| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi rất kỳ vọng vào Diễn đàn Kết nối nông sản 970

Thứ Sáu 29/10/2021 , 16:33 (GMT+7)

Sức tiêu thụ gia súc, gia cầm giảm khiến những người chăn nuôi tại Bình Định hiện gặp khó khăn. Lúc này, kết nối cung cầu cho thấy vai trò hết sức cần thiết.

Diễn đàn kết nối nông sản rất cần thiết

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian qua, dù bị dịch Covid-19 tác động nhưng chăn nuôi trên địa bàn vẫn ổn định. Tính đến cuối tháng 9, đàn bò ở Bình Định đạt trên 295.820 con, tăng 0,9%; đàn lợn đạt 639.250 con, chỉ giảm 2%; đàn gia cầm đạt gần 8,5 triệu con, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Giá lợn hiện nay dù đã nhích lên nhưng người chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giá lợn hiện nay dù đã nhích lên nhưng người chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tuy vẫn ổn định nhưng giá bán giảm sâu nên người chăn nuôi đang đối mặt với cảnh thua lỗ. Những ngày gần đây, dù giá heo có nhỉnh lên chút đỉnh nhưng giá bán vẫn thấp hơn giá thành nên người chăn nuôi heo vẫn còn méo mặt, giá gà thì vẫn dậm chân ở mức thấp sát đáy.

"Người chăn nuôi nhỏ lẻ lỗ 5 thì các trang trại chăn nuôi tập trung lỗ đến 10, vì phải tốn thêm khoản chi phí tổ chức nhân công sản xuất 3 tại chỗ", ông Hùng cho hay.

Nói về vấn đề kết nối cung cầu, ông Hùng đề nghị Nhà nước cần có tầm chiến lược vĩ mô, Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi cần kết nối với Bộ Công thương hạn chế các doanh nghiệp nhập thịt heo trôi nổi, kém chất lượng như đầu, đùi, móng… về thao túng thị trường.

Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi tổ chức sản xuất như thế nào để giảm giá thành sản phẩm. Đặc biệt là chỉ đạo cho các doanh nghiệp tiêu thụ lớn tổ chức thu mua sản phẩm của người chăn nuôi để cấp đông, bởi đằng nào trong thời gian tới đây cung cầu sẽ đảo chiều.

Khi sản phẩm tiêu thụ được người chăn nuôi mới mạnh dạn tái đàn, tăng đàn, đưa ngành chăn nuôi trở lại ổn định như trước.

"Người chăn nuôi đang rất kỳ vọng vào Diễn đàn Kết nối nông sản 970. Bởi diễn đàn có sự tham gia của những doanh nghiệp đầu đàn trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ. Chính diễn đàn này đã tập họp được những doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, đây là điều kiện mở lối cho đầu ra nhiều sản phẩm nông nghiệp. Thông qua diễn đàn, hoạt động cung cầu của sản phẩm nông nghiệp sẽ được điều hòa.

Diễn đàn là nơi người nói có người nghe, những bức xúc ở cơ sở sẽ được lên tiếng. Ví như thông qua diễn đàn, Bộ NN-PTNT nắm bắt được nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản đang rất cần vốn để thu mua sản phẩm về cấp đông, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ có gói hỗ trợ như gói hỗ trợ nhà ở với mức 4.000-5.000 tỷ đồng để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện”, ông Đào Văn Hùng cho hay.

Đầu ra vẫn khó khăn

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gà giống nên nắm bắt rất rành rọt về đầu ra của gà thương phẩm hiện nay. Bởi, gà thương phẩm có tiêu thụ mạnh thì người chăn nuôi mới mạnh dạn tái đàn, có như vậy mới giải quyết được đầu ra của gà giống.

Theo ông Khanh, chưa bao giờ đầu ra của gà thương phẩm tắc tị như hiện nay, dù nhiều địa phương đã công bố bình thường mới trong nhiều hoạt động.

"Trong thời điểm dịch Covid-19, giá gà ta ở miền Nam còn đứng ở mức 55.000đ/kg, ở miền Trung 52.000đ/kg. Bây giờ, khi nhiều địa phương đã công bố bình thường mới nhiều hoạt động thì giá gà lại giảm sâu, hiện chỉ còn 40.000đ - 41.000đ/kg, giảm đến 10.000đ - 15.000đ/kg", ông Khanh cho hay.

Người chăn nuôi gia cầm hiện đang gặp khó khăn do tắc đầu ra. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người chăn nuôi gia cầm hiện đang gặp khó khăn do tắc đầu ra. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nguyên nhân theo ông Khanh là do công nhân làm việc trong các khu công nghiệp ở miền Nam hầu hết đã kéo về quê, bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp ngưng hoạt động, không còn tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm như trước đây. Giá gà thịt hiện nay thấp hơn giá thành sản phẩm từ 10.000đ-12.000đ/kg, bán 1 tấn gà người nuôi lỗ từ 10-12 triệu đồng.

Giá gà thịt xuống thấp, sức tiêu thụ yếu ớt khiến người chăn nuôi quay lưng với con gà, kéo theo số phận gà giống cũng giảm theo. Trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành cao độ, gà giống còn bán được giá 10.000đ-11.000đ/con, bởi người chăn nuôi còn mạnh dạn thả nuôi, nhằm đón đầu sức tiêu thụ sẽ mạnh hơn khi hoạt động của xã hội trở lại bình thường mới, nhất là khi lễ Noel, tết dương lịch và tết Nguyên đán đã cận kề.

Thế nhưng thực trạng giá gà thương phẩm hiện nay đã khiến người chăn nuôi lo ngại. Tháng 8 tháng 9 vừa qua là mùa vụ vào đàn chính để cung ứng hàng trong dịp tết, nhưng sản lượng tiêu thụ gà giống giảm chỉ còn 40% so với trước đây, giá bán cũng chỉ còn 5.000đ - 6.000đ/con, dưới giá thành sản xuất 40-50%.

Đứng trước thực trạng kể trên nhưng doanh nghiệp gà giống Cao Khanh vẫn gắng gượng duy trì hoạt động để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Đây là lúc doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước trong kết nối cung cầu và có những hỗ trợ thích đáng để doanh nghiệp duy trì sản xuất. Thế nhưng những khoản hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được trong thời gian qua chẳng đáng gì.

Theo ông Khanh, những khoản hỗ trợ như giảm tiền điện chẳng đáng gì so với thiệt hại rất lớn của doanh nghiệp. Khoản cho vay của Ngân hàng Chính sách 2 đợt được gần 1 tỷ, nhưng doanh nghiệp của ông Khanh chưa đủ mua bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên.

Hiện doanh nghiệp đang rất cần vốn để duy trì sản xuất, nhưng không thể tiếp cận đồng vốn của ngân hàng. Ông Khanh tín chấp tài sản cho ngân hàng để vay vốn thì ngân hàng đòi hỏi trong báo cáo tài chính khoản doanh thu không được tụt so với trước mới cho vay.

8h00 ngày 30/10, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi, hướng đến khôi phục và phát triển chuỗi giá trị cung cầu sản phẩm chăn nuôi trong tình hình mới.

Sự kiện với sự tham gia hàng trăm điểm cầu sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử (https://nongnghiep.vn) và hệ thống kênh lan tỏa trên mạng xã hội của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các địa chỉ:

https://www.youtube.com/c/NôngnghiệpVietNamOfficial

https://www.facebook.com/NongNghiepVietNamOnline

https://www.facebook.com/groups/diendannn

Nhóm Zalo: https://zalo.me/g/zjlpeh497 (mọi tài liệu liên quan, danh sách các đơn vị chào mua, chào bán, link tham dự trực tiếp trên Zoom sẽ được cập nhật trong nhóm Zalo này).

Quý doanh nghiệp, HTX và bà con có nhu cầu kết nối cung - cầu sản phẩm chăn nuôi, đăng tải thông tin trên Báo Nông nghiệp Việt Nam xin liên hệ đường dây nóng: 0974.488.808; 0916.054.556, hoặc email: ketnoinongsanvietnam@gmail.com.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.