Nam bệnh nhân (54 tuổi) được chẩn đoán ung thư ở 1/3 giữa thực quản, giai đoạn 2 vừa được các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương điều trị thành công bằng phẫu thuật nội soi. Cuộc phẫu thuật kéo dài 7 giờ đồng hồ. Bệnh nhân được điều trị hồi sức trong 1 ngày.
Theo TS.BS Lê Huy Lưu, phụ trách điều hành khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh nhân được phẫu thuật bằng kỹ thuật nội soi hoàn toàn đường ngực bụng cắt thực quản, tạo hình ống dạ dày, nạo vét hạch 3 vùng. "Ngoài các vết đặt trocar để đưa dụng cụ nội soi có kích thước 5 - 10mm, bệnh nhân không cần rạch bất cứ vết mổ nào trên thành ngực và thành bụng", bác sĩ Lưu cho hay.
Ngày thứ 2 sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể ăn qua đường miệng kết hợp với bổ sung dinh dưỡng đường tiêu hóa qua sonde hổng tràng, vận động tại giường. Bệnh nhân đã hồi phục tốt, tỉnh táo, ăn uống được qua đường miệng, tiêu hóa lưu thông tốt sau 1 tuần điều trị và được xuất viện.
TS.BS Lê Huy Lưu cho biết, các phẫu thuật kỹ thuật cao, ít xâm hại hoặc xâm lấn tối thiểu đang được triển khai để điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa nói chung cũng như bệnh lý ung thư đường tiêu hóa nói riêng.
Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản và là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Khi phát triển khối u sẽ xâm nhập vào sâu trong thành thực quản. Theo thời gian, khối u to lên và có thể xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh, di căn hạch, di căn theo đường mạch máu, mạch bạch huyết tới các cơ quan khác: phổi, gan, xương…
Cũng như các bệnh ung thư khác, cho đến nay các nguyên nhân gây ung thư thực quản vẫn chưa được xác định chính xác.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể là nguy cơ gây bệnh ung thư thực quản. Những người thường xuyên uống rượu có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thực quản, đặc biệt, nguy cơ càng tăng cao ở những người vừa uống rượu vừa hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, trong bữa ăn thường xuyên có các thực phẩm chứa nitrit và nitrat (dưa muối, cà muối, thịt muối,…); hoặc chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, rau xanh, hoa quả hoặc thói quen ăn đồ cay, nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ nướng làm gây nên các tổn thương ở niêm mạc thực quản.
Ngoài ra, các nguy cơ gia tăng ung thư thực quản còn có bệnh nhân bị các tổn thương ở thực quản (viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản, sẹo bỏng thực quản, bệnh co thắt tâm vị,…); có người thân mắc ung thư thực quản; thừa cân, béo phì.
Ung thư thực quản thường gặp ở độ tuổi 55 - 80, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ giới (chiếm 80%). Ở giai đoạn sớm, bệnh không gây ra triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng phổ biến nhất như nuốt nghẹn, người bệnh có cảm giác thức ăn bị vướng trong thực quản và có thể bị nôn trở ra. Nuốt nghẹn tăng dần từ đặc tới thức ăn lỏng, thường khi có nuốt nghẹn thì bệnh đã ở giai đoạn muộn; Nôn: xuất hiện khi biểu hiện nuốt nghẹn đã rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, ngay sau khi ăn, chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị, có thể có ít máu trong chất nôn; Tăng tiết nước bọt: Khi bệnh nhân nuốt nghẹn nhiều thì nước bọt hầu như không xuống được dạ dày nên bệnh nhân luôn phải nhổ nước bọt; Sụt cân: Bệnh nhân gầy sút, suy kiệt, thiếu máu.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như triệu chứng tỏ khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản: khó thở; ho; sặc; khàn tiếng; đau (đau khi nuốt: cảm giác nặng, tức sau xương ức khi nuốt, đau ngực hoặc lưng, đau bụng vùng thượng vị).
Theo các bác sĩ, điều trị ung thư thực quản được thực hiện dựa trên giai đoạn và vị trí ung thư, cùng với thể trạng chung của từng người, là sự phối hợp của xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quyết định.