Nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2020 - 2022, giới thiệu các thiết bị kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời, tạo cơ hội cho các chủ doanh nghiệp và trang trại quảng bá sản phẩm của đơn vị mình, Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ đánh giá kết quả nghiên cứu và giới thiệu các sản phẩm về chăn nuôi, giai đoạn 2020 - 2022.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/11 với 90 báo cáo và thông báo khoa học, được chia thành 3 tiểu ban.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, ngành nông nghiệp trong năm 2022 mặc dù phải chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, lạm phát toàn cầu và bất ổn chính trị thế giới, nhưng vẫn tạo ra nhiều kết quả kỷ lục trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Thành công trên có sự đóng góp rất lớn của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, do đó, Viện Chăn nuôi cần có sự đột phá trong công tác nghiên cứu và chọn tạo giống nhờ khoa học, công nghệ, nhất là tạo ra những giống và sản phẩm đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thị trường.
Để huy động và tập hợp được nhiều nguồn lực, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Viện Chăn nuôi cần đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, đào tạo và nghiên cứu quốc tế. Điều này không chỉ tạo ra nguồn lực mà còn giúp đơn vị nghiên cứu cập nhật được các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Viện Chăn nuôi cần tăng chất cho đề tài khoa học, không nên chạy theo số lượng thông qua việc đề ra các tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, hàng năm, các đơn vị nghiên cứu của Viện cung cấp cho ra thị trường hàng chục triệu con gà giống, ông bà và bố mẹ; 20 triệu con giống vịt, ngan các loại; cung cấp 500.000 đến 700.000 liều tinh trâu, bò chất lượng cao mỗi năm, chiếm 40% thị phần cả nước; cung cấp trên 30.000 lợn giống bố mẹ thông qua chuyển giao trực tiếp và khoảng 100.000 lợn giống bố mẹ thông qua chuyển giao lợn ông bà.
Trung bình mỗi năm, các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện Chăn nuôi đã góp phần làm tăng giá trị gia tăng cho người chăn nuôi, ước tính khoảng 12.000 - 15.000 tỷ đồng.
Chính nhờ các thành tựu của khoa học và công nghệ, mà tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, trung bình từ 5-6%/năm. Chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 25% vào GDP ngành nông nghiệp, qua đó, duy trì mức tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngành chăn nuôi nước ta đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ lượng sang chất, từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn theo chuỗi khép kín. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của ngành chăn nuôi, đó là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi dưỡng và xử lý môi trường.
"Với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi và sử dụng nguồn thức ăn chất lượng tốt, hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi lợn ở nước ta đã có giá thành sản phẩm bằng hoặc thấp hơn của Thái Lan. Đặc biệt, nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp đã hạ giá thành thấp hơn cả Thái Lan và EU”, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết.
Nhân sự kiện này, các đơn vị nghiên cứu và nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu và trưng bày nhiều sản phẩm chăn nuôi như: cao xương ngựa bạch; các giống thỏ Việt Nam và California; Vịt Star 53; các giống ngan, dê, đà điều mới...
Liên quan đến vấn đề giảm giá thành thức ăn chăn nuôi trước bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiệm trọng bởi biến đổi khí hậu và bất ổn chính trị thế giới, GS.TS. Lã Văn Kính, Đại học Công nghệ TP. HCM đề ra 6 giải pháp tiết kiệm nguồn thức ăn chăn nuôi gồm: giảm năng lượng thuần tiêu hao của vật nuôi; tiết kiệm nguồn protein bằng khẩu phần ăn cân bằng; cải thiện tỷ lệ tiêu hóa để giảm chất dinh dưỡng ra phân; tăng khối lượng sơ sinh của lợn con; nuôi tách riêng lợn đực và lợn cái để giảm lãng phí thức ăn; nuôi lợn thịt theo nhiều giai đoạn để tránh lãng phí thức ăn.