| Hotline: 0983.970.780

Diễn đàn kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất

Thứ Bảy 13/11/2021 , 07:39 (GMT+7)

Sáng 13/11, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tổ chức chương trình trực tuyến với nội dung kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam.

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nắm bắt thông tin, đặc biệt thông tin về vật tư đầu vào và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ vụ Đông Xuân trong điều kiện dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam”.

Sử dụng vật tư đầu vào hợp lý sẽ góp phần vào thắng lợi cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại các địa phương phía Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Sử dụng vật tư đầu vào hợp lý sẽ góp phần vào thắng lợi cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại các địa phương phía Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Diễn đàn được tổ chức vào sáng 13/11 thông qua hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội, tại Cơ quan Đại diện phía Nam của Bộ NN-PTNT tại TP.HCM, các điểm cầu tại Sở NN-PTNT 19 tỉnh thành Nam bộ.

Ngoài ra, còn có nhiều đại biểu là các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã ngành hàng lúa gạo; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật tư đầu vào đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Thông tin về “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam”

Link đăng ký tham dự Diễn đàn: https://forms.gle/t27gByEQhHJevepR8

- Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I: Mr. Dũng: 0938.008.874

- Báo Nông nghiệp Việt Nam: Mr. Nam: 0974.488.808 (Zalo: Kết nối nông sản); email: cungcaunongsan@gmail.com.

- Trường Quản lý Nông nghiệp và PTNT 2: Mr. Hải: 0986.118.118

Tham gia cuộc họp bằng link Zoom

https://zoom.us/j/98954391034?pwd=cmFNNUt0Q1F5SFlxNCtzWHNmM0lYdz09

Hoặc tham gia bằng ID cuộc họp: 989 5439 1034; Mật mã: 700118

Tất cảTổng thuật

10h40

Lộc Trời cam kết không tăng giá vật tư nông nghiệp từ nay đến hết năm 2021

Ông Nguyễn Hữu Tho, Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Hiện nay tập đoàn đang triển khai 3 mô hình tại ĐBSCL: Liên kết tiêu thụ; sản xuất theo hình thức truyền thống (có hỗ trợ) và bao lợi nhuận. Trong vụ Đông Xuân 2021, tập đoàn sẽ triển khai đẩy mạnh mở rộng mô hình bao lợi nhuận tại các tỉnh như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ… với diện tích khoảng 30.000 ha.

Trong mô hình bao lợi nhuận, tập đoàn sẽ bao toàn bộ chi phí đầu vào sản xuất cho người dân (thuốc bảo vệ thực vật , phân bón…). Ngay từ đầu vụ người dân sẽ ký thỏa thuận với tập đoàn mức năng suất và mức lợi nhuận cố định. Nếu người dân chăm chỉ sản xuất, năng suất thu được cao hơn mức cam kết thì phần tăng lên đó người dân sẽ được hưởng thêm. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho người dân để chăm lo đồng ruộng, nâng cao năng suất.

Về vật tư nông nghiệp, tập đoàn cam kết đến hết năm 2021, sẽ không tăng giá vật tư nông nghiệp như cam kết từ đầu năm.

10h20

Cần ngăn chặn tình trạng giống bao trắng, giống giả

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng giám đốc Cty CP Giống cây trồng miền Nam cho biết công ty đang cung cấp nhiều loại giống lúa, rau đậu cho bà con nông dân ở khu vực phía Nam.

“Công ty hoàn toàn có năng lực để cung cấp các loại giống tiêu chuẩn, có xuất xứ rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của bà con nông dân”, ông Nguyễn Quốc Phong khẳng định.

Theo đại diện Cty CP Giống cây trồng miền Nam, hiện nay giống lúa Đài thơm 8 đang được bà con ở khu vực BĐSCL sử dụng nhiều, đóng góp vào giá trị xuất khẩu cho mặt hàng lúa gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng bán giống bao trắng, giống giả làm ảnh hưởng đến cả năng suất và chất lượng sản phẩm của bà con nông dân.

“Đặc biệt, tình trạng giống giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của các đơn vị làm lúa gạo của Việt Nam”, ông Phong nhấn mạnh.

“Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp để hạn chế được hiện tượng đóng bao trắng, hàng giả trên thị trường, bởi các doanh nghiệp không thể nào có khả năng để quản lý hết được”, ông Phong bổ sung.

