| Hotline: 0983.970.780

Để sông Hồng như hiện nay là điều rất xấu hổ cho Thủ đô

Thứ Sáu 02/08/2019 , 08:51 (GMT+7)

Không chỉ ảnh hưởng tới KT-XH, về cảnh quan môi trường, để sông Hồng, con sông được xem là không gian văn hóa của Hà Nội nhưng luôn trong tình cảnh trơ đáy, cỏ cây ngập ngụa, ô nhiễm bẩn thỉu như hiện nay là điều rất tệ hại, bi thảm. Đây là điều rất đáng xấu hổ đối với Thủ đô Hà Nội.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã trăn trở như vậy khi đề cập tới thực trạng biến đổi nghiêm trọng của sông Hồng, nhất là hậu quả của việc lòng sông ngày càng thu hẹp, tụt thấp mực nước.

GS Phạm Hồng Giang ái ngại về bộ mặt nhếch nhác, ô nhiễm của sông Hồng.

Ông ngán ngẩm: Những con sông chảy qua các đô thị ở nước ngoài còn là không gian văn hóa, cảnh quan rất đẹp. Phố hướng ra sông, nhà hướng về sông. Trong khi đó, sông Hồng chảy qua Hà Nội nhà cửa san sát quay lưng ra sông, cống thải la liệt đổ ra sông. Lòng sông ngày càng ngày trơ đáy, lau lách ngập ngụa, ô nhiễm bẩn thỉu vô cùng.

Theo GS Giang, khoảng 15 năm trở lại đây, sông Hồng đã có những thay đổi, biến động rất lớn về dòng chảy, nhất là mực nước liên tục tụt sâu vào mùa khô và tình hình vẫn đang ngày càng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá khảo sát của các nhà khoa học của ngành thủy lợi, có phần do ảnh hưởng của việc tụt giảm phù sa do các hồ chứa thượng nguồn, nhưng chủ yếu vẫn là do tình trạng khai thác cát vô tổ chức, thiếu kiểm soát…
 

Xây đập hay để thuận theo tự nhiên?

Hiện nay, Viện Khoa học Thủy lợi (KHTL) đã có đề tài đề xuất về việc cần xây dựng ngay các đập dâng trên lưu vực sông Hồng, trước mắt là đoạn qua Hà Nội. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của giải pháp này?

Giải pháp thứ nhất cho thực trạng hiện nay của sông Hồng, đó là... không làm gì cả, để thuận theo tự nhiên! Theo đó, đến lúc vào vụ gieo cấy, cần nước đổ ải, thì đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xả nước tăng cường của các hồ chứa thượng nguồn để dâng mực nước hạ nguồn.

Tuy nhiên, đây là điều mà không ai muốn cả, nhất là EVN. Bởi mỗi năm, các đợt xả nước đổ ải ước làm mất đi tới khoảng 5 tỉ m3 nước của các hồ thủy điện, nhưng chỉ có chưa tới 20% được sử dụng, còn đâu thì chảy hết ra biển. Đáng nói là thời gian xả nước đổ ải lại là các tháng đầu năm, là giai đoạn mà các NM thủy điện đang cần giữ nước tối đa để chuẩn bị cho việc phát điện sẽ tăng rất cao trong mùa hè.

Ở khía cạnh khác, việc xả nước này chỉ mới phục vụ cho một loại cây trồng là cây lúa, trong một thời điểm ngắn hạn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tới đây, chúng ta có thể chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng cạn, cây ăn quả, rau màu, thủy sản..., chưa kể nhu cầu nước cho sinh hoạt, công nghiệp ngày càng tăng chóng mặt. Với kịch bản ấy, liệu chúng ta có thể xả nước hồ thủy điện quanh năm được không!?

Vì vậy về dài hơi, giải pháp làm công trình đập dâng điều tiết trên sông Hồng tôi cho là một phương án rất tốt, hiệu quả cao và hoàn toàn khả thi. Đây là đề xuất mà nhiều chuyên gia về thủy lợi đã đặt ra từ hàng chục năm qua, chứ không phải bây giờ mới đề xuất.

n5180834845
Sông Hồng nhếch nhác.

Với giải pháp này, bên cạnh việc giúp dâng cao mực nước giúp hệ thống thủy lợi lấy được nước từ sông Hồng, cũng đồng thời giúp chia sẻ nước vào hệ thống chi lưu như sông Nhuệ, sông Đáy... để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Đây còn là giải pháp có thể cải thiện nước ngầm, đặc biệt nếu kết hợp được với các giải pháp tổng thể khác thì còn tạo ra được cảnh quan đô thị, khắc phục tình trạng nhếch nhác của sông Hồng hiện nay...
 

Lựa chọn phương án

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xây dựng đập dâng thì nên chọn đập dâng trên sông Đà sẽ là hiệu quả, an toàn và khả thi hơn là đập trên sông Hồng. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Hiện nay, Hà Nội cũng đang triển khai cải tạo hệ thống sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy, kết hợp với việc lấy nước sông Đà vào sông Tích qua cống Lương Phú (Thuần Mỹ, Ba Vì). Đây là giải pháp tốt có thể góp phần giải quyết vấn đề thủy lợi cho khu vực sông phía tây Hà Nội, phục vụ SX nông nghiệp, cải thiện môi trường sông ngòi, thủy nông...

Ý tưởng xây đập dâng trên sông Đà để lấy nước vào sông Tích cũng có ưu điểm là tận dụng ưu thế về lực nước do sông Đà có độ cao lớn, đồng thời dễ thực hiện hơn, ít phức tạp hơn do sông Đà hẹp hơn, trong khi sông Hồng rất rộng và có nhiều vấn đề phức tạp...

Tuy nhiên, nếu bố trí đập dâng trên sông Đà cũng cần phải tính toán kỹ yếu tố có thể ảnh hưởng của việc dâng nước tới hạ du đập thủy điện Hòa Bình.

Bên cạnh đó, sông Tích, và đặc biệt là cống Lương Phú lại quá bé, năng lực lấy nước rất hạn chế. Tôi cho rằng nếu phục vụ cho du lịch ở hồ Suối Hai thì được, chứ để nói có tác động sâu xuống hệ thống sông Đáy, sông Nhuệ, hoặc sâu hơn xuống các sông nội thành Hà Nội là không có nhiều tác động...

Việc xây đập dâng trên sông Hồng, dù khó và phức tạp hơn, nhưng lại có nhiều ý nghĩa hơn, nhất là góp phần giải quyết nhu cầu thủy lợi của một khu vực rộng lớn của các tỉnh vùng ĐBSH, chứ không chỉ bó hẹp ở khu vực phía tây Hà Nội.

Viện KHTL đề xuất trước mắt cần xây dựng ngay 2 đập dâng điều tiết tại Long Tửu (trên sông Đuống) và cống Xuân Quan (trên sông Hồng). Ông đánh giá vị trí xây dựng đập dâng theo đề xuất này đã hợp lí chưa?

Trong bối cảnh điều kiện về tiềm lực kinh tế của chúng ta còn rất khó khăn, thì trước mắt đề xuất trước mắt cần xây dựng 2 đập dâng ở đây là hoàn toàn hợp lí.

17-30-05_dscf3533
Nhiều công trình thủy lợi liên tục phải nâng cấp nhưng vẫn luôn “lỗi thời” so với tốc độ hạ thấp nước của sông Hồng (Trong ảnh: nâng cấp trạm bơm Đại Định, tỉnh Vĩnh Phúc năm 2017).

Tình trạng phân lưu sông Hồng sang sông Đuống đang ngày càng rất căng thẳng. Về mùa cạn, nước sông Hồng chảy qua sông Đuống ngày càng lớn, khiến phía hạ nguồn sông Hồng ngày càng kiệt nước. Ngược lại về mùa lũ, sức ép phân lưu từ sông Hồng khiến sông Đuống luôn phải oằn mình. Đây là điều rất nguy hiểm bởi hệ thống đê sông Đuống – sông Thái Bình nhìn chung rất yếu so với đê hệ thống sông Hồng.

Một đập dâng điều tiết tại cống Long Tửu không chỉ giải quyết vấn đề lấy nước cho hệ thống thủy nông Ngũ Huyện Khê – Nam Đuống – Bắc Đuống, mà còn giải quyết được 2 hệ quả của việc phân lưu sông Hồng qua sông Đuống hiện nay.

