Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Điện Biên, hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều điểm trên địa bàn; làm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân.
Báo cáo nhanh từ các huyện đã ghi nhận 2 người chết (2 mẹ con), 5 người mất tích (thuộc 2 hộ gia đình), 2 người bị thương (đã sơ cứu). Về nhà ở, khoảng 10 nhà bị cuốn trôi, 8 nhà đổ sập, 100 nhà bị ảnh hưởng. Về sản xuất, 40 ha lúa bị vùi lấp; 2 ha thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn.
Tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã ghi nhận 5 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương. 639 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; hơn 25.300ha lúa, hơn 2.600ha hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng; 44ha thuỷ sản bị thiệt hại; 44 con gia súc, hơn 7.700 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về giao thông, hơn 694 điểm sạt lở với tổng khối lượng trên 44.600 m3 đất, đá, bê tông. Ngoài ra, 54 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, ảnh hưởng; 7 điểm trường, 4 nhà văn hoá bị ngập.
Riêng tại thành phố Hà Nội, hồi 17 giờ 30 phút ngày 23/7, tại ngầm tràn Vai Trại, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1968 (ở xóm Mới, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) đi làm về qua ngầm tràn bị lũ cuốn, sau đó được đưa đi cấp cứu, tuy nhiên đã tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai yêu cầu tỉnh Sơn La tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Các tỉnh, thành phố khu vực trên cả nước theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Các tỉnh, thành phố Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du, tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều khi xả lũ thủy điện Sơn La, Hòa Bình.