xưa chúng ta ăn uống dễ dãi, nhưng giờ phải an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Chúng ta mở được thị trường này, nhưng rất có thể là phải đóng thị trường khác do những rào cản kỹ thuật... Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại của sự biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Quan trọng là chúng ta cần phải chủ động cập nhật thông tin, linh động trong các tình huống để thích nghi.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nói rõ, cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại có hiệu quả, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiên đại và nông dân thông minh. Đồng thời, gắn két chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản Việt Nam. Chúng ta phải giải mã để hiện thực hóa điều đó trong từng lĩnh vực.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, ngành thủy sản đang đứng giữa sức ép tăng trưởng với sự đánh đổi về môi trường sinh thái; giữa khai thác và bảo tồn; giữa tăng trưởng số lượng và chất lượng;… Bởi vậy, phải luôn quan niệm việc thay đổi các bất cập là làm cho mình, chứ không phải để chống đỡ với những thẻ phạt của ai đó. Phải coi đó là việc xây dựng và tô đẹp hình ảnh quốc gia.
Bởi trong 28 quốc gia Ủy ban Châu Âu (EC) áp đặt cảnh báo "thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác nhập khẩu vào thị trường EU, 22 quốc gia đã khắc phục xong. Việt Nam là 1 trong 6 nước chưa gỡ được thẻ vàng. Chúng ta không thể chấp nhận và bằng lòng vì những gì mình đã làm.