| Hotline: 0983.970.780

Địa phương xin hỗ trợ xử lý nợ trước khi giải thể công ty nông lâm nghiệp

Thứ Tư 21/08/2019 , 20:01 (GMT+7)

Các địa phương nêu khó khăn khi chuyển đổi, sắp xếp lại công ty nông, lâm nghiệp và xin hỗ trợ xử lý nợ trước khi giải thể các đơn vị hoạt động kém hiệu quả.

15-00-01_lm_nghiep-1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm.

Sáng 21/8, Tọa đàm sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp diễn ra ở Bộ NN-PTNT, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chủ trì cùng sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, hiện nay, có 13/28 công ty nông, lâm nghiệp đã hoàn thành giải thể. Các đơn vị này đều trong tình trạng quản trị yếu kém, thua lỗ kéo dài, không quản lý được vườn cây, đất đai dẫn đến tình trạng giá trị tài sản thấp, không có nguồn trả nợ.

Trong đó, nhiều đơn vị còn không có khả năng chi trả cho người lao động và thanh toán các khoản nợ khiến cho quá trình thực hiện giải thể gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được. Các địa phương, đơn vị thực hiện chậm trong quá trình giải thể bao gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Tổng công ty Cà phê Việt Nam...

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là các công ty nông, lâm nghiệp có vốn điều lệ thấp, không được cấp bổ sung và gặp vướng mắc về mặt thủ tục để tiếp cận vốn tín dụng. Bên cạnh đó, các địa phương chưa xử lý dứt điểm các tồn tại tài chính cũng gây ra chậm trễ cho quá trình giải thể.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UNBD tỉnh Yên Bái cho rằng: “Liên quan vấn đề giải thể các công ty nông, lâm nghiệp, đặc biệt là các lâm trường, Yên Bái kiến nghị bổ sung thêm hình thức phá sản các đơn vị làm ăn thua lỗ”.

Phương án phá sản này cũng được xem như một giải pháp xử lý vướng mắc còn tồn tại trong quá trình chuyển đổi, được nhắc đến trong báo cáo của Bộ NN-PTNT.

Ngoài ra, ông Duy cũng đề cập, nếu không cho phép phá sản thì các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ, xử lý nợ cho các đơn vị thì mới giải thể được.

“Một vấn đề nữa là sau giải thể, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể để xử lý đất của các nông lâm trường”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị thêm.

15-00-01_lm_nghiep-2
Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu tại tọa đàm.

Sau khi nghe các địa phương, doanh nghiệp trình bày về hiện trạng và các kiến nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra một số ý kiến. Trong đó, về vấn đề giải thể, ông cho rằng: “Chúng ta cần nghiên cứu trường hợp các công ty, nông lâm trường thuộc diện giải thể khi hiện nay tỷ lệ thực hiện được còn thấp. Như một số địa phương kiến nghị, phải nghiên cứu thêm hình thức phá sản khi các đơn vị không thể giải thể được”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong trường hợp không thể thực hiện được hình thức phá sản, cần có cơ chế tài chính đặc thù để hỗ trợ các đơn vị này giải thể. Ngoài ra, cũng có thể sáp nhập đơn vị làm ăn yếu kém vào các nông lâm trường đang hoạt động tốt nếu không thực hiện được cả giải thể hay phá sản.

Ngoài các đơn vị nằm trong diện giải thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các công ty thuộc các mô hình còn lại đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tính đến 30/6/2019, cả nước có 160 công ty nông lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Bên cạnh đó, có 69 công ty đang thực hiện quá trình chuyển đổi, dự kiến hoàn thành trong năm 2019.

Tuy nhiên, vẫn còn 27 công ty vẫn chưa thực hiện được sắp xếp, đổi mới, chiếm 10,54% tổng số đơn vị cần chuyển đổi theo phê duyệt của chính phủ.

Xem thêm
Công bố quyết định kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng đoàn Kiểm tra số 1908 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư công bố quyết định kiểm tra năm 2025 với TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Hà Nội lắp đặt camera giám sát vệ sinh môi trường tại bốn quận trung tâm

Hà Nội lắp camera giám sát tại 4 quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trung nhằm phát hiện, xử lý hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định.

Trà Sơn, tay em cầm nhật thực

Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Bình luận mới nhất