| Hotline: 0983.970.780

Điện gió Nhơn Hội của Fico Bình Định 'thổi bay' cảnh sắc bán đảo Phương Mai

Thứ Tư 12/05/2021 , 13:48 (GMT+7)

Quần thể sinh thái bán đảo Phương Mai là món quà quý thiên nhiên ban tặng cho Quy Nhơn, nhưng cảnh sắc ở đây đang bị xâm hại do thi công công trình điện gió.

Còn đâu non nước hữu tình

Bây giờ, đứng trên cầu Thị Nại nhìn về phía biển Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định), không còn nhìn thấy cảnh sắc “non xanh nước biếc” từ quần thể sinh thái của bán đảo Phương Mai gồm màu xanh của đồi cây hòa quyện với màu xanh nước biển. Bởi, dọc bán đảo Phương Mai đang bị băm nát bởi hàng trăm phương tiện cơ giới đang thi công dự án điện gió Nhơn Hội.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết Công ty CP Năng lượng Fico Bình Định là đơn vị được Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong khu vực quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tại núi Phương Mai nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội.

Các thủ tục về đầu tư xây dựng của dự án như quy hoạch tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng đã hoàn tất.

Đứng trên cầu Thị Nại nhìn về phía biển Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định), không còn nhìn thấy cảnh sắc 'non xanh nước biếc'. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đứng trên cầu Thị Nại nhìn về phía biển Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định), không còn nhìn thấy cảnh sắc “non xanh nước biếc”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công trình có các tuyến đường nội bộ có mặt cắt 6m, kết cấu đường láng nhựa dày 2,5cm; 12 trụ tua bin gió công suất mỗi trụ 5MW, chiều cao 102,5m, đường kính cánh quạt 145m; khu quản lý vận hành có diện tích 2.400m2 gồm nhà làm việc, nhà ăn, nhà nghỉ cán bộ, nhà kho, nhà bảo vệ, nhà chứa chất thải, bể nước ngầm, nhà trạm bơm đài nước, nhà xe.

Trạm biến áp nâng áp 22/110kV được xây dựng trên tổng diện tích đất là hơn 8.679m2, bao gồm: Móng máy biến áp, móng cột, móng trụ đỡ thiết bị, mương cáp, nhà điều khiển, nhà trạm bơm cứu hỏa, nhà máy phát điện, bể nước phòng cháy chữa cháy. Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội (2 giai đoạn) có tổng diện tích 376ha, vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Hiện đơn vị chủ đầu tư đang tổ chức triển khai thi công đường giao thông nội bộ, móng trụ tuabin gió, khu quản lý vận hành, khu trạm biến áp nâng áp...

Việc thi công nói trên đã khiến mặt đỉnh núi Phương Mai có chiều dài gần 7km bị “xé toạc”, đất đá sạt lở, vương vãi khắp sườn núi, phủ lấp cả màu xanh của đồi cây. Giải thích hiện tượng trên, Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định cho biết trong quá trình tổ chức thi công xây dựng tại hiện trường, do điều kiện địa hình chia cắt, sườn núi dốc, nên việc triển khai của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, một số đoạn tuyến đường giao thông nội bộ có mặt cắt ngang lớn hơn so với thiết kế để phù hợp với địa hình, dẫn đến khối lượng đất đào nền đường phát sinh tăng; đất đổ thải chưa được tập kết đúng vị trí quy hoạch bãi thải, rơi vãi xuống men sườn núi, không đảm bảo vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan.

Hàng trăm phương tiện cơ giới đang 'băm nát' núi Phương Mai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hàng trăm phương tiện cơ giới đang “băm nát” núi Phương Mai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Về vấn đề này, Ban Quản lý Khu kinh tế đã có nhiều văn bản nhắc nhở đơn vị chủ đầu tư, đồng thời phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tác động đối với địa hình có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng và môi trường tại khu vực và yêu cầu đơn vị chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương khắc phục các vấn đề tồn tại, đảm bảo tuân thủ theo quy định.

Trong thời gian đến, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường, giám sát việc triển khai thực hiện của chủ đầu tư dự án. Nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm, chậm hoặc không thực hiện các giải pháp khắc phục, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định, cho hay.

Lợi bất cập hại

Theo 1 chuyên gia cảnh quan và quy hoạch lãnh thổ đang sống tại TP Quy Nhơn, khu vực núi Phương Mai có tiềm năng lớn khai thác năng lượng điện gió. Bởi, núi Phương Mai có cao độ lý tưởng, đón được nhiều hướng gió Tây-Bắc, Đông-Nam, Tây-Nam. Không thể không công nhận điện gió là nguồn năng lượng tái tạo có lợi ích bền vững lại chiếm rất ít diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn khuyến cáo cần phải quy hoạch dự án hài hòa với tự nhiên, cảnh quan môi trường.

Đất đổ thải trong quá trình thi công Nhà máy điện gió Nhơn Hội chưa được tập kết đúng vị trí quy hoạch bãi thải, rơi vãi xuống men sườn núi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đất đổ thải trong quá trình thi công Nhà máy điện gió Nhơn Hội chưa được tập kết đúng vị trí quy hoạch bãi thải, rơi vãi xuống men sườn núi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đặc biệt là với dãy núi Phương Mai, tấm bình phong che chắn gió bão cho vùng đầm Thị Nại rộng 5.000ha, cho vịnh Mai Hương, cho cảng biển Quy Nhơn và người dân TP Quy Nhơn. Ngoài vai trò là tấm lá chắn thiên tai, núi Phương Mai còn liên quan đến yếu tố quốc phòng.

“Bài học về môi trường của Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) còn hiển hiện trước mắt. Sau khi  đánh đổi hàng trăm ha rừng dương ven biển để xây dựng khu kinh tế thì lập tức xảy ra nạn “bão cát”, mỗi khi có gió nổi lên là cát bay ngập trời. Bây giờ tiếp tục đánh đổi bán đảo Phương Mai để lấy nhà máy điện gió thì chúng ta sẽ mất đi những ưu thế về du lịch. Nhất là khi bán đảo Phương Mai đang sở hữu những địa chỉ du lịch nức tiếng cả nước là bãi biển Kỳ Co, Hòn Khô…”, vị chuyên gia kia phân tích.

Về thực tế đang xảy ra tại bán đảo Phương Mai, 1 lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định, cũng thừa nhận ngay từ đầu khi cho phép đầu tư dự án thì Bình Định chưa đánh giá hết được tác động của nó đối với các dãy núi ở bán đảo Phương Mai. Trong quá trình triển khai, do phải vận chuyển các thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng nên doanh nghiệp buộc phải mở đường lớn nên đã tác động quá mức vào đồi núi. Hiện, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có ý kiến chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh vào cuộc kiểm tra và có báo cáo, giải trình sự việc.

Đánh đổi núi Phương Mai để lấy công trình điện gió Bình Định sẽ mất đi ưu thế về du lịch. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đánh đổi núi Phương Mai để lấy công trình điện gió Bình Định sẽ mất đi ưu thế về du lịch. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định, ngay khi phát sinh các bất cập tại dự án điện gió Nhơn Hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã có ý kiến tính đến việc cho dừng dự án bởi tác động quá lớn vào đồi núi Phương Mai. Tuy vậy, do suất đầu tư của dự án khá lớn nên Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định cho rằng cần tiếp tục đánh giá lại những bất cập để doanh nghiệp chấn chỉnh, khắc phục.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...