Ông A. (ngụ Phú Yên) được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hóa xạ trị và phẫu thuật cắt thực quản do ung thư.
Vài ngày sau, ông bắt đầu xuất hiện tràn dịch dưỡng trấp màng phổi với dẫn lưu 2 lít dịch/ngày, được điều trị nội khoa, dinh dưỡng, phục hồi chức năng... nhưng tình trạng bệnh vẫn không cải thiện.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa với phác đồ gồm: tắt mạch bạch huyết qua can thiệp nội mạch, can thiệp dinh dưỡng chuyên biệt, nội khoa và phục hồi chức năng.
Tuy nhiên, phương pháp tắt mạch bạch huyết qua can thiệp nội mạch đã không thể thực hiện do có bất thường về giải phẫu học của ống ngực và sự thay đổi mạch bạch huyết sau phẫu thuật thực quản.
Do đó, người bệnh được điều trị bảo tồn bằng chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, kháng sinh, phục hồi chức năng…
Theo khuyến cáo trong điều trị rò dưỡng trấp, chế độ dinh dưỡng qua tiêu hóa chuyên biệt giúp làm giảm dịch rò và góp phần rất lớn vào sự thành công của điều trị bảo tồn.
TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, sau 1-2 ngày áp dụng chế độ dinh dưỡng tiêu hóa chuyên biệt, dịch dẫn lưu màng phổi giảm từ 2 lít/ngày xuống còn 100ml/ngày.
"Đặc biệt, sau 1 tuần áp dụng tích cực phác đồ này, bệnh nhân đã được rút ống dẫn lưu mà không cần can thiệp bằng phẫu thuật", TS.BS Lưu Ngân Tâm nói và cho biết thêm, để phác đồ mang lại hiệu quả, giúp bệnh nhân rút được ống dẫn lưu sau 1 tuần điều trị và không còn rò dịch dưỡng trấp, bệnh nhân được nuôi dưỡng qua đường miệng, qua ống thông ruột non với chế độ dinh dưỡng qua tiêu hóa chuyên biệt.
Trong đó, đảm bảo đủ năng lượng, đạm và làm giảm tiết dịch rò; chế độ ăn lỏng qua miệng phù hợp không làm ảnh hưởng đến việc lành miệng nối (sau phẫu thuật cắt thực quản) và chế độ dinh dưỡng qua hỗng tràng dễ tiêu hóa và hấp thu.
"Với chế độ dinh dưỡng này cần có sự tuân thủ tuyệt đối của người bệnh, thân nhân bệnh nhân. Sau 2-3 ngày điều trị tích cực, dịch rò dưỡng trấp trên bệnh nhân từ 2 lít/ngày giảm còn 100ml, sau 7 ngày người bệnh đã được rút dẫn lưu màng phổi vì hết rò", bác sĩ Tâm cho hay.
TS.BS Lưu Ngân Tâm cho rằng, với bệnh nhân phải trải qua 1 cuộc phẫu thuật lớn, thời gian nằm viện trong 3 tuần nhưng chỉ giảm 2 kg, tình trạng dinh dưỡng gần như ổn định là kết quả hết sức đáng mừng.
Thông qua trường hợp này, TS.BS Lưu Ngân Tâm cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các khoa lâm sàng, sự hợp tác của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân, chỉ bằng chế độ ăn (qua miệng, ống thông ruột non) không quá 150.000đồng/ngày đã đem đến hiệu quả điều trị tích cực cho bệnh nhân, đóng góp không nhỏ vào sự thành công của gần 70% trường hợp bệnh nhân rò dịch dưỡng trấp, các bệnh nhân may mắn được xuất viện mà không cần phải can thiệp phẫu thuật hay áp dụng thêm 1 kỹ thuật cao nào.
"Nếu can thiệp bằng kỹ thuật cao hay phẫu thuật thì ngoài gánh nặng về chi phí y tế, bản thân người bệnh còn phải đối diện với các rủi ro khi thực hiện nó…”, TS Lưu Ngân Tâm nói.
TS.BS Lưu Ngân Tâm cho biết, dịch dưỡng trấp (hay nhũ chấp) là dịch trắng đục (như sữa), chứa bạch huyết (tế bào miễn dịch) và chất dinh dưỡng được hấp thu từ thức ăn. Dịch dưỡng trấp bình thường được vận chuyển trong mạch bạch huyết, ống ngực và tham gia vào chức năng miễn dịch và chuyển hóa cho cơ thể.
Rò dưỡng trấp tuy không phải là bệnh hiếm, có thể xuất hiện do ung thư, chấn thương, sau hóa xạ trị ung thư, phẫu thuật… Tuy nhiên, rò dưỡng trấp sau phẫu thuật cắt thực quản do ung thư là bệnh lý hiếm (tỷ lệ 0.4-4%) và tình trạng nặng. Bệnh kéo dài có thể gây ra giảm thể tích, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng nặng, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.