| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất cấp phép thêm hai vaccine Covid-19 của Mỹ và Nga

Thứ Sáu 26/02/2021 , 06:40 (GMT+7)

Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho hai vaccine Covid-19 của Mỹ và Nga.

Ngày 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho hai vaccine phòng Covid-19 gồm vaccine của Công ty Moderna (Hoa Kỳ) và vaccine của công ty JSC Generium (Nga) (Sputnik V) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Được biết, Moderna đã chuyển giao tổng cộng khoảng 60 triệu liều vaccine Covid-19 phục vụ toàn cầu, trong đó Mỹ là 55 triệu liều. Hiện Moderna cũng đang tiếp tục tăng năng lực sản xuất để cung ứng vaccine cho toàn cầu trong thời gian tới.

Trong đó, vaccine Covid-19 Sputnik V được phát triển bởi Viện Ngân sách Nhà nước Liên bang, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Liên bang Gamaleya thuộc Bộ Y tế Liên bang Nga và đã trở thành loại vaccine được đăng ký đầu tiên trên thế giới để phòng chống nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trước đó, cuối tháng 1/2021, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng đã đề xuất phê duyệt nhập khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca (Anh). Ngày 1/2, Bộ Y tế đã phê duyệt nhập khẩu khoảng 30 triệu liều vaccine AstraZeneca (thông qua Công ty Tiêm chủng mở rộng Việt Nam - VNVC) và lô hàng đầu tiên với 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã về đến Việt Nam sáng 24/2. Lô kế tiếp sẽ về Việt Nam trong tháng 3/2021.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine Covid-19 đến từ nhiều nguồn khác nhau gồm 30 triệu liều vaccine COVAX trong năm 2021; 30 triệu liều của AstraZeneca thông qua VNVC; 30 triệu liều của Pfizer (đang đàm phán vì vaccine này đòi hỏi phải bảo quản trong nhiệt độ âm 75 độ C).

Mới đây, Bộ Y tế vừa xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 toàn cầu) hỗ trợ.

Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vaccine Covid-19 từ nguồn hỗ trợ này gồm 11 nhóm đối tượng ưu tiên: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Lực lượng quân đội; Lực lượng công an; Giáo viên; Người trên 65 tuổi; Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...); Người mắc các bệnh mãn tính; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài;  Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.