| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Long: Diện tích lúa giảm, cây ăn trái tăng nhanh

Thứ Hai 24/10/2022 , 17:06 (GMT+7)

Vĩnh Long Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, vụ lúa thu đông năm nay nông dân chỉ xuống giống khoảng 25.300 ha, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích lúa giảm

Những ngày này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang thu hoạch vụ lúa thu đông 2022. Theo bà con năm nay lúa thu đông được giá nhưng không được mùa, năng suất thấp. Bên cạnh đó, chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua cũng khiến cho lợi nhuận vụ lúa này đạt rất thấp.

Nông dân Nguyễn Văn Hơn ở ấp Cái Tranh, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long cho biết, vừa mới thu hoạch xong 12 công giống Ma Lâm 202, năng suất đạt 4 tấn/ha, cũng tương đương với vụ hè thu. Giá lúa được thương lái thu mua là 6.550 đồng/kg, tăng hơn 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Theo chia sẻ của ông Hơn, đám ruộng được xem là trúng ở cánh đồng này nhưng vẫn kém vui.

“Vụ này lúa này tiền phân bón, thuốc sâu ăn hết, tính ra còn lãi chừng 400.000 – 500.000 đồng/công. Mỗi công đất tính ra chỉ cho thu nhập được hơn 100.000 đồng/tháng, quá bèo luôn. Vụ hè thu rồi cũng không có lời, tính bỏ vụ này mà bỏ thì cỏ mọc dọn không nổi, chứ ở đây nhiều người cũng bỏ vụ này lắm, đợi đông xuân nhẹ phân thuốc, năng suất cao chắc có lời”, ông Hơn chia sẻ.

Diện tích và năng suất  lúa thu đông ở tỉnh Vĩnh Long năm nay giảm so với cùng kỳ. Ảnh: Minh Đảm.

Diện tích và năng suất  lúa thu đông ở tỉnh Vĩnh Long năm nay giảm so với cùng kỳ. Ảnh: Minh Đảm.

Đó là cũng là tình cảnh chung của nhiều nông dân trong thời gian qua. Nhiều nông dân còn cho biết lúa đạt năng suất thấp, không có lời hoặc lỗ. Nếu so với tình hình lúc giá vật tư nông nghiệp chưa tăng cao nông dân nói vụ lúa thu đông thường có lãi đạt trên 10 triệu đồng/ha. Năm nay, mức lợi nhuận này có thể nói giảm phân nửa so với cùng kỳ. Nói về năng suất thấp, nông dân cho biết: giá phân bón tăng cao, trong khi giá lúa lại bấp bênh nên không mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, thời tiết mưa bão cũng làm lúa đổ ngã cũng khiến năng suất giảm.

Thật vậy, ông Nguyễn Văn Sáng (ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), một thương lái chuyên thu mua lúa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho biết: Lúa ở Vĩnh Long thì có hầu như quanh năm. Cứ chừng 20 ngày là sẽ có một đợt lúa chín. Mấy ngày qua, lúa không có nhiều, mưa bão nên thu hoạch cũng khó khăn. Mỗi ngày mua được trên 20 tấn. Năm nay, thấy năng suất lúa của bà con các nơi thấy đạt chừng 20 giạ/công (4 tấn/ha).

Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, vụ lúa thu đông năm nay, nông dân chỉ xuống giống khoảng 25.300 ha, giảm 40% (hay giảm trên 16.800 ha) so với cùng kỳ năm trước. Đến nay đã thu hoạch trên 10.300 ha, năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 0,4 tấn/ha.

Để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa, ngành nông nghiệp Vĩnh Long khuyến cáo bà con nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, sử dụng giống lúa xác nhận, hạn chế việc tự để giống. Đồng thời, áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như: làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt và bón lót cân đối, đầy đủ theo quy trình. Ngành còn khuyến cáo nông dân nên sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, tuân thủ nguyên tắc “1 phải 5 giảm”.

Diện tích cây ăn trái tăng nhanh     

Thời gian qua, từ khi giá vật tư nông nghiệp leo thang sản xuất lúa hầu như không còn lợi nhuận khiến diện tích gieo trồng lúa giảm mạnh. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt trên 113.000 ha, năng suất bình quân 6,22 tấn/ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 568.000 tấn. So với cùng kỳ năm trước diện tích gieo trồng giảm gần 16%, năng suất giảm 1,46%, sản lượng giảm 5,84%. Ở chiều ngược lại, đến tháng 10/2022  diện tích cây lâu năm, nhất là cây ăn trái tăng nhanh về diện tích. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có gần 67.000ha cây ăn trái lâu năm, tăng 6,88% so với cùng kỳ.

Để tránh chuyển đổi mục đích sử dụng đất ồ ạt, sản xuất không có lợi nhuận bà con cần chú ý khuyến cáo của chính quyền địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Để tránh chuyển đổi mục đích sử dụng đất ồ ạt, sản xuất không có lợi nhuận bà con cần chú ý khuyến cáo của chính quyền địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Nói về sự thay đổi này, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Sự dịch chuyển về cơ cấu cây trồng, nhất là sự phát triển mạnh diện tích cây ăn quả của tỉnh trong thời gian qua là đúng với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đa số đất được chuyển đổi là đất lúa kém hiệu quả. Nông dân thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng có tìm hiểu quy hoạch, có nộp đơn xin phép chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Liêm cũng cho biết cũng có hiện tượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa đúng quy định, nhỏ lẻ…

Theo ông Liêm, để tránh chuyển đổi mục đích sử dụng đất ồ ạt, sản xuất không có lợi nhuận bà con cần chú ý khuyến cáo của chính quyền địa phương. Khi chuyển đổi cần tuân thủ theo 4 nguyên tắc: Chuyển đổi không làm biến dạng của đất; không gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất; phù hợp với hạ tầng kiến trúc giao thông, thuỷ lợi; và đặc biệt là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Thời gian tới, ông Liêm cũng cho biết: Sở NN-PTNT sẽ đề nghị các địa phương rà soát lại quy hoạch sử dụng đất; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân về cây trồng vật nuôi sau khi chuyển đổi; tăng cường xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho nông sản; tập huấn, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.