Tương tự, đập dâng điều tiết tại cống Xuân Quan cũng vừa giải quyết việc lấy nước cho hệ thống thủy nông quan trọng bậc nhất vùng ĐBSH là Bắc Hưng Hải, vừa có thể dâng nước cho thượng nguồn sông Hồng đoạn qua Hà Nội, thậm chí nếu nghiên cứu kỹ còn có thể có tác dụng dâng nước để lấy nước cho hệ thống sông Nhuệ, xa hơn là sông Đáy. Dĩ nhiên, đối với sông Nhuệ, sông Đáy thì có thể sẽ phải cần thêm các giải pháp khác đi kèm…
 

Tính toán một kịch bản đồng bộ

Ông có thể phân tích sâu hơn về giải pháp đồng bộ để có thể làm sống lại sông Nhuệ, sông Đáy với kịch bản có đập dâng trên sông Hồng?

“Nhuệ Giang nước chảy quanh co/Nào ai xuôi ngược con đò em đưa”. Sông Nhuệ từng là con sông rất thơ mộng, nhưng sức ép đô thị hóa đã khiến tình trạng ô nhiễm vô cùng trầm trọng.

Xưa kia, sông Nhuệ không thông với sông Hồng, và người Pháp đã sớm nghĩ ra phương án phải xây cống Liên Mạc (từ trước năm 1937) để lấy nước sông Hồng cho sông Nhuệ. Thế nhưng đến nay, nước sông Hồng gần như không còn chảy được vào sông Nhuệ, mà ngược lại nước sông Nhuệ lại chảy ra sông Hồng. Cống Liên Mạc trở thành một “ổ ô nhiễm” khủng khiếp.

Để lấy được nước sông Hồng vào sông Nhuệ, cần phải có cốt nước sông Hồng trên 2,2m. Vì vậy, để lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ, phương án cho 2 đập dâng Long Tửu và Xuân Quan cũng cần phải nghiên cứu kỹ xem có tác động được giúp lấy nước cho sông Nhuệ không, thậm chí nếu cần thiết có thể đầu tư thêm đập dâng để đảm bảo lấy được cả nước sông Hồng cho sông Nhuệ và sông Đáy.

Đối với sông Đáy, người Pháp đã từng xây dựng cống điều tiết từ trước năm 1940, tuy nhiên sau đó bỏ dở nên không vận hành được.

Sau năm 2002, chúng ta đã cho xây dựng cống Cẩm Đình trên cửa sông Nhuệ - sông Hồng. Tuy nhiên do việc hạ thấp mực nước sông Hồng và bồi lấp bờ sông Hồng diễn ra quá nhanh, nên cống xây xong thì thực chất đã không hoạt động được, nhất là vào mùa kiệt.

Vì vậy, giải pháp về việc làm đập, kết hợp cống sông Đáy và nạo vét hạ thấp khu vực cửa sông Đáy để lấy nước thường xuyên từ sông Hồng là vấn đề mà tôi luôn trăn trở. Đây cũng là giải pháp mà người Pháp đã từng làm trước đây để chủ động đóng cống ngăn lũ từ sông Hồng vào sông Đáy vào mùa lũ, và chủ động lấy nước sông Hồng vào sông Đáy khi cần thiết...

Xin cảm ơn Giáo sư!

Phải khẳng định, việc xây dựng đập dâng nhằm tích nước ở hạ du các con sông là giải pháp rất bình thường mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

Chúng ta cũng hoàn toàn có các giải pháp công trình, thiết kế để đảm bảo cho việc lưu thông đường thủy, đảm bảo không cản trở thoát lũ trong mùa lũ.

Đối với mùa kiệt, nếu có quy trình vận hành, điều tiết phù hợp thì vẫn đảm bảo không ảnh hưởng quá nhiều tới hạ du phía sau đập dâng.

Hiện nay, bên cạnh đập dâng Văn Phong (Bình Định), đập dâng Thảo Long ở Huế cũng là các công trình đã phát huy hiệu quả vô cùng tốt trên thực tế.

Đập dâng Thảo Long đã tạo ra một bước đột phá cho TP Huế, không chỉ cung cấp nước ngọt cho toàn bộ TP Huế, cho nhu cầu các NM công nghiệp mà còn giúp phục vụ SX nông nghiệp cho nhiều vùng lân cận, đồng thời ngăn mặn xâm nhập, tạo môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch hết sức ấn tượng…

(GS.TSKH Phạm Hồng Giang).

(thực hiện)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất