| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả

Thứ Hai 18/03/2019 , 13:35 (GMT+7)

Nhằm hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang bùng phát và lây lan rộng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn”.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ 6 tỉnh vùng núi phía Bắc.
 

Chăn nuôi chuyển dịch

Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi luôn ở mức từ 5 - 6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Các sản phẩm ngành chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bước đầu có xuất khẩu.

15-54-48-trng-tri-chn-nuoi-hien-di113013576
Nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học

Từ năm 2005 đến nay sản lượng thịt các loại tăng trên 3 lần (từ 1,6 triệu tấn lên 5,3 triệu tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 4,8 lần (từ 4,3 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn). Năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017.

Bà Hạnh cho biết thêm, chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi. Năm 2017, số lượng hộ chăn nuôi lợn của cả nước là 3,4 triệu hộ và hiện chỉ còn 2,5 triệu hộ với tổng đàn 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 49% tổng đàn và tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 42% sản lượng thịt lợn hơi của cả nước.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng an toàn sinh học rất chậm, là yếu tố làm ngành chăn nuôi nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức với vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và mới đây là bệnh DTLCP.

“Trong bối cảnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh, nhất là DTLCP và tổ chức các hoạt động khuyến nông theo hướng an toàn sinh học nhằm phát triển chăn nuôi, đồng thời góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh”, bà Hạnh nói.

Tại Hà Nội, tổng đàn vật nuôi luôn đứng tốp đầu cả nước, trong đó đàn lợn có gần 2 triệu con. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của thành phố vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và ATTP chưa ổn định…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho hay, tính đến ngày 14/3, trên địa bàn thành phố đã có 6 quận, huyện xuất hiện DTLCP, tiêu hủy hơn 400 con lợn. Các ổ dịch đều được phát hiện và xử lý kịp thời.

Sau khi xuất hiện DTLCP trên địa bàn thành phố, các cấp, các ngành chuyên môn của thành phố đã chủ động, triển khai nghiêm túc, đồng bộ cá giải pháp phòng chống dịch như rà soát, thống kê; lập chốt kiểm dịch; tiêu độc, khử trùng tại những nơi xuất hiện ổ dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm…
 

Một số giải pháp

Tại diễn đàn, Ban chủ toạ, Ban cố vấn đã lắng nghe một số báo cáo của các đơn vị, cùng nhau đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là DTLCP đang hoành hành tại nước ta và giải đáp một số câu hỏi của các hộ chăn nuôi lợn.

Theo Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, một số giải pháp phòng chống DTLCP mà các hộ chăn nuôi lúc này cần phải nắm rõ là thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng bệnh tổng hợp...

Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh DTLCP cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Cần báo cáo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Trường hợp 1 ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt khi phát hiện lợn bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTLCP.

Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, chính quyền sở tại thực hiện trong vòng 48 giờ tiêu hủy đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của DTLCP mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn bộ trang trại.

Ngoài ra, thực hiện khử trùng tiêu độc tại các vùng xuất hiện dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm. Không vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp…

Thực hiện “cấm trại” và tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết không rõ nguyên nhân tổ chức lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh DTLCP…

Về thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.