| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất 25.000 shipper hoạt động: Chưa có câu trả lời từ lãnh đạo Thành phố

Thứ Bảy 28/08/2021 , 20:00 (GMT+7)

TP.HCM Về đề xuất cho phép 25.000 shipper hoạt động, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết việc này đang thảo luận và chưa có câu trả lời từ lãnh đạo Thành phố.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Ảnh: T.N.

Người dân nhờ "đi chợ thay" với các đơn hàng quá chi tiết

Liên quan đến việc “đi chợ hộ” cho người dân, tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 28/8, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, có nhận được phản ánh một số địa phương ùn ứ trong việc "đi chợ hộ”.

Cũng theo ông Phương, hiện một số địa phương có cách thức tính toán, phân bổ, bố trí hàng hóa giữa các điểm cung ứng chưa phù hợp. Ông dẫn chứng một số siêu thị có năng lực rất lớn nhưng chỉ cung ứng hàng hóa cho 1-2 phường nên rất lãng phí, không khai thác hết nguồn lực.

Bên cạnh đó, trước đây, người dân tự đi chợ, mua sắm thì ở thời điểm hiện nay, toàn bộ nhân viên siêu thị đang thay cho người dân để mua sắm.

“Với số lượng nhân viên ít, trong khi đó một số nhân viên phải giãn cách ở nhà nên chỉ có một số ít người thực hiện đi chợ hộ, đơn hàng thì nhiều. Để hoàn thành một gói “đi chợ hộ” là rất khó khăn khi siêu thị nhận nhiều đơn hàng với các mặt hàng quá chi tiết. Do đó, chúng tôi phải tính toán lại.

Trong trường hợp nếu áp lực quá cao, năng lực cung ứng các hệ thống phân phối không đáp ứng được thì bắt buộc phải thực hiện cung ứng theo combo với các mặt hàng thực sự thiết yếu cần thiết phục vụ đời sống", ông Phương chia sẻ.

Hội Phụ nữ phường 6, quận Tân Bình thực hiện 'đi chợ thay' người dân. Ảnh: H.T.

Hội Phụ nữ phường 6, quận Tân Bình thực hiện "đi chợ thay" người dân. Ảnh: H.T.

Trong tình hình chung, phải ưu tiên cho công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở Công thương mong muốn người dân TP.HCM cùng phối hợp với các hệ thống siêu thị hiện đại thực hiện gói “combo” thiết yếu. “Nếu phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu cá nhân thì sẽ rất khó để thực hiện được”, ông Phương nói.

25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000-650.000 hộ gia đình

Về đề xuất cho phép 25.000 shipper vào hoạt động của Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện các cơ quan tham mưu đang thảo luận và chưa có câu trả lời chính thức từ lãnh đạo Thành phố.

Liên quan đến đề xuất này, ông Phương cho biết, do đội ngũ shipper chuyên nghiệp sử dụng ứng dụng công nghệ có lợi thế lớn trong việc hoạt động, vận chuyển, phân phối hàng hóa.

“Họ có năng lực trong điều phối, tiếp nhận thông tin và giao, nhận hàng hóa. Đội ngũ này trong thời gian qua đã được tiêm vacxin phòng Covid-19. Ngoài ra, còn có ứng dụng (app) để quản lý, theo dõi lộ trình nên việc quản lý, giám sát đội ngũ này sẽ đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều. Họ có nhiệm vụ và được hướng dẫn cách giao nhận hàng hóa để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đặc biệt là thông thạo đường xá, ngõ ngách.

Đội ngũ shipper vốn thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn khi được hoạt động trên toàn TP.HCM. Trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng/ngày. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đội ngũ shipper vốn thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn khi được hoạt động trên toàn TP.HCM. Trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng/ngày. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nếu tận dụng được đội ngũ shipper này trong việc vận chuyển hàng hóa thì sẽ giảm tải nhiều cho cơ quan đang thực hiện nhiệm vụ này. Đó là cơ sở để Sở Công Thương tham mưu lãnh đạo Thành phố", ông Phương thông tin.

Lý giải về việc này, ông Phương cho biết, đây là việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, người triển khai chưa có kinh nghiệm. Do đó, chắc chắn sẽ có những bước đầu gặp khó khăn. Và chắc chắn những khó khăn này sẽ tăng lên rất nhiều khi lượng dự trữ lương thực thực phẩm của người dân giảm xuống, người dân sẽ tăng cường mua sắm thêm. Vì vậy, về phía Sở Công thương TP.HCM đã tham mưu Thành phố những giải pháp về cung ứng hàng hóa cho người dân.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hiện có các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp thương mại điện tử có năng lực, chuyên môn, nền tảng có thể khai thác rất tốt. Ví dụ, Grab có ứng dụng (app) được nhiều người dân sử dụng quen thuộc.

"Trước đây, người dân Thành phố vẫn có thể đặt thức ăn qua app này, nên nếu không khai thác là một sự lãng phí. Hiện, Thành phố Thủ Đức đang phối hợp với Grap thực hiện giải pháp thí điểm này. Đây là cách giúp giảm áp lực cho các lực lượng chức năng đang thực hiện cung ứng hàng hóa", ông Phương thông tin.

Cũng theo ông Phương, hiện Sở Công thương TP.HCM đã nhận thêm nhiều đề xuất tham gia cung ứng hàng hóa như Tiki, Be và một số doanh nghiệp liên quan đến vận chuyển hàng hóa, shipper.

Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất cho phép shipper đã được tiêm ít nhất một liều vacxin phòng Covid-19 trước ngày 13/8 được tham gia hoạt động trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội hiện tại.

Ước tính có 17.449 shipper đã tiêm mũi một trên địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tính đến 0h ngày 28/8. Sở Công thương TP.HCM dự báo có thể huy động được 25.000 shipper. Còn tính theo 14 quận/huyện đã trừ vùng có nguy cơ cao thì còn khoảng 12.513 shipper.

Về giải pháp tăng cường vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công thương TP.HCM cho rằng phương thức "mua hàng trực tuyến - giao hàng không chạm" cần được phát huy để hạn chế tiếp xúc. Bởi thực tế hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa không còn phân bổ tương xứng với mật độ dân cư, cần có sự luân chuyển hàng hóa để phục vụ người dân tốt hơn.

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các website, sàn giao dịch thương mại điện tử có nguồn hàng cũng là đối tác của các doanh nghiệp shipper nên việc phối hợp sẽ thuận lợi.

Trong điều kiện hiện nay, nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000-650.000 hộ gia đình.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.