| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Xây dựng khi cần thiết và không hối tiếc

Thứ Sáu 07/09/2018 , 19:35 (GMT+7)

Sáng 7/9, tại TP Rạch Giá, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị về dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng và chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng.

Hội nghị đã thu hút sự sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, với nhiều ý kiến đóng góp, cả ủng hộ và phản đối do lo ngại tác động đến môi trường.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nằm trọn trong vùng Bán đảo Cà Mau, có tổng diện tích 909.248 ha, thuộc địa bàn 6 tỉnh, gồm: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 3.309,5 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cho biết, việc đầu tư dự dán hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 là việc  làm cần thiết và cấp bách, cần phải được triển khai sớm, nó phù hợp với quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 120/NQ-CP của chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Mục tiêu chính của dự án là: kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biên và vùng sản xuất nông nghiệp; Chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt; Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn; Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng.

Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho rằng, BĐKH không còn là cảnh báo nữa mà đã trở nên hiện hữu. Những năm gần đây, vùng ven biển của Kiên Giang bị nhiễm mặn ngày càng gia tăng, thiếu nước ngọt trầm trọng cho cả sản xuất và sinh hoạt. Đối tượng chịu tác động nặng nề nhất không ai khác chính là người nông dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đầu tư hệ thống thủy lợ Cái Lớn – Cái Bé sẽ giúp hoàn thiện toàn bộ hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây, nhằm chủ động điều tiết mặn, ngọt, giảm thiểu những tác động bất lợi do BĐKH gây ra.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, tỉnh đã có công văn gửi các bộ, ngành kiến nghị sớm triển khai dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Vì Hậu Giang hàng năm bị xâm nhập mặn chủ yếu từ sống Cái Lớn, gây bất lợi cho sản xuất. Cái khổ của Hậu Giang là mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt nên rất khó cho việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp.

Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại dự án sẽ gây ra những tác động bất lợi về môi trường, trong khi chi phí đầu tư lại quá lớn. Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng dự án đặt ra mục tiêu là giải quyết mâu thuẫn mặn – ngọt. Liệu thật sự là có mâu thuẫn lớn để cần thiết tiến hành một dự án thủy lợi có quy mô lớn nhất từ trước tới nay như Cái Lớn – Cái Bé không?

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện

“Sự kiện thời tiết cực đoan gây hạn – mặn như mùa khô năm không nên bị lạm dụng làm chuẩn tình hình chung để xây dựng công trình. Một khi hạn mặn cực đoan xảy ra thì công trình ngăn mặn cũng không có tác dụng”, ông Thiện nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Trưởng ban phát triển vùng Bán đảo Cà Mau, với quan điểm là “không phản đối nếu dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé là cần thiết và không hối tiếc”.

GS Nguyễn Ngọc Trân

Theo GS Trân, cần phải hết sức thận trọng khi quyết định thực hiện dự án vì kinh phí đầu tư rất lớn lên tới 3.309,5 tỷ đồng, mà đây đều là tiền thuế của dân đóng góp. Mọi dự án công trình phải được tính toán thật kỹ, được phản biện khách quan, khoa học đảm bảo không hối tiếc đầu tư. Trước khi chọn một giải công trình, phải tính toán cán cân được – mất  trên cả ba mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Quy hoạch phải theo quy luật thuận thiên, chú ý giải pháp phi công trình. “Cụ thể có nên bao ví ĐBSCL nói chung và vùng dự án trong các cống, đập các cỡ”, GS Trân đặt câu hỏi.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, là cấp quyết định đầu tư dự án, Bộ NN-PTNT rất trân trọng, cầu thị, lắng nghe mọi ý kiến đóng góp, phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia. Nếu triển khai thực hiện dự án thì phải giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, phát huy tối đa mặt tích cực, đảm bảo cả yếu tố thích nghi và thích ứng của công trình.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.