| Hotline: 0983.970.780

Di dời 210 hộ nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà

Thứ Tư 07/06/2023 , 06:11 (GMT+7)

Đồng Nai Biến đổi khí hậu làm thay đổi quy luật, khiến các tỉnh Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai chịu thiệt hại. Vì thế, tỉnh đang tìm cách thích ứng thời tiết cực đoan.

Luôn cảnh giác với thiên tai khó lường

Thống kê, trong năm 2022, có 7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão và áp thấp nhiệt đới không ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên hoàn lưu của một số cơn bão đã gây mưa nhiều nơi, có nơi mưa to đến rất to trên khu vực tỉnh Đồng Nai.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2023 hiện tượng ENSO duy trì trạng thái trung tính đến khoảng tháng 6/2023. Sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha nóng El Nino. Vì vậy, năm 2023 thời tiết có nhiều diễn biến bất thường.

Đặc biệt, sau nắng nóng gay gắt, mưa đến sớm hơn mọi năm và có xu hướng tăng cao so với trung bình nhiều năm trước đây. Dự báo chưa có dấu hiệu mưa lớn lịch sử, tuy nhiên mưa lớn cục bộ vẫn xuất hiện nhiều trong các tháng mùa mưa, các cơn bão bất thường và khó đoán hơn.

Trước diễn biến khó lường của thời tiết cực đoan tiềm ẩn nhiều mối nguy, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương phải xem xét, nhận diện các nguy cơ xảy ra thiên tai trên địa bàn để xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả.

“Các địa phương quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân chú ý phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại”, đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Võ Văn Phi trong hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa qua.

Trên khu vực tỉnh Đồng Nai cũng được cảnh báo những cơn mưa lớn đầu mùa có thể cuốn trôi tất cả mọi vật chất hữu cơ từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chất thải sinh hoạt trong dân và vật chất trên bờ thuộc lưu vực sông từ thượng nguồn đổ về khu vực hạ lưu, dẫn đến những thay đổi lớn dòng chảy, tác động không nhỏ đến các hồ đập, các công trình thủy lợi trên địa bàn trong thời gian tới.

Với tình hình thiên tai ngày càng bất thường và khó đoán hơn, công tác giữ nước chuẩn bị cho sản xuất nông nghiệp năm tới cũng được chuẩn bị kĩ lưỡng hơn. Ảnh: Lê Bình.

Với tình hình thiên tai ngày càng bất thường và khó đoán hơn, công tác giữ nước chuẩn bị cho sản xuất nông nghiệp năm tới cũng được chuẩn bị kĩ lưỡng hơn. Ảnh: Lê Bình.

Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, cảnh báo năm 2023, thời tiết sẽ có nhiều diễn biến bất thường, đặc biệt nắng nóng gay gắt đến sớm hơn mọi năm và có xu hướng tăng cao so với trung bình nhiều năm trước đây. Dự báo, năm nay có khoảng 12 - 15 cơn bão, áp thấp hoạt động trên Biển Đông, hướng di chuyển phức tạp.

“Trong đó, khoảng 4 - 7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, cao hơn trung bình nhiều năm. Do đó, cần đề phòng mưa lớn cục bộ, bão, áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển phức tạp hoạt động vào cuối mùa mưa”, ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai chia sẻ.

Điều đó có nghĩa việc phòng chống thiên tai, thời tiết cực đoan tại tỉnh Đồng Nai năm nay cần được tăng cường, gia cố, chủ động hơn nữa.

'Phòng là chính' nhằm giảm thiểu thiệt hại

Để chủ động giảm thiểu thiệt hại từ các biểu hiện thời tiết cực đoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Võ Văn Phi chỉ đạo các Sở, ban ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm phòng tránh những tác động tiêu cực mà thời tiết cực đoan gây ra.

Các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu được các địa phương tại Đồng Nai ưu tiên tu sửa, xây dựng trước khi mùa mưa bão tới. Ảnh: Trần Trung.

Các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu được các địa phương tại Đồng Nai ưu tiên tu sửa, xây dựng trước khi mùa mưa bão tới. Ảnh: Trần Trung.

Tại huyện Định Quán, các công trình thủy lợi đang được tu sửa, nâng cấp trước khi mùa mưa bão chính thức đến. Bà con nông dân cũng đang được chính quyền địa phương tuyên truyền về công tác chủ động ứng phó, phòng chống các diễn biến phức tạp của thời tiết.

Trên dòng sông La Ngà, các hộ nuôi cá lồng bè cũng liên tục được tuyên truyền di dời về những điểm an toàn. Khu vực này có hơn 210 hộ đang nuôi cá bè, trong đó có 168 hộ nuôi với hàng trăm lồng bè và gần 9 triệu con cá tại những vị trí không phù hợp.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó phòng NN-PTNT huyện Định Quán, chính quyền địa phương đang phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai, Chi cục Thủy sản Đồng Nai thông báo chủ trương di dời đến tất cả các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ di dời đến địa điểm nuôi theo quy hoạch. Nhiều hộ dân đồng tình với chủ trương trên và đã bắt đầu thực hiện di dời.

“Với những hộ không tự nguyện di dời, cơ quan chức năng buộc phải có hình thức cưỡng chế. Hiện mực nước hồ Trị An đang xuống thấp, thời tiết giao mùa có nhiều thay đổi, các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà nếu không sớm di dời sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, khả năng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người dân và gây ô nhiễm môi trường”, ông Giang thông tin.

Các hộ nuôi cá lồng bè đang khẩn trương bước vào thu hoạch để tránh ảnh hưởng do con nước thất thường mùa mưa bão. Ảnh: Lê Bình.

Các hộ nuôi cá lồng bè đang khẩn trương bước vào thu hoạch để tránh ảnh hưởng do con nước thất thường mùa mưa bão. Ảnh: Lê Bình.

Về phía chuyên môn, Chi cục Thủy sản Đồng Nai cũng khuyến cáo người dân nên giảm đàn và nên thu hoạch sớm hơn so với những năm trước, không nên để đàn quá dày khi mùa mưa tới. Như thế cá sẽ bị ngộp nước, sặc bùn và ít không gian để bơi lội.

Còn tại huyện Thống Nhất, trong năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra một số thiên tai như mưa kéo dài gây ngập cục bộ, thiệt hại về nhà cửa, cây trồng, ao cá… Từ đầu năm đến nay, thời tiết thất thường, nhất là xuất hiện tình trạng mưa trái mùa cũng ảnh hưởng đến năng suất một số cây trồng như: xoài, điều, sầu riêng…

Theo ông Nguyễn Đình Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, căn cứ cơ sở khảo sát, đánh giá lại chất lượng đất nông nghiệp, huyện Thống Nhất sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro do tác động thiên tai gây ra tại các địa phương.

“UBND huyện đang có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và giảm quy mô diện tích một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao. Qua đó, một số vùng trồng điều, cao su, mía, cà phê... đang dần được chuyển dần sang cây ăn quả”, ông Cương cho biết thêm. 

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Đồng Nai, trong khoảng thời gian từ 2019 - 2021, tại Đồng Nai xảy ra 2 đợt hạn hán, 2 đợt xâm nhập mặn, 29 trận mưa lớn kèm theo dông lốc, ngập úng; thiên tai làm chết 7 người, 235 ngôi nhà bị tốc mái, 2.372 ngôi nhà bị ngập, 1.045 hộ phải di dời, 178.000 con gia cầm, 326 con gia súc bị chết, cuốn trôi; ngập lụt 407 ha ao cá, 205 lồng bè, 11.000 tấn cá chết và hàng ngàn ha đất trồng nông nghiệp bị ảnh hưởng… Ước tổng thiệt hại trung bình mỗi năm khoảng 256 tỷ đồng.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.