| Hotline: 0983.970.780

Diện mạo mới Bắc Giang: [Bài 3] Đổi thay ở huyện Lục Nam

Thứ Hai 09/09/2024 , 06:40 (GMT+7)

BẮC GIANG Là huyện miền núi, địa bàn phức tạp, giáp ranh với tỉnh biên giới nhưng tình hình an ninh trật tự ở huyện Lục Nam được giữ vững, kinh tế nông nghiệp phát triển.

Xã giáp ranh không có nghiện ma túy

Lục Nam là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 13%. Những năm qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), Lục Nam đã có những bước chuyển mình bứt phá cả về kinh tế và những vấn đề an ninh trật tự, tạo nên diện mạo, vị thế mới.

Về xã Đông Hưng, nơi đây từng là một trong những vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, có tới 50% là người dân tộc thiểu số lại giáp ranh với huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). Thế nhưng, điều khá ngạc nhiên là địa phương này có thành tích về xây dựng NTM đáng nể, nhất là về tiêu chí phát triển sản xuất và an ninh trật tự.

Diện mạo nông thôn mới tại xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Ảnh: Thanh Phương.

Diện mạo nông thôn mới tại xã Đông Hưng, huyện Lục Nam. Ảnh: Thanh Phương.

Theo Thiếu tá Đỗ Duy Dũng – Trưởng công an xã Đông Hưng, để giữ vững địa bàn ổn định, xã Đông Hưng luôn tâm niệm “hết giờ không hết việc” quyết tâm hoàn thành mọi công việc đề ra, “cần phải gần dân, sát dân” và huy động sự tham gia của mọi tổ chức đoàn thể, trong đó là tổ tự quản về an ninh trật tự.

Với phương châm “linh hoạt trong từng địa bàn, sáng tạo trong từng cách làm”, lực lượng công an xã đã thành công trong việc đảm bảo an ninh trật tự, hoàn thành tốt công tác tuyên truyên pháp luật trên mọi địa bàn.

Cùng với việc đa dạng hóa biện pháp tuyên truyền, kết hợp giữa cách tuyên truyền truyền thống và hiện đại trên nền tảng mạng xã hội, xã Đông Hưng còn huy động được sự tham gia của những người có uy tín để trở thành cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ông Tạ Quang Mai, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hưng cho biết, trước năm 2008, xã Đông Hưng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Nam. Với sự quyết tâm của cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của nhân dân, trong những năm qua xã Đông Hưng đã đạt được những kết quả vượt trội và được công nhận NTM nâng cao. Đặc biệt, mặc dù là xã miền núi, giáp ranh với nhiều địa phương nhưng tình hình an ninh chính trị vẫn luôn được đảm bảo.

Lực lượng công an hỗ trợ nông dân thu hoạch vải. Ảnh: BBG.

Lực lượng công an hỗ trợ nông dân thu hoạch vải. Ảnh: BBG.

Trong nhiều năm liền, xã Đông Hưng luôn được công nhận là địa bàn an toàn, không có tệ nạn phức tạp về ma túy, mại dâm…. Vì lẽ đó, đời sống nhân dân ngày càng ổn định, người dân an tâm lao động, sản xuất và tích cực tham gia các phong trào đoàn thể.

Vươn lên làm giàu từ quê hương

Từ việc đảm bảo an ninh trật tự, nhân dân trên địa bàn ngày càng yên tâm, tin tưởng và tập trung vào lao động sản xuất, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với bước đệm đó, đến nay xã Đông Hưng đã trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại huyện Lục Nam với thế mạnh phát triển cây ăn quả.

Đến nay, xã Đông Hưng có hơn 1.000ha vải thiều, mang đến lợi nhuận gấp từ 4-5 lần so với trồng cây lúa, ước tính từ 400-500 triệu/ha/năm, thậm chỉ cả tỷ đồng. Giữa những vườn vải là những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thề, tượng trưng cho cuộc sống đủ đầy và kỳ vọng về tương lai tươi sáng của người dân nơi đây.

Vùng trồng vải cho thu nhập cao tại huyện Lục Nam. Ảnh: Thanh Phương.

Vùng trồng vải cho thu nhập cao tại huyện Lục Nam. Ảnh: Thanh Phương.

Từ gian khó, nhiều địa bàn trọng yếu của huyện Lục Nam bứt phá mạnh mẽ, mang đến “cú hích” mạnh mẽ đưa địa phương phát triển. Với những nỗ lực đó, ngày 11/1/2024, huyện Lục Nam vinh dự đã đón nhận quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM (hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội), trở thành tiền đề quan trọng để huyện phát triển toàn diện, bền vững.

Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Lục Nam đã xác định cần phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Đồng thời đưa công nghiệp trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, tại xã Đông Phú, ông Đào Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương có hơn 700 ha đất nông nghiệp, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua đã chỉ đạo tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa với những cây rau màu chế biến đang có thế mạnh đang có. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, lựa chọn, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng.

Để mở đường cho phát triển sản xuất, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX nông nghiệp để cung ứng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi.

Lễ công bố huyện Lục Nam đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: BBG.

Lễ công bố huyện Lục Nam đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: BBG.

Cùng với đó, đã lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác và chế biến sản phẩm, khuyến khích nông dân liên kết thành lập hợp tác xã để có cơ hội đưa sản phẩm tham gia các hội chợ tiêu thụ nông sản, mở rộng giao lưu, hợp tác, liên kết phát triển. Đến nay, toàn xã đã thành lập 17 tổ hợp tác sản xuất rau màu, rau an toàn, cây ăn quả, thu nhập người dân tăng cao trông thấy, bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm, vượt mục tiêu đề ra.

Theo phòng nông nghiệp huyện Lục Nam, với đặc thù là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, cùng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực cố gắng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, kinh tế xã hội của huyện có bước phát triển nhanh và toàn diện; quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; bộ mặt quê hương đổi mới toàn diện.

Tiếp nối thành công bước đầu, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam chung sức khắc phục khó khăn, đồng thời tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao trong giai đoạn 2026-2030. Trong năm 2024, huyện Lục Nam phấn đấu đưa thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 thôn đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu.

Từ 2011 đến nay, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 410 tỷ đồng và hiến hàng trăm nghìn m2 đất, hàng chục nghìn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn được đổi mới toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, địa danh Sông Lục Núi Huyền đã và đang trở thành những miền quê đáng sống.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP thế mạnh, đặc trưng

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP theo thế mạnh, đặc trưng như nước mắm, thanh long, hải sản, yến và gạo chất lượng cao.

Bình luận mới nhất