| Hotline: 0983.970.780

Điều tiết tưới nước chống hạn linh hoạt

Thứ Ba 20/06/2023 , 12:04 (GMT+7)

Hà Tĩnh Thời điểm nắng nóng gay gắt hiện nay, vai trò của cán bộ thủy nông cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết nước tưới chống hạn cho lúa hè thu.

Hơn 500ha lúa nguy cơ thiếu nước

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2023 sẽ là một năm Việt Nam phải hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng El Nino, gây nên tình trạng hạn hán căng thẳng tại nhiều vùng sinh thái.

Nhiều hồ đập nhỏ ở huyện Hương Khê do Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý đã cạn nguồn, ảnh hưởng đến việc tưới chống hạn. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều hồ đập nhỏ ở huyện Hương Khê do Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý đã cạn nguồn, ảnh hưởng đến việc tưới chống hạn. Ảnh: Thanh Nga.

Đặc biệt, tại Hà Tĩnh, địa phương được ví như “chảo lửa” của miền Trung thì hiện tượng El Nino còn ảnh hưởng sớm và có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Thực trạng này cộng với lượng nước tích trữ tại các hồ đập đến thời điểm này hầu hết thấp hơn cùng kỳ nhiều năm đang báo động một mùa hè khốc liệt với những cánh đồng nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Tại huyện Hương Khê, mặc dù nhận định từ sớm nguy cơ thiếu nước nhưng do số lượng hồ đập trên địa bàn chủ yếu dung tích nhỏ, tích nước hạn chế và đã xuống cấp nên ngay đầu vụ sản xuất, một số xã cuối kênh Khe Táy như Hương Giang, Lộc Yên; cuối kênh Sông Tiêm như Hương Long, Hương Bình, Hòa Hải… đã xuất hiện tình trạng thiếu nước cục bộ.

“Một số diện tích khó lấy nước bà con phải chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu, vừng để tránh bỏ hoang ruộng”, ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê thông tin.

Theo ông, nắng nóng xuất hiện trên địa bàn huyện từ đầu tháng 4 đến nay. Hiện mực nước tại các hồ đập do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý, dung tích còn khoảng 50 - 60% so với thiết kế; các hồ đập do địa phương quản lý còn từ 30 - 50%.

Ông Trần Đức Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh lo ngại: “Với diễn biến thời tiết hiện tại, dự báo sẽ có khoảng trên 500ha lúa hè thu trên địa bàn toàn tỉnh bị thiếu nước. Vùng gặp hạn tập trung chủ yếu cuối kênh, vùng cao cưỡng khu vực đập dâng Sông Tiêm, Khe Táy, Mộc Hương, hồ Đồng Hố (huyện Hương Khê); một số trạm bơm ở xã Kim Hoa (Hương Sơn) lấy nước từ Hói Nầm; xã Kỳ Khang, Kỳ Phú lấy nước trên sông Nhà Lê (huyện Kỳ Anh); các xã lấy nước trên sông Quèn (huyện Cẩm Xuyên)…”.

Một số hồ xuống dưới mực nước chết. Ảnh: Thanh Nga.

Một số hồ xuống dưới mực nước chết. Ảnh: Thanh Nga.

Không chỉ hạn đe dọa, nguy cơ mặn xâm nhập sớm cũng đang tiềm ẩn. Cụ thể, trung bình các năm trước mặn lên đến cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) ở mức 12‰ nhưng năm nay dự báo thủy triều xuống thấp, mặn nhiều khả năng lên đến cống Đức Xá (huyện Đức Thọ), cách cống Trung Lương khoảng 8km, nên việc lấy nước tạo nguồn từ Sông La đổ về sông Nghèn không thực hiện được. Bắt buộc phải sử dụng nguồn nước Ngàn Trươi đổ về sông Nghèn để lấy nước tạo nguồn cho các trạm bơm tưới chống hạn các diện tích ở huyện Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh.

Vận hành tưới linh hoạt

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh là một trong 2 đơn vị thủy nông lớn nhất tại Hà Tĩnh đang quản lý, vận hành 33 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000ha lúa hè thu trên địa bàn các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê và TP Hà Tĩnh.

Theo ông Đặng Hòa Bình, Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, cân đối nguồn nước đến thời điểm hiện tại thì hệ thống hồ, đập công ty quản lý vẫn đang cơ bản đáp ứng đủ tưới cho sản xuất vụ hè thu. Tuy nhiên, nếu nắng hạn kéo dài liên tục với nền nhiệt cao như hiện nay thì dự báo ở một số hồ, đập nhỏ như đập Mưng, đập dâng Khe Táy, đập dâng Sông Tiêm (Hương Khê), đập Mộc Hương, hồ Nước Xanh (huyện Kỳ Anh)… sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước.

Cùng với đó, lượng nước bốc hơi lớn buộc công ty phải kéo dài giờ tưới, tiến độ cấp nước về các địa phương cũng bị ảnh hưởng phần nào.

“Lo ngại nhất là vùng tưới huyện Hương Khê, do đó, công ty đã lên phương án phân phối, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm. Trước mắt sẽ phối hợp cùng địa phương hòa mạng hệ thống tưới các hồ chứa: Đá Bạc, Đá Hàn, Đập Họ vào hệ thống tưới sông Tiêm; hệ thống tưới hồ Nước Đỏ, Chà Chạm vào hệ thống thủy lợi đập dâng Khe Táy; nạo vét bồi lắng trước đập Sông Tiêm và có kế hoạch mua sắm máy bơm để bơm nước chết từ một số hồ chứa khi cần thiết nhằm chống hạn kịp thời”, ông Bình nói.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Đăng Nhật (thứ 2 từ phải qua) chỉ đạo Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh và Bắc Hà Tĩnh phối hợp các địa phương điều tiết nước tưới chống hạn linh hoạt, hợp lý và tiết kiệm. Ảnh: Thanh Nga.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Đăng Nhật (thứ 2 từ phải qua) chỉ đạo Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh và Bắc Hà Tĩnh phối hợp các địa phương điều tiết nước tưới chống hạn linh hoạt, hợp lý và tiết kiệm. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với diện tích Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Hà Tĩnh phục vụ, hiện đơn vị bắt đầu mở tưới dưỡng đợt 2 từ ngày 13/6 với lưu lượng 20 - 25 m3/s; ưu tiên tưới vùng xa, cao trước; tổ chức ép nước về các xã cuối kênh để đảm bảo sản xuất.

Đơn vị cũng chủ động các giải pháp để điều tiết nước, đối với vùng tưới lưu vực sông Nghèn, sẽ cân đối nguồn nước hồ Ngàn Trươi để vận hành xả nước hợp lý nhằm đảm bảo cấp cho số diện tích thuộc hệ thống Linh Cảm, tạo nguồn chống hạn cho vùng sông Nghèn.

“Trong trường hợp hạn hán gay gắt, mặn xâm nhập cao, các cửa cống Trung Lương, Đức Xá phải đóng kín sẽ thực hiện phương án xả nước hồ Ngàn Trươi hòa mạng vào kênh Linh Cảm đổ xuống để tạo nguồn cho sông Nghèn qua các cống trên kênh chính Linh Cảm, tràn Đập Sắn thuộc hệ thống Kênh Giữa; đổ nước xuống các trục tiêu như trục tiêu 21, Chợ Giấy, kênh 19/5...”, ông Hồ Thanh Hải, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch (Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh) cho biết thêm.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất