| Hotline: 0983.970.780

Đêm trắng ở chốt kiểm dịch: Những cuộc điện thoại nhói lòng

Thứ Sáu 22/03/2019 , 09:01 (GMT+7)

Trạm trưởng, nhân viên, thay nhau trong ca trực tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Nỗi nhớ mong, và cả sự khát khao của họ gói gọn trong những cuộc video call (gọi thoại kèm video) về nhà.

“Bố tự hào về con”

“Con học giỏi nhé, bố tự hào về con”, Trạm trưởng Trịnh Văn Hải nói vội qua điện thoại rồi lao ra cửa Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây (thuộc Chi cục Thú y vùng III - Cục Thú y, tại Bỉm Sơn - Thanh Hóa), nơi một chiếc xe chở vịt đang chờ làm thủ tục trong những ngày cả nước “sốt” vì dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

2h sáng, gió núi hun hút lùa qua các khe núi quanh Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây, nằm án ngữ yết hầu Bắc - Nam của Thanh Hóa, chốt chặn từ Ninh Bình, Hà Nam vào hướng Nam và ngược lại, cả trạm không ai ngủ.

17-36-08_img_9164
Kiểm tra xe chở gia súc gia cầm, qua trạm

Phía ngoài, CSGT được tăng cường, cán bộ thú y, Trạm trưởng Trịnh Văn Hải căng mắt nhìn ra QL 1A, nơi những chiếc xe tải chở lợn, gà, vịt, trâu, bò vẫn đang thi thoảng xẹt qua.

CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, lái xe xuống xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc động vật, cán bộ thú y ra tận xe phun thuốc sát trùng. Hết ngần ấy công đoạn, xe được Trạm Dốc Xây đóng dấu để tiếp tục lưu thông. 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, chốt liên ngành vẫn hoạt động theo nhịp định sẵn như vậy.


Hết các khâu kiểm dịch như lập trình, anh Hải quay lại bàn nước ở cửa trạm, nơi một cán bộ CSGT, một cán bộ thú y cùng vài nhân viên Trạm Dốc Xây đang ngồi đó. “Mẹ nó cho con gọi điện, khoe với bố là được điểm 10 Toán”, anh Hải kể ngắn gọn.

Những người ngồi quanh mỉm cười, khen ngợi, hỏi han. Sau vài phút sôi nổi, không khí trầm hẳn xuống. Biên, cán bộ thú y Trạm Dốc Xây, vội vã chạy vào trong phòng, lấy điện thoại xem ảnh vợ con. Một tháng qua, họ chưa được về nhà. Mọi liên lạc với gia đình, đều qua những cuộc video call vội vã.

Đêm, khi các nhà xung quanh, hàng quán đóng cửa, là những phút giây cán bộ thú y Trạm Dốc Xây mở điện thoại nhiều nhất, đa phần ngắm ảnh vợ con những lúc họ đoàn tụ.

17h đến 1h sáng là thời điểm Trạm hoạt động tất bật nhất. “Xe chở lợn phải tranh thủ lúc trời mát, cho nên tầm tối đến khuya là hoạt động mạnh nhất”, anh Hải nói.

Hướng từ Nam ra Bắc thì dễ, bởi Trạm Dốc Xây có khoảng trống đủ cho vài xe tải đỗ. Trong khi hướng ngược lại, anh Hải cùng cả trạm phải đi “vận động” hàng quán xung quanh cho xe chở động vật đỗ nhờ để kiểm dịch.

“Xe chở động vật thường to, dài, nếu quay đầu để kiểm dịch khi đi từ Bắc vào Nam rất nguy hiểm. Trạm bố trí chốt chặn bên kia đường, cho xe dừng lại rồi cử cán bộ sang kiểm tra, phun thuốc”, viên trạm trưởng 37 tuổi, kể. Nhìn mặt, ai cũng nghĩ anh Hải đã gần 50.

Những ngày DTLCP “hoành hành” ở miền Bắc, xe chở lợn từ Bắc vào Nam đông hơn hẳn, bởi giá lợn trong Nam vẫn cao trong khi ngoài Bắc tiêu thụ chậm hơn. Quanh Trạm Dốc Xây là nhiều nhà hàng phục vụ khách đi QL 1A, không phải lúc nào chủ nhà hàng cũng vui vẻ cho Trạm nhờ dừng đỗ xe. Chỗ đó là đất công, Trạm có muốn làm việc được giao cũng phải đi nhờ.

Đêm ở Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây  

 

Không dám về nhà

Cách Trạm Dốc Xây 20km về phía Nam là một chốt kiểm dịch lưu động do anh Vũ Văn Chinh làm trạm trưởng. Thanh Hóa bố trí ít nhất 4 trạm như vậy, nhằm ngăn ngừa thương lái vì lợi nhuận trước mắt mà cho xe vòng vèo né các trạm chính.

4h sáng, tại trạm của anh Chinh, từ cán bộ quản lý thị trường đến thú y, không ai ngủ. Người ngồi bên bàn trà, người nằm võng dán mắt vào smartphone xem ảnh vợ con.

17-36-08_img_9132
Phun thuốc sát trùng xe chở động vật tại trạm Dốc Xây

Có tiếng xe qua lại, tất cả lại bật dậy, phóng vội ra mặt đường cách đó chỉ 1m. Bên ngoài, 2 cán bộ thú y chờ sẵn, báo cho chốt nếu có xe chở động vật đi qua.

Ánh sáng từ chiếc smartphone rọi vào mặt Phong, cán bộ thú y. Từ dịp tết, Phong chưa về nhà. “Gia đình em cách đây gần 200km, đi về mất cả ngày. Nếu tranh thủ một ngày nghỉ, về nhà chỉ được 2 - 3 tiếng nên thôi cứ ở với anh em cho vui”, Phong nói, cố tỏ vẻ cười, dù ánh mắt tố cáo điều ngược lại.

Những cuộc video call, những tấm ảnh, những clip ngắn ngủi vài giây về con gái, là sợi dây liên lạc của Phong với gia đình từ khi ổ DTLCP đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/2, tại xã Định Long, huyện Yên Định.

Vốn đây cũng không phải trạm, mà là anh Chinh đứng ra thuê của một hộ dân có nhà mặt đường. Chinh, hay Phong và nhiều cán bộ khác, dường như sợ nhất nhìn sang các nhà lân cận. Cha đón con, chồng đón vợ, hay chỉ đơn giản là bữa cơm lúc trời nhập nhoạng tối, đều là thứ xa xỉ với họ.

Sáng sớm, khi nhiều bậc phụ huynh đưa con đi học, những cán bộ thú y như Chinh, Phong, ngồi lặng lẽ bên điếu cày, rít sòng sọc. Gần một tháng rồi, họ chưa thể làm những việc đơn giản ấy cho vợ con. Dù ở trạm chính hay trạm lưu động, điểm dễ nhận thấy là họ đều cách nhà vài trăm km. Đặc thù công việc chỉ được nghỉ 1 ngày nên dù có về cũng chỉ ở nhà được 2 - 3 tiếng lại phải tất tả ngược về trạm. DTLCP lại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nên từ Dốc Xây đến trạm lưu động, chẳng ai về nhà.

“Mong là sớm có thuốc đặc trị, hoặc có biện pháp nào đó dập được dịch. Để mãi thế này thì dân chăn nuôi cạn vốn mất. Anh em các chốt cũng chẳng biết bao giờ mới được về nhà”, Phong nói.

17-36-08_img_9210
Nhân viên của Trạm lúc nào cũng phải hoạt động hết công suất

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm