Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam còn e dè thị trường Halal. Hà Nội phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái, trải nghiệm. Quảng Ninh chỉ còn 258 hộ nghèo. EVFTA giúp nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu sang EU.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam còn e dè thị trường Halal
Minh Phúc khai thác
Tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi” do Bộ Ngoại giao tổ chức vừa qua, từ góc độ doanh nghiệp Việt Nam, bà Hoàng Thị Bích Diệp – Trưởng ban Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp Việt hiện đang thiếu thông tin thị trường đối tác, quy định pháp luật cũng như tập quán của các nước sở tại, từ đó dẫn tới tâm lý e ngại. Các doanh nghiệp không hiểu thị trường thì sẽ không muốn tham gia quảng bá hàng hóa tại các sự kiện hội chợ. Chi phí hàng mẫu cao cũng khiến doanh nghiệp “dè chừng”.
Ngoài ra, mạng lưới logistics trong khu vực còn hạn chế cũng khiến doanh nghiệp không lựa chọn xuất khẩu sang thị trường này. Trong vấn đề chứng chỉ thị trường Halal, bà Diệp cho rằng việc đáp ứng đúng chứng chỉ vào thị trường còn hạn chế thị trường Halal.
Hà Nội phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái, trải nghiệm
Minh Phúc khai thác
Với những đặc thù vốn có cả về thị trường cũng như điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và bối cảnh phát triển hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang cần một không gian phát triển mới, hiệu quả và bền vững hơn. Việc này vừa nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe của người dân.
Trong tầm nhìn dài hạn, quá trình lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, thành phố tiếp tục xác định vị trí, vai trò và hướng phát triển đồng bộ của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể chung của Hà Nội. Trọng tâm là thành phố không chỉ giải bài toán an ninh lương thực, mà còn góp phần xây dựng thành phố xanh, thành phố của du lịch sinh thái và trải nghiệm.
Quảng Ninh chỉ còn 258 hộ nghèo
Minh Phúc khai thác
Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2023 đến nay, mặt trận các cấp tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp vận động nhân dân đóng góp trên 15.506 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 6/6 thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2 huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025... Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020 (tương đương 92,2 triệu đồng/người/năm).
Cùng với việc hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm vừa qua, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Ninh là 0,34%, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng số hộ dân trong tỉnh.
EVFTA giúp nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu sang EU
Minh Phúc khai thác
Theo Bộ Công Thương, sau 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA (kể từ 1/8/2020), số liệu của EU cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu của EU trong số các nước ASESAN. Trong số các mặt hàng xuất khẩu thì mức tăng nhiều nhất là ở các mặt hàng nông nghiệp như: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cao su.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%. Các mặt hàng nhập khẩu từ EU có sự gia tăng về kim ngạch gồm: Máy móc, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo…