| Hotline: 0983.970.780

Điểm tựa vững chắc cho hộ nghèo

Thứ Bảy 09/12/2023 , 21:43 (GMT+7)

Sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương là điểm tựa vững chắc cho các hộ nghèo ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang vươn lên thoát nghèo hiệu quả, bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lâm Bình phấn đấu hỗ trợ sửa chữa và làm mới 726 ngôi nhà cho hộ nghèo. Ảnh: Đào Thanh.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lâm Bình phấn đấu hỗ trợ sửa chữa và làm mới 726 ngôi nhà cho hộ nghèo. Ảnh: Đào Thanh.

Từ khi có căn nhà mới được xây dựng kiên cố, vợ chồng anh Ma Văn Thuấn, chị Nguyễn Thị Mơ, ở thôn Tống Pu, xã Bình An, huyện Lâm Bình đã không còn nỗi ám ảnh mỗi khi mùa mưa đến. Ngày trước sống trong ngôi nhà tạm, những hôm mưa to, gió lớn cả gia đình anh lo lắng tìm cách chữa dột khắp nhà, còn mùa đông thì gió lùa tứ phía, khiến cái lạnh càng tăng lên.

Anh Thuấn cho biết, được hỗ trợ 50 triệu đồng từ chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát của địa phương, cùng với số tiền tích cóp của gia đình và vay mượn thêm anh em dòng họ, năm 2022 vợ chồng anh đã sớm làm được ngôi nhà kiên cố, đưa vào sử dụng. Có ngôi nhà mới, vào ngày mưa cả nhà anh yên tâm đi lại trong nhà mà không phải tìm cách căng bạt, hứng chậu khắc phục chỗ dột; giấc ngủ cũng ngon hơn vì không còn nỗi ám ảnh sợ nhà đổ. Ngôi nhà là động lực giúp gia đình anh yên tâm phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Bình, giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu hỗ trợ 726 hộ nghèo làm nhà, trong đó làm mới 367 hộ, sữa chữa 359 hộ. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Lâm Bình đã huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, anh em họ hàng và cộng đồng thôn bản cùng tham gia.

Ông Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Bình cho biết, cùng với chương trình làm nhà cho hộ nghèo, huyện cũng triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, triển khai các mô hình kinh tế, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, dịch vụ du lịch… để hộ nghèo có điểm tựa vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, toàn huyện Lâm Bình có 11.487 hộ dân, trong đó có 4.702 hộ nghèo, chiếm 40,93% dân số của huyện. Trong năm 2023, huyện đã giảm được 938 hộ nghèo và 406 hộ cận nghèo. Đây là kết quả đáng ghi nhận bởi Lâm Bình là huyện nghèo vùng sâu, xa bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức cũng như việc tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, việc tiếp cận thị trường rất ít.

Để công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, bền vững, Huyện ủy, UBND huyện Lâm Bình chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã, thị trấn phụ trách thôn, đến các hộ gia đình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Đào tạo, phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch nông thôn tạo sinh kế cho hộ nghèo ở Lâm Bình vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Ảnh: Đào Thanh.

Đào tạo, phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch nông thôn tạo sinh kế cho hộ nghèo ở Lâm Bình vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Ảnh: Đào Thanh.

Các địa phương cũng chú trọng công tác tập huấn, phổ biến khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người dân và khuyến khích bà con tập trung phát triển các cây, con là lợi thế của địa phương theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Chẩu Văn Binh, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà là hội viên cựu chiến binh thuộc diện hộ nghèo. Thông qua chương trình vốn vay ưu đãi hỗ trợ hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, ông được vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình để chăn nuôi bò sinh sản. Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi, ông tập trung lựa chọn con giống, thức ăn và vệ sinh phòng dịch nên 8 con bò của gia đình phát triển tốt. Đàn bò là điểm tựa giúp gia đình ông tăng thu nhập, phấn đấu thoát nghèo bền vững; kinh tế của gia đình đi vào ổn định và từng bước khấm khá hơn. 

Việc chăm lo đời sống của hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của huyện Lâm Bình là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay vì người nghèo. Các hoạt động trong chương trình này ngoài sự hỗ trợ về vật chất thì còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, tạo thêm động lực để hộ nghèo yên tâm, nỗ lực trong lao động sản xuất, vươn lên cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.