Ngày 19/4, trên mạng xã hội lan truyền một đề thi học sinh giỏi THCS của tỉnh Quảng Nam, câu 1 (8 điểm) là nghị luận xã hội có nội dung:
a. Trong bộ phim "Repply 1988" sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.
b. Trong bài viết: Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ:
Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.
Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ".
Rất nhanh chóng, đề thi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, một số tờ báo cũng tham gia phản ánh đánh giá của dư luận xung quanh đề thi này. Khen rất nhiều nhưng chê cũng không ít.
Sau 1 tuần, đến ngày 26/4, xuất hiện một luồng ý kiến mới, nhưng không phải về đề thi mà là về đáp án. Một giáo viên nhận định:
Cái đáng quan tâm không phải là đề thi, mà phải là đáp án! Đáp án có chấp nhận việc nói ngược lại với ngữ liệu hay không? Nếu đáp án không công nhận mọi suy nghĩ (có lập luận hợp lý) của thí sinh thì mọi danh ngôn dùng làm đề thi đều có hại như nhau.
Đáng lo là, dù hình thức đề thi từ trước đến nay vẫn là "trình bày suy nghĩ của anh chị" nhưng luôn chấm theo suy nghĩ của giám khảo! Cái suy nghĩ ấy là gì? Thực chất là đồng tình với quan điểm trong ngữ liệu (con phải/nên thấu hiểu cho cha mẹ). Phần nói ngược (gọi là phản đề) sẽ được "tặng" cùng lắm là 1/10 tổng điểm của đề. Nếu không tin, các bạn cứ yêu cầu Quảng Nam công bố đáp án mà xem!
Hôm sau, ngày 27/4, đúng như dự đoán, đáp án xuất hiện trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, không hoàn toàn đúng với dự đoán của vị giáo viên kia, đáp án còn không có cả nội dung “phản đề”. Toàn bộ đáp án đó thể hiện sự đồng tình với định hướng trong ngữ liệu (con cái phải thấu hiểu cha mẹ).
Một số người phát hiện ra rằng do tình trạng ngày càng có nhiều học sinh trầm cảm rồi tự chấm dứt cuộc sống vì quá căng thẳng, mệt mỏi, áp lực nên mới có những đề thi với nội dung định hướng như thế này. “Thông điệp” của nó là nhắm vào tâm lý của trẻ, đòi hỏi các em đừng oán trách cha mẹ mà hãy thấu hiểu và bao dung. Tuy nhiên, chính lối suy nghĩ và sự áp đặt này của những người làm giáo dục mới thật là nguy hại, vì nó chỉ làm tăng thêm sự trầm uất do không những không được sẻ chia, lắng nghe, đồng cảm và thương yêu; ngược lại còn gây thêm gánh nặng bởi trọng trách quá lớn trên vai là thấu hiểu cha mẹ!
Một bạn đọc nêu quan điểm:
Đáp án này không chấp nhận sự khác biệt quan điểm hay không chấp nhận đứa trẻ là đứa trẻ đã đành, mà còn không có cả một phết điểm nào dành cho việc “phản đề”. Những cái đáp án chấm văn kiểu này là một tai họa vốn đã tồn tại hàng chục năm qua trong nhà trường Việt Nam. Và chừng đó thời gian đã đủ để giết chết hết tư duy độc lập, óc sáng tạo, tinh thần phản biện của học sinh. Biến tất cả các em thành những kẻ nói dối, nói dối leo lẻo, nói dối không biết ngượng…
Thậm chí có bạn còn đề xuất:
“Hãy kiện ngươi làm đáp án và hội đồng giám khảo! Vì thứ nhất, đề yêu cầu “trình bày suy nghĩ của em” nhưng đáp án lại là suy nghĩ của người ra đề và hội đồng giám khảo. Toàn bộ cái đáp án ấy chỉ là một quan điểm chủ quan của người ra đề lẫn hội đồng giám khảo. Minh chứng là trong đáp án không hề có dòng nào thể hiện tinh thần “chấp nhận mọi suy nghĩ của học sinh miễn là có lập luận hợp lý và không trái luật pháp lẫn đạo lý phổ quát”. Thứ hai, quan điểm của đáp án là con cái phải thấu hiểu cho cha mẹ là sai, ít nhất thì cũng là một đòi hỏi vô lý. Vì cha mẹ thì đã từng làm con nhưng những đứa con đang học cấp hai thì chưa từng làm cha mẹ. Đòi hỏi con cái thấu hiểu cho cha mẹ là một yêu cầu ngược đời, vì con cái thì thương yêu cha mẹ nhưng không thể lấy đó làm “điều kiện” để ra yêu sách khi các em học sinh hoàn toàn chưa bao giờ có trải nghiệm làm cha mẹ. Yêu cầu của đáp án là hết sức phi lý, ích kỷ và áp đặt.
Một nhà giáo về hưu gay gắt: Tiện đây tôi nhắc cho người ra đề và người làm đáp án cũng như vô số nhà đạo đức rởm rằng Fukuzawa Yukichi khẳng định 100% trẻ em ra đời là không do ý muốn của chúng. Cha mẹ sinh con ra có bổn phận và nghĩa vụ NUÔI và DẠY để chúng Trưởng thành. Và để chúng không trở thành gánh nặng của gia đình, bản thân và xã hội.
Khi đề thi, và nhất là đáp án được công khai, nhiều người đã đồng loạt nêu lên tình trạng chấm thi phản khoa học lâu nay trong giáo dục Việt Nam nói chung mà Quảng Nam chỉ là một trường hợp ví dụ có tính đại diện. Đó là đề mở nhưng đáp án đóng, đều yêu cầu trình bày suy nghĩ của anh chị nhưng luôn chấm theo suy nghĩ của giám khảo. Trước nay, đáp án luôn áp đặt quan điểm của người lớn, không chấp nhận suy nghĩ của trẻ em. Tình trạng ấy đã kéo dài hàng chục năm qua. Và cũng theo nhiều thầy cô giáo và phụ huynh, lối làm đề, đáp án và chấm thi ấy là một tai họa đối với sự phát triển của trẻ em. Không một sự phá hoại nào lớn bằng những kiểu thi thố thế này, vì nó vĩnh viễn không trao cho người học cơ hội trưởng thành đã đành, mà còn tước luôn những gì vốn có về lòng hiếu tri và sự trong sáng, để chỉ chạy theo minh họa cho suy nghĩ của người khác, bất chấp chúng đúng sai hay dở thế nào – một thầy giáo nêu quan điểm.
Dư luận thẳng thắn: Đề thi thường luôn có vẻ tiến bộ, tân kỳ nhưng đáp án và cách làm thì vẫn cũ kĩ, lạc hậu, không có gì đáng gọi là “đổi mới” cả. Sự bất cập, nếu không nói là phản giáo dục này không thể tiếp tục được dung túng và cần phải chấm dứt ngay. Nó đã kéo đủ dài để làm hỏng nhiều thế hệ học trò rồi.