Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định 4085/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Theo đề án này, tỉnh Vĩnh Long được xác định là một trong những địa phương phát triển 7 loại cây ăn trái chủ lực, gồm: Xoài, nhãn, cam, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, mít, để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có trên 62.000 ha diện tích trồng cây ăn trái, so với cách đây 5 năm diện tích này tăng lên đáng kể. Trong đó, mặt hàng bưởi năm roi, sầu riêng đang tạo nên thế mạnh xuất khẩu tương đối tốt cho tỉnh. Để triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, UBND tỉnh Vĩnh Long đã giao Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện.
Đối với bưởi năm roi của tỉnh Vĩnh Long đã quá nổi tiếng, được trồng nhiều tại các vùng ven sông Hậu như: TX Bình Minh, huyện Tam Bình, Trà Ôn và Bình Tân. Hiện nay, mặt hàng này đã xây dựng được mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và có thương hiệu riêng “Bưởi năm roi Mỹ Hòa”. Bên cạnh đó, địa phương có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh làm cầu nối để trực tiếp đưa mặt hàng bưởi năm roi tỉnh Vĩnh Long xuất khẩu đến nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, do thời gian canh tác lâu năm, các giống bưởi có phần suy yếu, gây ảnh hưởng đến chất lượng trái bưởi. Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long hiện đang thực hiện công tác cải tạo, phục tráng lại giống bưởi. Đồng thời, đơn vị cũng tập trung cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu, khử các mầm bệnh trong đất. Cũng như thực hiện một số mô hình cải thiện chất lượng đất trồng thông qua việc sử dụng phân hữu cơ, nấm đối kháng để sử dụng trong đất.
Với cây sầu riêng, ngành nông nghiệp tỉnh xác định, công tác xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch là việc cần thiết. Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho hay, kể từ thời điểm sầu riêng trở thành mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đã có nhiều doanh nghiệp tìm đến tỉnh Vĩnh Long để đặt vấn đề liên kết tiêu thụ, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng.
Ông Phúc thông tin thêm, trong giữa tháng 11, sẽ có một cuộc hội thảo triển khai quy trình xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng. Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ trực tiếp trao đổi với nông dân về việc tạo vùng nguyên liệu chính trong mã số vùng trồng, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình và Bình Tân.
Thời gian gần đây, cây cam cũng vươn lên trở thành mặt hàng cây ăn trái thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long, với tổng diện tích canh tác trên 10.000 ha. Ông Phúc đánh giá, đây là cây trồng có tốc độ tăng cao nhất so với các loại cây trồng khác của tỉnh. Cùng với đó thì năng suất và sản lượng cũng tăng mạnh, phát triển nhiều nhất ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm. Để cây cam mang lại lợi nhuận bền cho bà con nông dân, ông Phúc cho hay, ngành nông nghiệp tỉnh hiện đang triển khai thí điểm một số mô hình chuyển giao sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ, với sự đồng hành của doanh nghiệp, nông dân đã có khuynh hướng trồng cam thưa, đảm bảo tăng thời gian khai thác của cây cam.
Sau thời gian cây khoai lang gặp khó khăn về tiêu thụ, một số nông dân trên địa bàn huyện Bình Tân đã chuyển sang phát triển cây mít. Để mặt hàng này thoát ra khỏi tình trạng mất giá, khó khăn đầu ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang xây dựng kế hoạch tạo vùng nguyên liệu chính thống, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cũng như nghiên cứu một số giải pháp phòng trị bệnh xơ đen của cây mít để triển khai cho bà con nông dân.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, hiện đang có doanh nghiệp Đông Phát Food hoạt động trong lĩnh vực chế biến mít sấy. Do đó, ngoài việc xuất khẩu tươi phục vụ cho thị trường Trung Quốc, trái mít cũng như các sản phẩm phụ của cây mít có thể tận dụng cung cấp cho nhà máy chế biến. Đặc biệt, khoảng 50% sản lượng mít trên địa bàn tỉnh đều được doanh nghiệp này thu mua.
“Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai quản lý truy xuất nguồn gốc cũng như phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ có mã số vùng trồng. Chủ trương của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long là mã số vùng trồng là tài sản của người dân. Vì vậy, bà con phải sử dụng và bảo vệ tài sản của mình. Qua đó, người dân sẽ ý thức hơn trong việc xây dựng mã số vùng trồng để đáp ứng thị trường, tránh đi những rủi ro trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Vĩnh Phúc chia sẻ.
Tuy chưa phải là cây trồng chủ lực, thế nhưng cây dứa hiện đang manh nha phát triển ở vùng đất phèn huyện Trà Ôn với diện tích khoảng 5ha, làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đang xem xét đưa cây dứa vào định hướng phát triển vùng cây cây ăn trái, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu cho cây dứa Bưng Sẩm ở xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn.