| Hotline: 0983.970.780

Điện ảnh Việt với bài học định chế công - tư từ Đức

Thứ Bảy 01/02/2025 , 06:00 (GMT+7)

Hợp tác công - tư không chỉ là tận dụng các nguồn vốn từ tư nhân, mà còn góp phần giảm gánh nặng đầu tư từ phía nhà nước.

Hợp tác công - tư đang là một vấn đề nóng đặt ra cho nền công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng một định chế hợp tác công - tư cho phù hợp, thì việc tìm hiểu những bài học từ những nước phương Tây, trong đó có Đức là cần thiết để tham khảo.

Phim 'Đào, phở và piano' có vốn đầu tư nhà nước 21 tỷ đồng.

Phim "Đào, phở và piano" có vốn đầu tư nhà nước 21 tỷ đồng.

Kinh nghiệm thế giới và bài học nước Đức

Ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu đã tạo ra 42,3 tỷ USD doanh thu phòng vé trong năm 2019. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp này đã thu về 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 21,3 tỷ USD vào năm 2021 (MPA, 2022) và những năm sau tiếp tục chứng kiến sự phục hồi và phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, bất chấp những doanh thu ấn tượng này, trên thế giới, đầu tư cho công nghiệp điện ảnh vẫn là khoản đầu tư được xếp vào hạng mục rủi ro và khó dự đoán thành công. Tài trợ công, do đó là một cách để giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, ở chỗ nó làm giảm khoản đầu tư ban đầu cần thiết để khởi động một dự án. Việc phân bổ nguồn tài trợ công của nhà nước thường được giải thích bằng các lý do về văn hóa và kinh tế: Các sản phẩm giải trí có thể thúc đẩy thương hiệu văn hóa quốc gia, sự đa dạng về mặt bản sắc văn hóa và các tác động tích cực bên ngoài khác và tất nhiên, nó cũng giúp các công ty của quốc gia và các sản phẩm điện ảnh thu lợi ích kinh tế trên toàn cầu. Từ đó, sẽ thu hút đầu tư từ tư nhân và giảm bớt áp lực gánh nặng đầu tư của nhà nước.

Tất cả các quốc gia châu Âu đều cung cấp các khoản tài trợ lớn từ nhà nước cho ngành công nghiệp điện ảnh của mình. Pháp chi tới 800 triệu Euro mỗi năm cho lĩnh vực này, Vương quốc Anh đầu tư gần 270 triệu bảng, và Đức vẫn dành 200 triệu Euro cho thị trường điện ảnh. Và đó chưa phải là tất cả. Ngoài ra, các khoản vay không lãi suất, tài trợ bổ sung từ Liên minh Châu Âu (EU) và các nhà đầu tư tư nhân cũng góp phần vào sự phát triển này.

Năm 2023, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đức là Nicolas R. Weber, André Marchand  & Reinhard E. Kunz đã công bố một công trình nghiên cứu mang tên “Tác động toàn cầu của nguồn tài trợ công và tư đối với thành công về mặt văn hóa và kinh tế của phim: nghiên cứu trường hợp nguồn tài trợ phim của Đức”. Họ đưa ra 4 câu hỏi: (1) Điều gì ảnh hưởng đến nguồn tài trợ công và tư? (2) Nguồn tài trợ công ảnh hưởng đến nguồn tài trợ tư nhân như thế nào và ngược lại? (3) Nguồn tài trợ công và tư ảnh hưởng đến thành công như thế nào về mặt chất lượng phim? (4) Nguồn tài trợ công và tư ảnh hưởng đến thành công kinh tế như thế nào về mặt doanh thu phòng vé địa phương và toàn cầu?

Một cảnh trong phim 'Đào, phở và piano'.

Một cảnh trong phim "Đào, phở và piano".

Để giải quyết những câu hỏi này, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về 1.984 bộ phim đủ điều kiện nhận tài trợ công và được phát hành tại các rạp chiếu phim Đức từ năm 2005 đến năm 2015. Câu trả lời của nhóm nghiên cứu là nguồn tài trợ công có tác động tích cực, bằng cách thu hút cả nguồn tài trợ tư nhân và đưa tin trên báo chí, cuối cùng làm tăng thành công phòng vé quốc gia và toàn cầu. Nguồn tài trợ công và tư không nâng cao chất lượng phim, theo tiêu chuẩn của chuyên gia hoặc theo quan điểm của người tiêu dùng, nhưng lại giúp phim thành công hơn về mặt kinh tế tại các rạp chiếu phim địa phương và toàn cầu - một điểm mà các tổ chức chính phủ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu mục tiêu của họ là cải thiện các đóng góp về mặt văn hóa.

Các phân tích cho thấy các mối tương quan và hiệu ứng tương tác khác nhau liên quan đến tài chính và tín hiệu chất lượng do dàn diễn viên, đạo diễn và nhà sản xuất phim tạo ra. Nguồn tài trợ công không chỉ có liên quan đến thành công kinh tế của phim mà còn là yếu tố hỗ trợ cho sự đóng góp về mặt văn hóa của phim.

Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy quyết định tài trợ công cho một bộ phim phụ thuộc đáng kể vào dàn diễn viên và nhà sản xuất. Đối với nguồn tài trợ tư nhân, đạo diễn có vai trò rất quan trọng trong việc xác định số tiền tài trợ. Do đó, cả hai loại hình tài trợ đều dựa trên các tín hiệu chất lượng, tuy không cải thiện tỷ suất người xem nhưng lại cải thiện thành công phòng vé. Những phát hiện của nhóm nghiên cứu chứng minh tác động tích cực của nguồn tài trợ công đối với thành công của phim, gián tiếp bằng cách thu hút nguồn tài trợ tư nhân và trực tiếp bằng cách tăng doanh thu phòng vé địa phương và toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn tài trợ công không trực tiếp cải thiện chất lượng phim, điều này trái ngược với một trong những mục tiêu của nguồn tài trợ công.

Hệ thống tài trợ công của Đức được thiết kế để hỗ trợ nhiều dự án khác nhau, từ các dự án hợp tác quốc tế quy mô lớn đến các bộ phim độc lập nhỏ hơn. Các tổ chức tài trợ cung cấp nhiều cơ chế hỗ trợ khác nhau, bao gồm các khoản tài trợ, khoản vay và ưu đãi thuế (ví dụ hoàn tiền). Tiêu chí để tiếp cận các ưu đãi này phụ thuộc vào tổ chức tài trợ, lợi ích của liên bang và tiểu bang, và hình thức hỗ trợ cho mục tiêu cụ thể (ví dụ phát triển kịch bản, tiền sản xuất phim, tài trợ phim tài liệu…). Hệ thống này được quản lý bởi Ủy viên Chính phủ Liên bang về Văn hóa và Truyền thông (Federal Government Commissioner for Culture and Media - BKM), Hội đồng Điện ảnh Liên bang Đức (The German Federal Film Board - FFA) và nhiều tổ chức khu vực khác. Quỹ Điện ảnh Liên bang Đức (The German Federal Film Fund - DFFF) và Quỹ Điện ảnh Đức (The German Motion Picture Fund - GMPF) là các nguồn tài trợ chính của Liên bang Đức cho các tác phẩm lớn hơn; họ cung cấp các khoản tài trợ và cho vay cho nhiều tác phẩm, bao gồm phim truyện, phim hoạt hình, phim tài liệu và phim truyền hình. Tài trợ dành cho cả các tác phẩm của Đức và quốc tế đáp ứng các tiêu chí có liên quan, chẳng hạn như ngân sách sản xuất tối thiểu được thiết lập sẵn và chi tiêu tại địa phương làm phim.

Phim là khoản đầu tư rủi ro cao với vòng đời tương đối ngắn, nhưng chúng cũng là những sản phẩm độc đáo. Để hiện thực hóa một dự án phim, nhà sản xuất cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư hoặc hãng phim mà họ liên kết. Họ đưa ra ý tưởng và cung cấp thông tin về cam kết về mặt nhân sự (diễn viên, đạo diễn) và các yếu tố cố định khác (ví dụ thể loại, nhóm tuổi mục tiêu), cùng với ngân sách ước tính. Việc nhà nước tài trợ một số tiền để làm phim sẽ là yếu tố để thu hút tư nhân cùng đầu tư, qua đó, bộ phim có kinh phí lớn hơn, đồng thời, cũng tiết kiệm được tiền cho ngân sách nhà nước. Đây là kết luận sau nhiều năm điện ảnh Đức thực hiện hình thức hợp tác công - tư.

Phim 'Mai' có vốn đầu tư 50 tỷ đồng từ tư nhân và doanh thu khoảng 550 tỷ.

Phim "Mai" có vốn đầu tư 50 tỷ đồng từ tư nhân và doanh thu khoảng 550 tỷ.

Những gợi ý cho điện ảnh Việt Nam

Từ những thành công của hợp tác công - tư trong điện ảnh Đức và các nước phương Tây, có những điều mà điện ảnh Việt Nam có thể học hỏi.

Về mặt quản lý theo cơ chế nhà nước, việc Quỹ tài trợ đầu tư của nhà nước cho điện ảnh vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nền điện ảnh quốc gia. Thành công của điện ảnh Đức đương đại có phần đóng góp của sự tài trợ của nhà nước cùng với những khoản cho vay không lãi suất, sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU) và các nhà đầu tư tư nhân. Là một trung tâm phim và truyền thông lớn của châu Âu, Đức tự hào có vô số tổ chức tài trợ ở cấp liên bang và khu vực hỗ trợ phim và loạt phim cao cấp. Năm 2022, họ đã cung cấp tổng cộng 370 triệu Euro (400,6 triệu USD) tiền trợ cấp cho lĩnh vực phim và truyền hình.

Vai trò của tài trợ và đầu tư tư nhân là rất quan trọng, song ở Việt Nam thì vẫn là những hoạt động còn manh mún, với một số gương mặt đầu tư quen thuộc, chưa thật sự huy động hết nguồn lực từ những cá nhân yêu điện ảnh và có khả năng đầu tư.

Ở Việt Nam, tuy có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được đưa vào Luật Điện ảnh từ năm 2006, Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022, nhưng cho đến nay vẫn chưa có những hoạt động hiệu quả, nếu như không muốn nói là đang “đóng băng”. Cho nên cần phải có những hoạt động thật sự từ quỹ này.

Việt Nam cũng thiếu một “đại sứ” cho điện ảnh như vai trò của Viện Goethe đối với điện ảnh Đức. Theo báo Deutschland, Viện Goethe là tổ chức văn hóa của Cộng hòa Liên bang Đức, được coi là đại sứ năng động nhất của điện ảnh Đức trên phạm vi toàn cầu. Hằng năm, 151 Viện Goethe ở 98 quốc gia trên khắp thế giới tổ chức khoảng 25.000 buổi chiếu phim, trung bình 68,5 phim mỗi ngày, tiếp cận khoảng 2 triệu khán giả. Viện Goethe cũng thường xuyên tổ chức các Liên hoan phim Đức, Tuần phim Đức tại nhiều quốc gia. Viện Goethe nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của một mạng lưới rộng rãi các viện, nhà làm phim, đại diện trong ngành công nghiệp điện ảnh ở nhiều nước. Ngoài ra, Viện Goethe còn cộng tác với khoảng 150 liên hoan phim quốc tế, cũng như các thư viện, câu lạc bộ điện ảnh khắp nơi trên thế giới. Trong tất cả các lĩnh vực quảng bá văn hóa Đức thuộc chức năng của Viện Goethe, có khoảng 45% các sự kiện do Viện Goethe tổ chức liên quan đến điện ảnh. Từ vai trò của Viện Goethe, có lẽ cũng cần nghĩ tới một tổ chức văn hóa, khoa học, giáo dục tương tự cho Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam, trong đó có điện ảnh ra với thế giới.

Đồng thời, dù ở Việt Nam đã có Viện Phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, song vẫn cần đến một Viện Hàn lâm Điện ảnh, đóng vai trò tương tự như Viện Hàn lâm Điện ảnh Đức, hiện nay có khoảng hơn 800 thành viên, là những người bỏ phiếu bình chọn ra giải Phim Đức hàng năm. Ở Việt Nam, cho dù đã có Liên hoan phim Việt Nam với giải Bông Sen diễn ra 2 năm một lần cùng với giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, song vẫn cần có một giải phim quốc gia hằng năm, mang tính chất hàn lâm và nghệ thuật, để thúc đẩy, tôn vinh những tác phẩm điện ảnh có chất lượng tốt, không nặng về dòng phim thương mại, thị trường, thì mới có thể đưa điện ảnh Việt Nam tiếp cận gần với thế giới.

Phim 'Công tử Bạc Liêu' không công bố kinh phí song thất bại về doanh thu.

Phim "Công tử Bạc Liêu" không công bố kinh phí song thất bại về doanh thu.

Về sự kết hợp giữa các Bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng ở Việt Nam cho việc phát triển điện ảnh thì vẫn chưa tốt. Chẳng hạn cho đến nay vẫn chưa có những văn bản, quy định mới về vấn đề nhà nước tài trợ kinh phí làm phim, vấn đề kinh phí quảng bá phim nhà nước hay chuyện thu hồi vốn từ dòng phim nhà nước đặt hàng… Rất cần những văn bản, thông tư mang tính chất liên Bộ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Tài chính để có thể tháo gỡ những khúc mắc này.

Lĩnh vực phim tài liệu ở Việt Nam tuy đã có một số thành công nhưng vẫn cần chú trọng hơn nữa. Và bản thân dòng phim dành cho thiếu nhi ở Việt Nam cũng ít được quan tâm, đầu tư. Những điều này có lẽ cần học hỏi thêm ở điện ảnh Đức để tăng tính đa dạng, phong phú cho điện ảnh Việt Nam.

Ngoài cơ chế quản lý để phát triển nền điện ảnh, thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là đến từ chính đội ngũ con người hoạt động trong lĩnh vực này. Nhìn lại thành công của điện ảnh Đức đương đại, chúng ta thấy những bộ phim gây được tiếng vang vẫn là những bộ phim bám sát theo những chủ đề nóng của xã hội, đề cập đến những số phận con người gắn liền với những biến động của thời đại ngày nay, từ vấn đề chiến tranh, lịch sử chia cắt đất nước, chuyện nhập cư, phân biệt chủng tộc, vấn đề giới tính và nữ quyền, xung đột thế hệ, toàn cầu hóa và bản sắc dân tộc… Ở Việt Nam, dòng phim hướng về những đề tài này không nhiều, chủ yếu đến từ những nhà làm phim độc lập và cũng chưa có những chiến lược quảng bá mạnh mẽ cho dòng phim này. Bên cạnh đó là dòng phim mang tính chất nhà nước, do nhà nước tài trợ và dòng phim thương mại.

Một điều nữa mà điện ảnh Việt Nam có thể học hỏi từ điện ảnh Đức trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về kinh phí làm phim. Đó là chú trọng phát triển thể loại phim ngắn, từ đó làm bệ phóng cho những tài năng mới. Phim ngắn ở Việt Nam không chỉ phù hợp với những đạo diễn chuyên nghiệp, lâu năm, mà còn cần được khuyến khích thực hiện ở môi trường đào tạo nghề nghiệp, cụ thể là ở các trường đại học có đào tạo chuyên ngành điện ảnh, với những tác phẩm phim ngắn là bài thi tốt nghiệp ra trường.

Quan điểm của nhà nước Việt Nam về văn hóa từ trước đến nay luôn nhấn mạnh yếu tố “đại chúng”, kể từ “Đề cương văn hóa” ra đời năm 1943 cho đến Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì điện ảnh được xem là một ngành mũi nhọn để tập trung phát triển vì có sẵn lợi thế và tiềm năng. Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thì ngành điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD, tương đương hơn 6.000 tỷ đồng và các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP cả nước. Như vậy doanh thu cao chứng tỏ phim hợp thị hiếu của đông đảo khán giả đại chúng và cũng là một nội dung của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Và dòng phim tư nhân mang tính thương mại từ trước đến nay đáp ứng khá tốt yêu cầu về mặt doanh thu, tuy vậy, chất lượng nghệ thuật vẫn là một vấn đề đặt ra cho dòng phim này.

Hội thảo về Hợp tác công - tư trong văn hóa. Ảnh: Hà Thanh Vân.

Hội thảo về Hợp tác công - tư trong văn hóa. Ảnh: Hà Thanh Vân.

Điện ảnh vốn bản thân là công việc sáng tạo đặc thù, là thành quả của rất nhiều người, hướng đến lượng công chúng đông đảo bậc nhất trong các loại hình nghệ thuật. Một nền điện ảnh mang tính toàn diện, đa dạng và phong phú với nhiều dòng phim, nhiều thể loại phim, có sự phát triển cân bằng để có những bộ phim hay, có chất lượng nghệ thuật, có doanh thu cao, là điều mà những người làm điện ảnh Việt Nam đang hướng tới. Một tác phẩm văn hóa nghệ thuật muốn vươn tầm ra thế giới thường phải đáp ứng được hai yêu cầu, bên cạnh những yêu cầu về mặt kỹ thuật, nghệ thuật. Đó là tác phẩm phải thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc, tính chất dân tộc, đồng thời từ đó hướng đến những vấn đề chung của con người mang tính toàn cầu. Đồng thời, để làm nên những thành công như vậy, phải có những cơ chế, chính sách hoạt động có hiệu quả, dành cho ngành công nghiệp điện ảnh, mà vấn đề bức thiết nhất đang được đặt ra là hợp tác công - tư trong điện ảnh. Sự hợp tác này không chỉ là góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, mà còn huy động được nguồn vốn từ tư nhân, từ đó có thể làm cho nền điện ảnh Việt Nam khởi sắc và đa dạng hơn.

Xem thêm
Manchester City nhọc nhằn giành vé đi tiếp Champions League

Rạng sáng 30/1, phải rất nhọc nhằn Man City mới thắng ngược Club Brugge 3-1 trên sân nhà để đi tiếp tại Champions League 2024/2025.

Hàng vạn người dân tham gia lễ hội đua thuyền Thuận Long

Sự kiện đua thuyền Thuận Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương đến theo dõi và cổ vũ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất