Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trung tâm tư vấn Quản lý Thủy Nông, Viện Kinh tế và Quản lý Thủy lợi vừa phối hợp tổ chức buổi thảo luận đề xuất mô hình khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL. Buổi thảo luận được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.
Báo cáo đề dẫn của buổi thảo luận cho thấy việc quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi ĐBSCL còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, hiện mới chỉ có 5/13 tỉnh, thành phố có công ty quản lý thủy lợi phù hợp quy định của Luật Thủy lợi. Các tỉnh còn lại, hệ thống thủy lợi vẫn do các chi cục, trung tâm quản lý, do đó bộc lộ khá nhiều hạn chế. Lực lượng quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở các tỉnh còn khá mỏng, nhất là những tỉnh chưa thành lập đơn vị chuyên trách.
Buổi thảo luận đã đưa ra 3 phương án tổ chức khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh ở ĐBSCL. Phương án 1 là thành lập công ty quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, trực thuộc Bộ NN-PTNT.
Phương án 2 là thành lập chi nhánh trực thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, để quản lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Phương án 3 là thành lập công ty khai thác công trình thủy lợi Miền Nam trên cơ sở kiện toàn Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, và mở rộng phạm vi quản lý các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL.
Sau khi cân nhắc ưu và khuyết điểm của từng phương án, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đề xuất mô hình tổ chức khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL theo phương án 3.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các chuyên gia, các viện nghiên cứu cần tiếp tục thảo luận tìm phương án giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn giữa thực tiễn và quy hoạch. Phương án cuối phải đảm bảo tính thống nhất cao trước khi đưa ra lấy ý kiến ở các địa phương.