| Hotline: 0983.970.780

Đề phòng hoàn lưu bão số 1 dù bão không vào Việt Nam

Thứ Bảy 02/07/2022 , 20:30 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, cần dự báo chính xác và phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến về phòng, chống cơn bão số 1. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến về phòng, chống cơn bão số 1. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Bão số 1 khả năng thấp đi vào Việt Nam

Ngày 2/7, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về phòng, chống cơn bão số 1 (cơn bão CHABA).

Chiều nay (2/7), bão số 1 đã đi vào đất liền khu vực phía Đông Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/h, đến đêm nay và sáng mai (3/7) khi tâm bão ở khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây, cường độ suy yếu xuống còn cấp 8, sau đó bão tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc đi sâu vào đất liền, suy yếu thành vùng áp thấp và tan trên đất liền khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); khả năng lệch về phía Tây của bão số 1 và đi vào đất liền của Việt Nam là thấp.

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), bão số 1 ít có khả năng gây gió mạnh trên đất liền, điều lo lắng nhất là gió trên biển với cấp gió rất lớn. Ngoài ra, do hoàn lưu của bão số 1, từ chiều tối và đêm nay (2/7) đến ngày 3/7, ở phía Đông Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm, riêng khu vực Đông Bắc có nơi trên 200 mm. Từ ngày 4 - 7/7, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Khả năng lệch về phía tây của bão số 1 và đi vào đất liền của Việt Nam là thấp.

Khả năng lệch về phía tây của bão số 1 và đi vào đất liền của Việt Nam là thấp.

Ông Trần Hồng Thái cho biết, lũ quét, sạt lở đất vẫn là nguy hiểm chính do mưa bão số 1 cũng như các đợt mưa lớn thời gian tới, trong đó Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh là 3 tỉnh cần đặc biệt chú ý trong cơn bão số 1 này.

Do rất khó để cảnh báo được chính xác cụ thể vị trí xảy ra sạt lở nên lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chỉ đạo lực lượng xung kích ở các địa phương thường xuyên rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để thông báo cho các hộ dân lưu ý, phòng tránh.

Tuyệt đối không chủ quan, đề phòng hoàn lưu bão

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, dự báo chính xác, bám sát diễn biến để kịp thời cảnh báo cho các địa phương, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các địa phương, cơ quan có liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Các địa phương ven biển tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. Bảo đảm an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các trọng điểm đê biển xung yếu hoặc đang thi công.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, dự báo chính xác và phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, dự báo chính xác và phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Các tỉnh khu vực Vịnh Bắc Bộ quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến. Tăng cường tối đa, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhất là công an, quân đội; hạn chế thấp nhất, không để xảy ra các tai nạn đáng tiếc do thiên tai.

Đề phòng hoàn lưu bão, Phó Thủ tướng lưu ý, cần chú ý kiểm soát chặt chẽ tàu bè, nhất là tàu khách du lịch, chỉ cho hoạt động nếu bảo đảm an toàn. Đồng thời, chủ động thông tin, tuyên truyền và có biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo, khu vực ven biển, cửa sông.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, cần chủ động rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.

Về các hồ chứa, nhấn mạnh yêu cầu “an toàn là hàng đầu”, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp thật tốt trong công tác điều hành các hồ chứa.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất