Tôi nhớ mãi câu nói của ông Trương Thi, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp Nghệ Tĩnh ngày xưa. Ông là một giám đốc giỏi có tiếng trong ngành nông nghiệp. Ông luôn luôn nói với chúng tôi: “Tôi không được học nông nghiệp, nhưng tôi được làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, bởi vì tôi say mê nông nghiệp, tôi học được nhiểu ở các anh, các chị, học ở bà con nông dân nên tôi biết nhiều, hiểu nhiều và tôi làm được nhiều việc để giúp dân, giúp ngành nông nghiệp tỉnh nhà”.
Tôi phải noi gương ông về kinh nghiệm học tập ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời phải coi trọng đọc và viết, đọc nhiều để biết, viết nhiều thì phải đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều để thu thập tư liệu làm minh chứng và phản biện xã hội.
Từ đó, tôi thấy mình trưởng thành rất nhiều trong công việc, trong viết lách. Đặc biệt, đối với Báo Nông nghiệp Việt Nam, hầu như ngày nào tôi cũng tìm đọc. Đọc để chắt lọc những gì nên áp dụng vào công việc hàng ngày của mình và còn có thể tham mưu cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà lựa chọn những chủ trương, chính sách, giải pháp khoa học kỹ thuật hay của nhiều địa phương được đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam để ứng dụng.
Từ chỗ say mê đọc, đã lôi cuốn tôi sang một tham vọng khác, đó là hãy mạnh dạn thử sức mình viết cho Báo xem sao. Biết ý định này của tôi, không ít đồng nghiệp khuyên bảo khó lắm, không làm được đâu, làm nghề viết báo cũng phải học, cũng phải có bằng cấp mà chưa hẳn đã viết được như kỳ vọng.
Đúng như thế thật, chẳng có nghề gì không học mà làm được. Nhưng tôi nghĩ, không có việc gì khó, chỉ sợ chí không bền, chỉ có say mê và từ đó học cách viết, lựa chọn nội dung viết, nội dung phản ảnh, kèm theo tư liệu chứng minh, hình ảnh minh chứng…
Tôi đã được tòa soạn khuyến khích và giúp đỡ bằng cách sửa chữa những câu, từ dài dòng, rút ngắn gọn lại vừa dễ đọc, vừa dễ hiểu, chọn nội dung bài viết phải thiết thực, mang tính thời sự cao. Từ đó, càng ngày tôi đã trưởng thành nhiều về cách viết, cách trình bày bài viết của mình.
Trong rất nhiều bài viết của tôi trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, có một bài viết tôi bao giờ quên. Đó là bài viết “Vì sao giống lúa BC15 ở Yên Thành mất mùa” đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam tháng 5/2016.
Nội dung bài báo như thế này: Vụ xuân 2016, Yên Thành là huyện gieo cấy giống lúa BC15 gần 1.000 ha ở hầu hết các xã trong huyện. Lúa trỗ đại trà vào ngày 24/4, rất đúng lịch thời vụ do Sở NN-PTNT Nghệ An quy định. Nhưng, khi lúa đang trỗ, đột nhiên gặp trận mưa dông với cường độ mưa lớn xảy ra. Sau đó chừng 5 - 7 ngày, người dân thấy bông lúa giống BC15 không uốn cong (không cúi) như các giống lúa khác, vỏ hạt thâm đen, cả bông lúa gần như lép và lửng 100%.
Từ đó, người dân hoang mang, đổ nguyên nhân do giống kém chất lượng. Nông dân đổ lỗi do giống cũng có lý, vì cùng trỗ vào ngày đó, mà các giống lúa khác vẫn cho năng suất cao. Và từ thực tế này, một số báo, đài đều đăng tin, viết bài nói về giống lúa BC15 mất mùa do chất lượng giống kém…
Rất may, những ngày ấy, tôi có mặt tại Yên Thành và đã đi xem nhiều ruộng lúa trỗ bông xong, hạt lúa bị thâm đen, lép gần như 100%. Trên nhiều cánh đồng lúc này chỉ còn lại rất ít giống BC15 trỗ chậm sau ngày 24/4 khoảng 2 - 3 ngày thì lại cho năng suất rất cao. Từ đó, tôi phát hiện ra điều bất ngờ mà ít ai biết được, đó chính là do cấu tạo vòi nhị đực của giống lúa BC15 dài hơn các giống lúa khác.
Nguyên tắc khi lúa trỗ, nếu gặp trời nắng to, nhiệt độ quá cao hay gặp phải mưa to thì 2 vỏ trấu của hạt lúa tự động đóng khép kín lại để bảo vệ nhị đực, nhị cái không bị ảnh hưởng. Nhưng tiếc thay, giống lúa BC15 khi đang trỗ phơi mào, tung phấn thì đột nhiên gặp mưa to. Nhưng do vòi nhị đực dài quá nên cả 2 vỏ trấu của hạt lúa không thể đóng khép kín được.
Thế là nhị đực của các hạt lúa bị thối, cả bông lúa bị đen, lép hết. Sau đó, tôi viết ngay bài “Vì sao giống lúa BC15 ở Yên Thành mất mùa” đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Nhiều bạn đọc gần xa gọi điện đến hỏi tôi, sao ông biết được vòi nhị đực của giống lúa BC15 dài quá nên khi gặp mưa đột ngột vỏ trấu không khép kín được và vì vậy nhị đực thối làm cho cả bông lúa lép? Tôi trả lời chỉ có cách lội ruộng nhiều, quan sát kỹ, khi so sánh giống lúa BC15 trỗ sau cùng với hạt các giống lúa khác trỗ cùng lúc thì sẽ nhận biết được ngay.
Ông Nguyễn Văn Dương, nguyên Trưởng phòng NN-PTNT hồi bấy giờ và nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, sau khi đọc được bài báo ấy gọi ngay điện thoại nói với tôi, bài báo của bác viết trên Báo Nông nghiệp Việt Nam hay thật, giúp chúng tôi giải trình được nguyên nhân giống lúa BC15 trỗ đúng thời vụ quy định mà mất mùa để bà con nông dân không thể đổ tội cho nguyên nhân do giống kém chất lượng.
Vì vậy, huyện vẫn tiếp tục cơ cấu giống lúa này trong các vụ xuân, vụ hè thu, do giống BC15 vừa có năng suất rất cao, vừa có chất lượng cơm gạo ngon và hình mẫu hạt gạo rất đẹp, nên người dân chưa thể loại bỏ được giống lúa này.