Chia sẻ về hoạt động của công ty, ông Nguyễn Quốc Phong cho biết Cty CP Giống cây trồng miền Nam sẵn sàng đầu tư các nhà máy sản xuất giống cũng như chuyển giao, hợp tác để mở rộng hệ thống sản xuất giống tại các vùng trồng quy mô lớn ở khu vực ĐBSCL. Trong cơ cấu giống lúa hiện nay, Phó Tổng giám đốc Cty CP Giống cây trồng miền Nam khẳng định đơn vị đang đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm để khắc phục các nhược điểm còn tồn tại trên giống.

Ông Phong thông tin: “Sắp tới công ty sẽ đưa ra được những giống kháng được các bệnh phổ biến như cháy lá, đạo ôn và các giống thích nghi với điều kiện nhiễm mặn ở khu vực ĐBSCL”.

Cũng theo lời ông Phong, "việc chuyển giao bản quyền để doanh nghiệp tự sản xuất mà không có sự giám sát của Tập đoàn, chúng tôi chưa thực hiện”.

10h00

Công nghệ độc nhất vô nhị: Đưa vi sinh vào phân bón vô cơ

ong le van hai

Ông Lê Văn Hải (ảnh) – Tổng Giám đốc Công ty BioWish Việt Nam chia sẻ, từ năm 2016, chúng tôi đã hợp tác với nhà máy Đạm Cà Mau để sản xuất Ure bio; phối hợp với nhà máy Đạm Phú Mỹ để sản xuất các dòng phân bón NPK Bio và hợp tác với Đạm Hà Bắc để sản xuất phân bón Ure bio; phối hợp với nhà máy phân bón Lâm Thao để sản xuất lân vi sinh.

“Công nghệ đưa vi sinh vào phân bón vô cơ thực sự là bài toán rất khó, bởi vì các chủng vi sinh không thể tồn tại trên nền hoá học. Và sau nhiều năm theo đuổi công nghệ này, chúng tôi đã hoàn thiện và đăng ký lưu hành”, ông Hải khẳng định.

Theo Tổng Giám đốc BioWish Việt Nam, các chủng vi sinh vật sau khi được đưa vào phân bón vô cơ như Ure, NPK, lân, DAP đã giúp việc cố định đạm, chống thất thoát, bay hơi cũng như chống rửa trôi đang ở mức từ 35 – 51% hiện nay. Đồng thời giúp cho việc chuyển hoá dinh dưỡng thô như NPK, Ure, các phân bón hoá học khi bón xuống cho cây trồng trở thành các dinh dưỡng hữu hiệu để giúp cho cây trồng hấp thụ tốt hơn.

Đặc biệt, theo ông Hải, phân bón vô cơ vi sinh này sẽ giúp cho việc phát triển bộ rễ để tăng cường khả năng hấp thụ của cây đối với dinh dưỡng chúng ta đưa xuống đất.

Thứ ba, phân bón vô cơ vi sinh giúp đưa vi sinh vật có lợi vào các vùng đất mà chúng ta đã dùng phân bón vô cơ nhiều năm, qua đó giúp cải tạo đất, làm cho đất trở nên phì nhiêu hơn, làm cho hoạt động canh tác ngày càng bền vững.

“Chúng tôi đã theo đuổi giải pháp này và đã cho ra đời sản phẩm Ure Bio với Đạm Cà Mau, đã được phân phối trên khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Một trong những kết quả đáng mừng là phân bón Ure của Đạm Cà Mau, NPK của Đạm Phú Mỹ thích ứng với tất cả các vùng từ đất bị xâm nhập mặn, đất bị phèn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông Hải chia sẻ.

Và tại Tây Nguyên, các dòng phân bón này đã chứng minh những vùng đất nhiều năm trồng cà phê, hồ tiêu đã được khôi phục trở lại. Đến ngày hôm nay, dòng phân bón này đã được chính thức đưa vào QCVN của Cục Bảo vệ Thực vật. Trong năm qua, khoảng 50.000 tấn Ure Bio đã được phân phối.

"Và trong tháng này, chúng tôi sẽ sản xuất 3 dòng phân bón NPK Bio với Đạm Phú Mỹ phục vụ cho vụ tới đây. Cũng trong tháng này, chúng tôi hợp tác với phân bón Lâm Thao để cho 'ra lò' dòng sản phẩm lân vi sinh. Do đó, chúng tôi sẵn sàng có các buổi làm việc với các Sở NN-PTNT các tỉnh thông qua Báo Nông nghiệp Việt Nam để hợp tác về vấn đề này", Tổng Giám đốc Công ty BioWish Việt Nam thông tin.

9h40

Cần có vốn cho mô hình cánh đồng liên kết

“Chúng tôi tha thiết đề nghị Bộ NN-PTNT cùng các địa phương xem xét vấn đề vay vốn. Muốn có cánh đồng liên kết thì phải có vốn vay để đầu tư máy sấy, xilo chứa, tiền công gặt cho nông dân. Doanh nghiệp rất muốn làm, song đang gặp khó ở khâu này”, đại diện Công ty Trung An phát biểu tại diễn đàn.

Theo Công ty Trung An, Covid-19 khiến các ngành nghề bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở tầm thế giới. Việt Nam gặp khó khăn song không bị đứt gãy trầm trọng. “Tôi chắc chắn Việt Nam sẽ xuất khẩu không dưới 6 triệu tấn gạo trong năm nay”.

Doanh nghiệp khẳng định giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới, vượt Thái Lan. Tuy nhiên, sự thay đổi ngoạn mục trong mấy năm trở lại đây liệu có còn duy trì được tiếp là điều cần suy nghĩ, hành động. Nhắc lại về mô hình cánh đồng liên kết, đại diện Công ty Trung An cho rằng đây là điều phù hợp quy luật thị trường, phù hợp đặc điểm Việt Nam chưa thể có ngay các cánh đồng lớn.

“Chúng tôi vẫn trung thành với mô hình liên kết, nhiều nhất ở Kiên Giang với 6.000ha. Sắp tới, Bộ NN-PTNT mở rộng mô hình này ở tứ giác Long Xuyên, chúng tôi sẽ đồng hành với hơn 110.000ha”, đại diện Công ty Trung An cho biết.

9h20

Cần dự báo, đưa ra chiến lược trước từng mùa vụ

Nhập chú thích ảnh

Tích cực bón phân để lúa phát triển tốt (Ảnh minh họa).

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân phón, ngay cả với Bình Điền thì việc tìm nguồn cung cấp cũng đang gặp không ít khó khăn.

“Do các nguyên liệu nhập khẩu đều tăng giá mạnh nên các cơ quan chức năng cần có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó với tình hình này”, ông Phan Văn Tâm nhận định.

Theo đại diện của Công ty CP Phân bón Bình Điền, giải pháp để thích ứng là trước mỗi mùa vụ cần có các diễn đàn thảo luận sâu về tình hình thị trường, đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào trong giai đoạn đó.

“Từ những dự báo này chúng ta sẽ đưa là được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào”, ông Tâm cho biết thêm.

Về vấn đề tận dụng nguồn hữu cơ cho cây trồng, đại diện Bình Điền cho biết hàm lượng chất hữu cơ trong đất ở các địa phương ĐBSCL là rất tốt. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả được lợi thế này cần có những biện pháp phù hợp, do đó, ông Tâm cho rằng cần có nghiên cứu về các biện pháp này để triển khai, mở rộng đến bà con nông dân.

9h10

Bà Đào Thị Như Hè, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Kim Hồng cho biết: Hiện nay, công ty đang phân phối sản phẩm máy sạ cụm. Công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai được các mô hình thử nghiệm trên 13 tỉnh ĐBSCL.

Theo kết quả ghi nhận được, máy sạ cụm đã giúp giảm lượng giống sử dụng xuống 40-60 kg/ha, nhờ đó giảm được tới 30% chi phí giống. Bên cạnh đó, khi sử dụng máy sạ cụm giúp giảm được lần bón phân cuối cùng (lần thứ 4).

Tuy nhiên, máy sạ cụm cũng đang có một số điểm hạn chế, nếu gặp thời tiết mưa thì cụm sạ sẽ dễ mất tính liên kết, một số cánh đồng lầy như Hậu Giang, Cần Thơ thì máy sạ cụm không thể hoạt động được.

Vì vậy, trong các vụ mùa tiếp theo, công ty mong muốn các địa phương quan tâm nhiều hơn tới khâu giảm giống, tới máy sạ cụm, vì khi giảm lượng giống gieo sạ thì phân bón, thuốc BVTV cũng sẽ giảm theo.

9h00

Dùng men vi sinh xử lý rơm rạ, có thể giảm 50% phân bón hoá học

Bà Bùi Thị Hồng Hà (ảnh), Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), cho biết: Có 2 xuất phát điểm của giải pháp xử lý nhanh rơm rạ tươi trên ruộng, cụ thể:

(1) Vấn nạn lãng phí nguồn phân bón quý từ rơm rạ với phương pháp đốt đồng

(2) Kết quả của đề tài nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia EM/KHCN (1997-2000) đang phát huy hiệu quả trong các giải pháp xử lý phế thải của sản xuất nông nghiệp. Giải pháp này nhanh chóng được triển khai ứng dụng diện hẹp ở các liều lượng và quy mô lớn nhỏ và được ứng dụng diện rộng tại các mô hình ở cả 3 miền Bắc Trung Nam với quy mô trên 50ha (50ha tại An Giang, 120ha tại Thanh Hóa, 160ha tại Thái Nguyên).

Kết quả thu được sau khảo sát mới nhất như sau: Giảm phân hóa học tổng hợp từ 30-50% tùy lượng rơm rạ để lại trên đồng. Khả năng giảm đến 50% là rất tốt trên tất cả các mô hình để lại 100% rơm tại ruộng để xử lý và sạ thưa hơn.

Giảm thuốc BVTV: 30-50% tùy thói quen phun phòng sâu bệnh của địa phương. Cá biệt có nơi không còn phải dùng đến thuốc BVTV ( Ninh Bình, Hải Dương). Một số vùng có thói quen dùng đến 9 lần thuốc/vụ lúa đã cắt giảm chỉ còn 2-3 lần phun.

Theo bà Bùi Thị Hồng Hà, các giá trị khác thu được như giá bán lúa đã được thị trường chấp nhận mua cao hơn, chất lượng hương và vị hạt gạo tăng rõ rệt, chất lượng đất tốt, bùn nhiều, sức khỏe cây trồng tốt và xanh lá đến khi thu hoạch, sức khỏe người nông dân tăng tỉ lệ thuận với mức độ giảm thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc lúa.

Ông Huỳnh Trung Thu, cựu Giám đốc HTX Hà bao Một ở An Phú (tỉnh An Giang) – người đã ứng dụng giải pháp liên tục 8 vụ cho hợp tác xã và nay là cho ruộng của chính gia đình mình chia sẻ: “Hiện nay, ruộng lúa Thu Đông của gia đình tôi đã được 65 ngày, nhưng tôi chưa phải phun thuốc BVTV mà lúa vẫn rất đẹp. Nếu xử lý men vi sinh xử lý rơm rạ sẽ trả lại hữu cơ cho đất rất tốt. Trước đây, tôi sử dụng khoảng 60 kg phân bón đa lượng/1.000m2, tuy nhiên, hiện nay giảm xuống chỉ còn 35kg phân bón/1.000m2”.

Bên cạnh đó, ông Thu đã lấy mẫu gạo gửi đi test tại Cần Thơ, thì chất lượng gạo rất tốt, không có dư lượng thuốc BVTV, mẫu mã hạt gạo đẹp. Thông qua diễn đàn, ông mong các doanh nghiệp biết đến và tìm về thu mua nông sản cho bà con để cộng đồng được hưởng lợi.

8h45

Kiên Giang đưa nhiều kiến nghị liên quan tới giống

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đưa ra ý kiến tại diễn đàn, theo đó, với đặc thù sản xuất, mỗi vụ tỉnh Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về giống (trên 33.600 tấn giống/vụ).

Hiện nay, trong các vụ, tỉnh đang sử dụng giống chất lượng cao chiếm 93.99%. Vì vậy, trong các vụ lúa tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục đưa giống chất lượng cao vào cơ cấu phấn đấu đạt trên 90%.

Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2021 thắng lợi, tỉnh đã thanh kiểm tra vật tư đầu vào từ sớm. Trong đó, đối với phân bón, đã thanh tra kiểm tra trước vụ hơn 700 cơ sở kinh doanh giống vật tư, 61 cơ sở đã bị xử lý, 92 mẫu được lấy phân tích để đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào trong niên vụ tới.

Ông Lê Hữu Toàn cũng kiến nghị, trong vụ Đông Xuân 2021, về giống, tỉnh Kiên Giang có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới tay người nông dân nên gây khó khăn cho công tác quản lý.

Bên cạnh đó, giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng (trước đây giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg).

"Vì vậy, đề nghị các đơn vị sản xuất giống nghiên cứu đến việc chia sẻ bản quyền giống trên cơ sở thỏa thuận giá bán hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có điều kiện tiếp cận được với giống những giống bản quyền, giống chất lượng cao với giá thành thấp nhất", ông Toàn nói.

Về vật vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) hiện nay theo ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang đang có mức tăng từ 30-40%, trong khi giá bán lúa không tăng. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý để giá bán vật tư đầu vào không tăng thêm, giúp người nông dân thuận lợi trong việc giảm giá thành sản xuất trong vụ Đông Xuân.

Về Kết nối, ông Lê Hữu Toàn đề xuất tỉnh Kiên Giang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị có nhu cầu kết nối, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa với các HTX, nông dân.

8h35

Cần các mô hình, hướng dẫn để giảm chi phí sản xuất

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị cho vụ Đông Xuân và giá lúa đang tốt, từ 5.800 - 6.000 đồng/kg.

“Có thể thấy, khi vấn đề lưu thông được giải quyết thì giá lúa sẽ có sự điều chỉnh tăng, bên cạnh đó các loại trái cây, rau màu giá bán cũng khởi sắc trở lại”, ông Thọ nhận định.

Qua diễn đàn hôm nay, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang gửi lời cảm ơn đến Tổ công tác 970 vì đã kết nối, tạo điều kiện và tập huấn cho các HTX của tỉnh sử dụng các giải pháp công nghệ. Theo ông Thọ, trong thời gian tới ngành nông nghiệp An Giang sẽ tiếp tục duy trì công tác này để tăng cường hiệu quả sản xuất.

Về nội dung của diễn đàn, đại diện ngành nông nghiệp An Giang cho biết, hiện nay giá vật tư đầu vào, phân bón đang là rào cản lớn đối với lợi nhuận của người nông dân. Theo ông, sắp tới phải có các mô hình, hướng dẫn để giảm giá thành của sản phẩm, giảm chi phí sản xuất cho bà con.

“Các cơ quan như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục BVTV, Cục Trồng trọt có thể đưa ra mô hình giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất để Sở NN-PTNT triển khai xuống với bà con”, ông Trương Kiến Thọ đề xuất.

Đối với các chính sách, Sở NN-PTNT An Giang kiến nghị có nguồn vốn cho HTX để có thể nhận được sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân. Ngoài ra, trong đợt thu hoạch rộ vào tháng 2-3 tới, vì khối lượng nhiều nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn để thu mua nên có thể nghiên cứu phương án thế chấp lúa gạo để vay vốn ngân hàng, đảm bảo quá trình thu mua được liên tục, không ảnh hưởng đến giá lúa.

“An Giang kiến nghị các cơ quan chức năng cần triển khai, mở rộng hệ thống kho chứa để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, lưu trữ lúa gạo trong thời điểm thu hoạch rộ, đảm bảo giá lúa ổn định cho bà con”, ông Trương Kiến Thọ kiến nghị thêm.

8h25

Tuyệt đối không gieo sạ trong tháng 1/2022

z2930161490477_33499fce78c47a2700eeb96a3d8c7491

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết mật độ sâu và tỷ lệ bệnh thấp tương đương cùng kỳ năm 2020.

Về công tác bảo vệ thực vật, dự báo và giải pháp quản lý sinh vật hại cây trồng vụ Đông Xuân, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Vụ Đông Xuân chính vụ, dự kiến gieo sạ gần 1,6 triệu ha, đến nay bà con mới gieo hơn 300.000ha. Hiện trên đồng ruộng, một số loài sinh vật gây hại trên lúa như rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, bạc lá, sâu năn, sâu cuốn lá nhỏ chiếm tỷ lệ rất thấp.

Với một số cây trồng khác, nhất là bệnh khảm lá sắn, diện tích nhiễm trên đồng khoảng 34,6 nghìn ha, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, qua quan sát trên đồng ruộng, bệnh biểu hiện nhẹ và thiệt hại mức độ thấp hơn so với trước đây.

Cũng theo ông Thiệt, hiện nay các nhà khoa học đã phát hiện 9 loài thiên địch và xây dựng các mô hình sử dụng thiên địch để hạn chế sâu bệnh hại. “Do mật độ sâu và tỷ lệ bệnh thấp tương đương cùng kỳ năm 2020, do đó ít ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các cây trồng chính”, ông Thiệt nói.

Ông Thiệt cũng khuyến cáo, khung thời vụ vụ Đông Xuân vào khoảng tháng 11 và tháng 12, tuyệt đối không gieo sạ trong tháng 1/2022. Và đối với cây lúa, rầy di trú vào tuần lễ thứ 3, 4 hàng tháng. Do đó, địa phương căn cứ tình hình rầy vào đèn bố trí thời điểm xuống giống thích hợp để né rầy. Đầu vụ, bà con cần chú ý phòng rầy nâu, sâu năn; giữa vụ phòng trừ đạo ôn lá và cuối vụ phòng trừ đạo ôn cổ bông.

8h15

Đồng bằng sông Cửu Long hiện mới xuống giống 300.000ha

Nhập chú thích ảnh

Cày ải phơi đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, “sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa năm 2021 chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, kèm theo đó là mực nước lũ ở vùng ĐBSCL thấp. Công tác triển khai sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa năm 2021 tại các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được tiến hành sớm và có nhiều giải thích ứng với tình hình dự báo lũ. Đến nay, về sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa 2021, các tỉnh Nam bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, các vụ lúa sản xuất ở khu vực phía Nam nói chung như Đông Xuân, Hè Thu chiếm tỷ trọng lớn. Tổng 4 vụ khoảng 21 triệu tấn lúa gạo, chiếm 50% cả nước.

Tuy nhiên, năm nay giá vật tư tăng cao, trong khi vụ Đông Xuân rất cần thiết việc cho năng suất cao nhất với giá thành sản xuất thấp nhất. Về việc này, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương đã có các cuộc họp và đề xuất Chính phủ tìm cách tháo gỡ.

Theo ông Tùng, phần giải pháp lớn đã có, diễn đàn hôm nay cần đưa ra các biện pháp cụ thể. “Vốn, phân bón, lao động là những yếu tố quyết định đến giá thành nông sản ở ĐBSCL. Làm tốt giống, phân bón, thì việc sử dụng thuốc BVTV sẽ ít hơn. Trên tổng diện tích 1,5 triệu ha của ĐBSCL, hiện mới xuống giống 300.000ha, do đó sắp tới nhu cầu giống khá lớn. Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tính toán số liệu chi tiết đến từng cánh đồng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, nông dân và doanh nghiệp”, ông Tùng nói.

Đối với xuất khẩu gạo, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu gạo đến nửa đầu tháng 9/2021 đạt 4,23 triệu tấn, trị giá 2,26 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 12,09% về lượng và giảm 4,53% về giá trị.

8h05

Dự kiến gieo cấy trên 1,6 triệu ha trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022

Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam.

Tại diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch dẫn thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, vụ Đông Xuân 2021 – 2022, các tỉnh phía Nam dự kiến gieo cấy trên 1,6 triệu ha.

"Sử dụng vật tư đầu vào hợp lý sẽ góp phần vào thắng lợi cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Diễn đàn thông tin kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam ngày hôm nay nhằm góp phần làm nên thắng lợi đó", ông Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Để đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống tập trung, né rầy, căn cứ vào diễn biến rầy nâu và chế độ thủy văn của vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo mỗi địa phương cần xác định lịch thời vụ xuống giống dựa vào dữ liệu bẫy đèn cho từng tháng.

Thời gian qua, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) tăng cao, để giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất thì nhiều giải pháp, khuyến cáo đã được Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các cơ quan chuyên môn, hệ thống khuyến nông của các tỉnh ĐBSCL, doanh nghiệp cùng phối hợp, triển khai, tổ chức thực hiện.

Hiện nay, việc sử dụng giống gieo sạ ở ĐBSCL vẫn còn ở mức rất cao, trung bình 150kg/ha; nhiều nơi trên 200kg/ha. Tương tự, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV vẫn còn ở mức cao.

Sử dụng vật tư đầu vào không hợp lý, vừa tăng chi phí sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, trong khi sản phẩm sẽ không đảm bảo yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường.

"Diễn đàn hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu tới các quý vị đại biểu, HTX, bà con nông dân những giống lúa mới chất lượng nhất; các máy gieo sạ tiết kiệm giống, cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV sao cho chất lượng, hiệu quả", Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.