| Hotline: 0983.970.780

Hết mưa lớn thất thường lại nắng hạn héo hon, người trồng sầu riêng trắng tay

Thứ Hai 19/06/2023 , 17:33 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Thời tiết thất thường khiến nhiều vườn trồng sầu riêng ở tỉnh Quảng Ngãi năm nay không thể đậu quả, các chủ vườn gần như trắng tay, không có thu hoạch.

Huyện Nghĩa Hành là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Toàn huyện có gần 800ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều loại cây giá trị kinh tế cao như mít Thái, bưới da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối... Những năm qua, các loại cây này là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhiều diện tích trồng sầu riêng của người dân Quảng Ngãi năm nay mất mùa thảm hại. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều diện tích trồng sầu riêng của người dân Quảng Ngãi năm nay mất mùa thảm hại. Ảnh: Lê Khánh.

Thế nhưng năm nay, hầu hết các chủ vườn tại đây đều lâm vào tình cảnh thất bát khi nhiều loại cây trồng mất mùa trầm trọng, đặc biệt là sầu riêng.

Nhìn gần 100 gốc sầu riêng của gia đình mặc dù xanh tốt nhưng không có quả nào, ông Nguyễn Ngọc Cư (thôn Tâm Lập, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) rầu rĩ nói: “Năm nay bà con trồng sầu riêng ở đây trắng tay cả rồi”.

Cách đây hơn 7 năm, nhận thấy cây sầu riêng có gia trị kinh tế cao, có khả năng thích ứng tốt trên vùng đất địa phương, ông Cư đã mua 95 cây về trồng. Với sự đầu tư, chăm sóc bài bản, vườn sầu riêng của gia đình ông phát triển xanh tốt. Đến năm ngoái, một số cây đã cho lứa quả bói đầu tiên. Mặc dù số lượng quả vụ đầu không nhiều nhưng cũng giúp ông Cư thu lại được một phần chi phí đầu tư.

“Vụ này, thời gian đầu thấy cả vườn ra hoa nhiều nên tôi mừng lắm, hi vọng đến ngày thu hoạch sẽ kiếm được một khoản kha khá. Nhưng trời lại không chiều lòng người. Trời mưa không đúng thời điểm cộng với nắng nóng kèo dài nhiều ngày sau đó khiến toàn bộ hoa bị rụng sạch, không thể cứu vãn. Bao nhiêu công sức, tiền bạc đầu tư vào thành công cốc. Giờ chỉ còn biết kỳ vọng vào vụ sau thôi”, ông Cư chia sẻ.

Thời tiết thất thường khiến cho cây sầu riêng ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) không đậu quả. Ảnh: Lê Khánh.

Thời tiết thất thường khiến cho cây sầu riêng ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) không đậu quả. Ảnh: Lê Khánh.

Theo người trồng sầu riêng ở huyện Nghĩa Hành, nguyên nhân khiến các vườn sầu riêng năm nay không đậu quả là do thời tiết thay đổi thất thường trong giai đoạn ra hoa. Đây là thời điểm nhạy cảm nên cây trồng không kịp thích ứng. Một số cây ra hoa, đậu quả trước nhưng sau đó gặp mưa lớn rồi nắng nóng với nhiệt độ cao cũng không thể trụ nổi. Những quả đậu hầu như đều bị lép, không đạt chất lượng nên cũng đành bỏ.

Cạnh đó, vườn sầu riêng 1,2ha với 120 gốc có độ tuổi gần chục năm của ông Võ Duy Chánh (trú xã Hành Nhân, Nghĩa Hành) cũng trong tình cảnh tương tự. Tìm mỏi mắt mới thấy được một số cây đã đậu quả nhưng bây giờ chỉ còn trơ lại cuống. Phía dưới gốc, một số quả sầu riêng non to bằng nắm tay sau một thời gian rụng xuống đã khô đen.

“Đang trong thời điểm cây đậu quả thì mưa dài ngày kèm theo gió mạnh. Sau đợt mưa, cây ra nhiều lá non, vừa nuôi lá vừa nuôi quả nên cây không đủ sức. Đến thời điểm cây đậu quả lại nắng nóng liên tục nên quả non rụng hết. Sầu riêng không phải quá khó trồng, nhưng mưa nhiều hay nắng nhiều vào thời điểm cây đậu quả đều sẽ ảnh hưởng rất xấu”, ông Chánh cho hay.

Nhiều quả non bị khô héo rồi rụng dần. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều quả non bị khô héo rồi rụng dần. Ảnh: Lê Khánh.

Không còn cách nào khác, người trồng sầu riêng ở huyện Nghĩa Hành chỉ biết tiếp tục đầu tư, chăm sóc, dưỡng lại cây chờ vụ sau. Mặc dù vậy, thời gian qua, nắng nóng kéo dài đã khiến các chủ vườn tại đây thêm khó khăn chồng chất, đặc biệt là vấn đề nước tưới. Không chỉ sầu riêng mà nhiều loại cây ăn quả khác của người dân Nghĩa Hành cũng héo hon vì nắng hạn.

Chỉ tay hướng về khu vực trồng 50 gốc bưởi da xanh, ông Chánh cho biết, nếu gặp thời tiết thuận lợi, cùng với sầu riêng thì vườn cây ăn quả này mỗi năm cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu đến vài trăm triệu đồng. Thế nhưng năm nay bưởi cũng chỉ lác đác vài quả, chẳng còn hi vọng gì. Kinh tế gia đình phụ thuộc cả vào vườn cây ăn quả này nên thời gian qua, gia đình ông cũng đang phải loay hoay tìm cách chống hạn cho cây trồng.

“Đến nay, tôi đã bỏ ra số tiền hơn 70 triệu đồng để đóng 3 cái giếng, nhưng giờ chỉ còn một giếng có nước. Nguồn nước khan hiếm như thế nên cũng chỉ đủ để tưới nhỏ giọt, giữ ẩm cho cây trong vòng 1 giờ là cạn kiệt. Năm nay mùa khô khắc nghiệt hơn mọi năm. Thấy thế, trong lòng nhiều lúc cũng cảm thấy chán, muốn bỏ nhưng cũng phải ráng thôi chứ không còn cách nào khác”, ông Chánh thở dài.

Những cây sầu riêng giờ đây chỉ còn trơ lại cuống. Ảnh: Lê Khánh.

Những cây sầu riêng giờ đây chỉ còn trơ lại cuống. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Lê Quang Nhu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng trên 120ha trồng sầu riêng. 2 năm vừa qua, hầu hết các diện tích đã cho trái đều bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết bất thuận. Điển hình như bão vào năm 2020 khiến sầu riêng không có quả hoặc quả không đáng kể.

Năm nay, các vườn sầu riêng đã phục hồi lại và người dân hi vọng sẽ bội thu. Tuy nhiên do thời tiết mưa, nắng đột ngột nên cây sầu riêng bị sốc nhiệt, dẫn đến rụng hoa, trái không đạt chất lượng. Cùng với đó, hiện nay thời tiết đang nắng nóng khiến vấn đề nước tưới cho cây sầu riêng và các loại cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành gặp khó khăn.

"Trước tình hình đó, chúng tôi đã khuyến cáo người dân chủ động đào giếng, tích trữ nước. Trong trường hợp giếng khô thì phải sử dụng bơm để bơm nước từ các hồ đập về, kết hợp với các biện pháp tưới luân phiên, tưới tiết kiệm nhằm cứu diện tích cây trông có khả năng bị khô hạn”, ông Nhu thông tin.

Xem thêm
Nhộn nhịp mùa săn ong mật giống

NGHỆ AN Săn ong giống không chỉ là công việc khởi đầu gắn với nghề nuôi ong rừng lấy mật, mà còn là thú chơi hấp dẫn, đem lại thu nhập cho nhiều người dân.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.