| Hotline: 0983.970.780

2 nghìn tỷ đồng bảo vệ 2.000ha đất lấn biển

Thứ Ba 06/12/2022 , 13:32 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Cùng với tuyến đê biển 2.000 tỷ đồng vừa khởi công xây dựng, Hải Phòng đang có những đầu tư lớn cho đê điều nhằm ứng phó với thiên tai, lụt bão, nước biển dâng...

Ngăn triều cường, ứng phó thiên tai

Mới đây, Hải Phòng vừa khởi công xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ để đảm bảo an toàn cho khoảng 2.000ha đất lấn biển với tổng vốn đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Tuyến đê nằm trên địa bàn phường Đông Hải 2 và phường Tràng Cát (quận Hải An) có chiều dài hơn 12km, điểm đầu tuyến từ K2+253 tiếp giáp với tuyến kè cảng Nam Đình Vũ và điểm cuối tuyến tại K15+022 điểm giao với đường Tân Vũ - Lạch Huyện.

Empty

Tuyến đê biển Nam Đình Vũ dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Ảnh: Đàm Thanh.

Đây là công trình đê điều cấp IV, thuộc nhóm A, có tổng mức đầu tư dự án hơn 2 nghìn tỷ đồng, có kết cấu đê dạng mái nghiêng, thân đê đắp bằng cát và đất theo công nghệ đê mềm bằng ống địa kỹ thuật Geotube, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Theo thiết kế, chân kè và mái đê phía biển gia cố bằng đá phủ và cấu kiện bê tông đúc sẵn, mái đê phía khu công nghiệp gia cố bằng cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn và bố trí kênh tiêu tại chân mái, mặt đê gia cố bằng bê tông rộng 5m.

Đây là dự án trọng điểm của TP Hải Phòng với mục tiêu phòng chống lụt, bão, nước biển dâng, đảm bảo tiêu thoát nước, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kinh doanh, hoạt động tại bán đảo Đình Vũ, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng, mở rộng diện tích đất xây dựng khu công nghiệp, tạo điều kiện phát triển bền vững cho Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Theo UBND TP Hải Phòng, tuyến đê khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện đảm bảo an toàn cho khoảng 2.000ha đất lấn biển xây dựng Khu công nghiệp phía nam bán đảo Đình Vũ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động, đảm bảo an toàn cho toàn bộ bờ biển phía nam của bán đảo Đình Vũ.

Với diện tích hơn 22.000ha, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải sẽ khai thác được các tiềm năng, lợi thế kết nối logistic từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi giúp các nhà đầu tư mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế xã hội TP Hải Phòng bền vững.

Đê (2)

Hệ thống đê biển ở Hải Phòng được quan tâm nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống thiên tai, nhất là các kịch bản nước biển dâng trong tương lai. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho hay, đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phòng chống lụt bão, nước biển dâng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, các công trình của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kinh doanh, hoạt động tại bán đảo Đình Vũ, tạo điều kiện phát triển bền vững Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

“Việc đầu tư xây dựng công trình tuyến đê biển là chủ trương, quyết tâm của Thành phố nhằm chủ động phòng chống thiên tai và giảm thiểu tác động xấu do biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển của Hải Phòng. Qua đó, từng bước hoàn thiện quy hoạch TP Hải Phòng - vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Thọ nhấn mạnh.

Từ năm 2008 đến nay, tổng mức đầu tư các dự án nâng cấp đê điều trên địa bàn TP Hải Phòng hơn 2,6 nghìn tỷ đồng, thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp đê, kè và cống dưới đê. Tuy nhiên, chỉ với một công trình này vốn đầu tư đã hơn 2 nghìn tỷ đồng, số tiền gần bằng kinh phí cho lĩnh vực này hơn 10 năm cộng lại. Từ thực tế đó có thể thấy rằng, việc quan tâm, đầu tư cho đê điều ở Hải Phòng đã được quan tâm hơn rất nhiều.

Đê điều Hải Phòng "gánh trọng trách" cho cả khu vực phía Bắc

Điều kiện địa lý tự nhiên đã tạo cho Hải Phòng nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai như bão, lũ, triều cường, mưa lớn, ngập lụt, bồi lắng, xói lở, xâm nhập mặn…, gây ảnh hưởng đến sự ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Là thành phố công nghiệp, cảng biển, cửa ngõ ra biển của khu vực phía Bắc, việc xây dựng hệ thống đê biển, phòng chống thiên tai chủ động không chỉ có lợi ích cho người dân Hải Phòng mà còn đảm bảo cho các khu công nghiệp, cảng biển phục vụ cả khu vực phía Bắc.

IMG_4545

Đê chắn sóng khu neo đậu tàu thuyền tại Bạch Long Vỹ đang hoàn thiện. Ảnh: Đinh Mười.

Xác định vai trò quan trọng của đê điều trong phòng chống thiên tai và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã phối hợp với các huyện, quận đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về đê điều và phòng chống lụt bão.

Đơn vị này cũng thể hiện được sự tích cực trong chỉ đạo để tổ chức quản lý, theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, kịp thời kiểm tra, phát hiện, tham mưu xử lý các sự cố đê điều cũng như xử lý các vị trí đê điều xung yếu, hoành triệt cống dưới đê không đảm bảo an toàn trước mùa lũ bão, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm Luật Đê điều.

Bên cạnh đó, với phương châm “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”, thời gian qua, Hải Phòng đã đầu tư tu bổ, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho 334km trong tổng số gần 420 km đê.

Trong đó, đầu tư nâng cấp 30km đê biển trên tổng số gần 60km đê biển trên địa bàn thành phố.  Tuy nhiên, với kịch bản nước biển dâng đến cuối thế kỷ 21 là 100cm thì cao trình đỉnh đê là chưa đảm bảo, cần được tiếp tục đầu tư, nâng cấp.

Cùng với đó, Hải Phòng đã và đang triển khai đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão tại huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, từng bước đảm bảo sức chứa tàu thuyền tránh trú khi có bão.

Dù vậy, trên thực tế, nhiều công trình phòng chống thiên tai như đê điều, thủy lợi, khu neo đậu tàu thuyền... còn nhiều vị trí xung yếu, quy mô hạn chế. Hiện tại, vẫn còn 9,54km đê, 2,254km kè và 62 cống dưới đê xung yếu, có 10,5km đê thấp so với mực nước thiết kế.

Phòng chống thiên tai (15)

Đê biển Đồ Sơn tan tác sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, các dự án mới chỉ tập trung ở mức duy tu bảo dưỡng đê điều, xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở kè hay chỉ là tu sửa, cải tạo mặt đê, xử lý sự cố hư hỏng công trình đê điều trên địa bàn.

Mặt khác, việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đê điều nói riêng còn rất hạn chế, hiệu quả trong việc ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm Luật Đê điều chưa cao.

Với trên 125km bờ biển và nằm trong vùng hạ lưu nơi tập trung của 11 nhánh sông của hệ thống sông Thái Bình, tổng chiều dài trên 275km nhưng hiện tại, Hải Phòng mới chỉ có trên 400km đê, trong đó đê biển mới có gần 60km.

Do vậy, ngoài việc quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa, cần tăng cường công tác quản lý việc sử dụng đất tại các bãi sông, khai thác cát, sỏi lòng sông để bảo đảm hoạt động phòng, chống chống lụt bão. Mặt khác, cần quan tâm, đầu tư nguồn lực tương ứng để bổ sung thêm kinh phí nâng cấp các công trình, tránh tình trạng dàn trải, kém hiệu quả.

Hiện tại, Hải Phòng đang có 24 tuyến đê với tổng chiều dài 416,928km, trong đó đê biển 58,225km, đê cửa sông có tổng chiều dài 127,933km, đê sông có tổng chiều dài 230,77km và có 90,668km kè các loại, cùng 387 cống dưới đê.

Về kè bảo vệ đê, có 62,49km kè ổn định, đảm bảo an toàn (chiếm 68,9%), 23,11km kẻ kém ổn định chưa đảm bảo an toàn (chiếm 25,4%) và 5,07km kè xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao (chiếm 5,7%).

Về công trình cống qua đê, có 215 cống đảm bảo an toàn (chiếm 55,5%) 114 cống kém an toàn (chiếm 29,5%) và 58 cống xung yếu (chiếm 15%).

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.