| Hotline: 0983.970.780

Ruộng khô, cây héo: Thợ đào, khoan giếng làm không hết việc

Thứ Năm 15/06/2023 , 17:56 (GMT+7)

NGHỆ AN Làm nghề đào giếng đã hơn 20 năm nay nhưng chưa năm nào nhóm thợ của ông Lê Văn Thảo thấy nhu cầu đào giếng, khảo giếng của người dân nhiều như bây giờ...

Nghệ An thời gian này trời nắng nóng như đổ lửa, lại thêm cả gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh nên mức độ khô nóng càng ghê gớm. Nắng nóng kéo dài, trời không có mưa nên nhiều nơi khô hạn nghiêm trọng, thiếu cả nước sinh hoạt và nước tưới cho cây trồng. Mặc dù mới vào đầu mùa hè, nhưng hiện các thợ đào, khoan giếng lao động tất bật vẫn làm không hết việc do nhu cầu khách hàng quá nhiều.

Mới đầu mùa hè, 40 - 50% giếng đã khô cạn nước

Mới vào đầu mùa hè, nhưng đã nhiều ngày nay giếng nước của gia đình chị Lang Thị Thanh ở ngay giữa thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) nước đã cạn tận đáy. Trong khi đó, nguồn nước máy cũng rất hạn chế do có quá nhiều người dùng, công suất nhà máy có hạn và lượng nước đầu nguồn cung cấp cho nhà máy hoạt động cũng giảm sút do hạn hán.

Chị Lang Thị Thanh ở thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) thuê người đến khảo giếng cho gia đình. Ảnh: Thanh Phúc.

Chị Lang Thị Thanh ở thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) thuê người đến khảo giếng cho gia đình. Ảnh: Thanh Phúc.

Bài liên quan

Để đủ nước sinh hoạt, chị Thanh phải xoay xở bằng cách nước rửa rau, rửa bát được tích trữ lại để tưới cây, nước giặt quần áo giữ lại để rửa nhà vệ sinh. Tất cả các sinh hoạt liên quan đến nước mọi người trong gia đình đều phải có ý thức sử dụng rất tiết kiệm.

Trước thực trạng khó khăn như vậy, chị Thanh đã liên hệ với nhóm thợ chuyên đào, khoan, khảo giếng đến giúp gia đình chị khơi sâu thêm mạch nước ngầm để có đủ nước sinh hoạt hàng ngày trong mùa hè năm nay.

Chị Thanh cho biết thêm, không riêng gì gia đình chị, ở thị trấn Kim Sơn có ít nhất 40 – 50% hộ gia đình đều gặp tình trạng giếng khô cạn nước, nhà nào cũng phải liên hệ nhóm thợ đào, khoan giếng đến “cứu nguy”.

Ở xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn), gia đình ông Nguyễn Văn Bé có một cái giếng sâu khoảng 6 – 7m. Ông cho biết, chưa bao giờ cái giếng này của nhà ông bị khô cạn nước như bây giờ. Mấy ngày nay, cứ 15 – 20 phút ông lại phải ra giếng múc nước lên tích trữ lại để lấy nước sinh hoạt và tưới cây. "Vừa qua tôi có liên hệ thuê người đến khảo lại đáy giếng sâu thêm một chút để khơi thông mạch nước ngầm nhưng do khách hàng đông nên họ chưa thể hẹn ngày đến làm cho tôi", ông Bé nói.

Rau màu héo rũ vì "khát"

Không chỉ ở các huyện miền núi như Quế Phong, Anh Sơn... mà ngay ở cả các huyện vùng bãi ngang như Diễn Châu, Quỳnh Lưu… cũng chung cảnh ngộ, không chỉ thiếu nước sinh hoạt mà nước tưới cho vùng chuyên canh rau màu hàng hoá cũng không cạn kiệt.

Chưa khi nào nghề đào, khoan giếng ở Nghệ An lại 'đắt hàng' như năm nay. Ảnh: Huy Thư.

Chưa khi nào nghề đào, khoan giếng ở Nghệ An lại "đắt hàng" như năm nay. Ảnh: Huy Thư.

Bài liên quan

Nhiều ngày nay, bà con nông dân vùng chuyên canh rau màu ở các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng… (huyện Quỳnh Lưu) và các xã Diễn Thành, Diễn Thịnh, Diễn Kỷ… (huyện Diễn Châu) đứng ngồi không yên vì nắng nóng và gió Lào thổi mạnh, làm cho nhiều ruộng rau dưa, hành lá, cà chua, dưa chuột… khô héo, cho dù lượng nước tưới cho các loại cây này gấp 3 – 4 lần so với ngày thường.

Ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: Thời gian này nắng nóng gay gắt, lại thêm gió Lào thổi mạnh càng làm tăng mức độ khô nóng. Vì vậy, bà con nông dân vùng chuyên canh rau màu hàng hoá ở xã Quỳnh Lương ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm tinh mơ và chiều muộn khi trời đã tắt nắng là người người lại bủa ra đồng tưới nước cho rau.

Nhưng thật đáng buồn, nguồn nước trong cả giếng khoan và giếng đào ở ngay tại góc ruộng cũng cạn tận đáy, chỉ bơm tưới được một lúc lại phải dừng lại chờ nước hồi quy để bơm tưới tiếp. Vì lo sợ nguồn nước không đủ để phục vụ nhu cầu tưới cho rau, bà con nông dân đã lên đến tận xã Quỳnh Diễn (huyện Quỳnh Lưu) để thuê thợ chuyên nghề khoan, đào giếng đến đào, khoan thêm giếng mới ngay tại ruộng và nạo vét sâu giếng cũ để có đủ nguồn nước tưới cho rau củ trước mắt và lâu dài.

Thợ giếng làm không xuể

Nghề đào giếng, khoan, khảo giếng không phải lúc nào cũng có việc. Nhưng những ngày này cánh thợ giếng công việc làm không xuể.

Thời gian này, các thợ đào, khoan giếng liên tục phải 'chạy sô' mà vẫn làm không xuể. Ảnh: Huy Thư.

Thời gian này, các thợ đào, khoan giếng liên tục phải "chạy sô" mà vẫn làm không xuể. Ảnh: Huy Thư.

Bài liên quan

Ông Ngân Văn Nhất ở thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) - trưởng nhóm chuyên đào, khoan giếng cho biết: Ngày nào cũng có người gọi điện thoại đến và có người trực tiếp đến gặp mời ông đến giúp đào hoặc khoan giếng.

Công việc làm giếng vất vả và cũng rất nguy hiểm nếu giếng đào quá sâu. Tuy thu nhập nghề này khá cao, từ 800.000 - 1.000.000 đồng/ngày, nhưng phải là những người lao động khoẻ, chịu làm việc nặng nhọc thì vừa có thu nhập khá, vừa giữ được uy tín.

Từ tháng 3 lại nay, nhóm thợ của Nhất làm cả ngày lẫn đêm để sớm có nước phục vụ nhu cầu của người dân mà cũng chỉ đáp ứng được 60 – 70% yêu cầu của các hộ gia đình mời gọi.

Không riêng gì ở các huyện vùng cao, nắng hạn khiến nhóm thợ đào giếng ở xã Quỳnh Diễn (huyện Quỳnh Lưu) làm không hết việc.

Làm nghề đào giếng đã hơn 20 năm nay nhưng chưa năm nào ông Lê Văn Thảo – trưởng nhóm thợ đào giếng ở xã Quỳnh Diễn lại thấy nhu cầu đào giếng, khảo giếng của người dân nhiều như bây giờ. Không chỉ có bà con nông dân ở một số xã thuộc vùng chuyên canh rau màu hàng hoá ở vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu cần nước tưới cho cây rau màu, nhiều người dân ở một số xã thuộc các huyện Diễn Châu, Yên Thành, thị xã Hoàng Mai… đã liên hệ nhóm thợ của ông để đào, khảo giếng.

Các tổ đào giếng huy động cả phụ nữ tham gia vì công việc quá tải. Ảnh: Huy Thư.

Các tổ đào giếng huy động cả phụ nữ tham gia vì công việc quá tải. Ảnh: Huy Thư.

Ông Thảo cho biết từ nay đến hết tháng 8, tổ thợ giếng của ông Thảo đã kín lịch đặt hàng. "Công việc đào giếng dưới trời nắng nóng gay gắt, mồ hôi ướt đầm đìa, vất vả lắm. Nhưng càng vất vả hơn khi đào mãi, đào sâu xuống vẫn chưa thấy có mạch nước ngầm chảy ra và phải lấp lại, đào tiếp giếng mới. Nghề này may mắn gặp mạch nước, không may uổng công, vừa không làm hài lòng gia chủ, vừa không có thu nhập", anh Thảo nói.

Hệ lụy của việc đào, khoan giếng tràn lan, tùy tiện

Việc đào, khoan giếng không có gì mới, vì từ thời xa xưa ông cha ta đã làm. Nhưng, ngày xưa mức độ nắng nóng và hạn hán không như bây giờ do rừng nguyên sinh chưa bị chặt phá và thu hẹp lại như hiện nay cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chưa xẩy ra; do mật độ dân cư chưa cao cũng như các ngành công nghiệp chưa phát triển mạnh như bây giờ…

Dù mới vào hè nhưng rất nhiều giếng nước đã cạn trơ đáy. Ảnh: Huy Thư.

Dù mới vào hè nhưng rất nhiều giếng nước đã cạn trơ đáy. Ảnh: Huy Thư.

Bài liên quan

Trước kia, có đào, khoan nhiều giếng cũng chưa làm ảnh hưởng gì lớn đến nguồn nước ngầm vô tận dưới lòng đất, mà ta gọi là tài nguyên nước ngầm. Nhưng bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, mạch nước ngầm dưới lòng đất đã giảm mạnh do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chặt phá rừng, thu hẹp rừng đóng vai trò quan trọng, như ông cha ta đã có câu “Một cây to bằng cả kho nước”.

Khi nguồn nước ngầm đã vơi đi mà ở đâu cũng khoan, cũng đào giếng nhiều như hiện nay thì nhiều nguy cơ có thể xẩy ra như tình trạng sập lún đất như đã và đang xẩy ra ở ĐBSCL và một số nơi khác.

Theo khuyến cáo của Phòng Tài nguyên nước, biển và hải đảo (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An): Việc khoan, đào giếng tự phát không đảm bảo kỹ thuật là nguyên nhân làm cho nhiều giếng sau khi đào hoặc khoan không có đủ nước cung cấp ổn định. Nhiều giếng khoan mãi không thấy có nước, phải loại bỏ và không được trám lấp lại hoàn chỉnh như trước khi chưa khoan đã gây ra ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Hiện nay Nghệ An đang triển khai dự án điều tra, đánh gia tiềm năng và trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá trữ lượng tiềm năng và chất lượng nước có thể khai thác. Từ đó xây dựng bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất.

Đào giếng là nghề nguy hiểm và vất vả. Ảnh: Huy Thư.

Đào giếng là nghề nguy hiểm và vất vả. Ảnh: Huy Thư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An đang triển khai chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngầm dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước để cung cấp nước sinh hoạt ở một số huyện: Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn và Thanh Chương…

Hi vọng với sự giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Nghệ An, trong tương lai gần, việc khai thác nguồn nước ngầm sẽ vừa bảo vệ nguồn nước ngầm được khai thác hợp lý, người dân vừa được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và sẽ hạn chế được tình trạng khoan, đào giếng một cách tuỳ tiện như hiện nay.

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất