Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý, đề thi tốt nghiệp THPT 2024 có vài điểm khác biệt so với các năm trước. Thí sinh chịu nhiều thiệt thòi của dịch bệnh Covid-19, do vậy sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành giáo dục đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, bổ túc thêm kiến thức để các em tự tin, thực hiện tốt yêu cầu kỳ thi; việc ra đề cũng được tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp.
Thí sinh có 5 phút để rà soát đề thi
Việc kiểm tra đề thi ngay khi nhận từ cán bộ coi thi là trách nhiệm, cũng là việc quan trọng mà các hội đồng thi năm nay nhắc nhở thí sinh để bảo đảm quyền lợi của mình.
Bộ GD-ĐT khuyến cáo: Để hạn chế các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến kết quả thi, ngay khi nhận đề thi, thí sinh cần khẩn trương kiểm tra kỹ toàn bộ nội dung đề thi. Nếu phát hiện có bất thường (như đề thi thiếu trang, bị rách, mờ, nhòe... hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp không cùng một mã đề thi), thí sinh báo cáo ngay với cán bộ coi thi chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi. Nếu quá 5 phút tính từ lúc làm bài thi, thí sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm về đề thi đã nhận.
Theo quy định, đề thi và đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "tối mật". Nếu thí sinh cố tình sao chụp, phát tán, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ "tối mật" đối với đề thi của các bài thi, môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi, môn thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài của bài thi tự luận.
Căn cứ vào đề tham khảo kỳ thi của Bộ GD-ĐT nhiều giáo viên đánh giá tích cực về cách thức ra đề năm nay. Đề thi đã bỏ đi một số câu hỏi dễ đến mức "nhắm mắt cũng làm được" như các năm trước. Phần phân hóa cũng phù hợp, không có câu hỏi mang tính đánh đố. Cách thức ra đề không mới, nhưng so với năm trước, năm nay đề thi cân bằng độ dễ - khó.
Thay đổi mẫu giấy thi tự luận
Năm nay, Bộ GD-ĐT sửa lại mẫu giấy thi tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết, điều này thực hiện theo đề nghị của các sở GD-ĐT để tránh nhầm lẫn cho thí sinh. Cụ thể, trong giấy thi trước đây quy định phần số báo danh thí sinh ghi cả phần chữ và số. Năm nay, mẫu giấy thi mới bỏ ghi chú "thí sinh phải ghi cả phần chữ và số", nghĩa là chỉ ghi 012345… là đủ.
Theo ông Chương, mẫu giấy thi cũ do lịch sử để lại vì trước đây có cụm thi ĐH nên có số báo danh cả dạng chữ và số, ví dụ "BKA012345".
Với phiếu trả lời trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT hướng dẫn: thí sinh cần giữ phiếu cho phẳng, không bôi bẩn, không làm nhàu, rách nát; ghi đầy đủ, rõ ràng các mục từ 1 đến 8. Số báo danh ghi tại mục 7 là 6 chữ số cuối. Tại mục 7 và 8, ngoài việc ghi chữ số vào ô trống, thí sinh nhất thiết phải tô kín các ô tròn trong bảng số phía dưới tương ứng với chữ số đã ghi.
Ở phần trả lời: Số thứ tự các phương án trả lời (A, B, C, D) là tương ứng với thứ tự câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi. Đối với mỗi câu trắc nghiệm, thí sinh chọn và tô kín một ô tròn tương ứng với một phương án trả lời mà thí sinh cho là đúng; thí sinh không được tô vào phương án có số thứ tự không tương ứng với câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi.