Các doanh nghiệp thủy sản đang thiếu vốn trầm trọng để phục vụ cho việc thu mua nguyên liệu, chế biến xuất khẩu… Đặc biệt ngay trong quý 2 này, theo khảo sát của VASEP, có tới trên 92% trong số những doanh nghiệp được khảo sát đang cần được vay vốn khẩn cấp.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong thời gian qua, Hiệp hội đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp về nhu cầu vay vốn nhằm bổ sung vốn lưu động cho chế biến cá tra xuất khẩu, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nuôi cá tra và mua nguyên nhiên liệu, vật liệu, thức ăn cho vùng nuôi.
Theo đó, trong số những doanh nghiệp đã khảo sát, có tới trên 90% doanh nghiệp muốn được tăng hạn mức vốn vay, mức thấp nhất là 10 tỷ đồng, mức cao nhất lên tới 1.400 tỷ đồng. Riêng trong quý 2 này, trong số các doanh nghiệp đã khảo sát, có tới 92,3% số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khẩn cấp, trong đó mức thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất là 500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong số doanh nghiệp thủy sản vừa được khảo sát, có 53,85% đang có nhu cầu vay vốn đầu tư cho hoạt động phát triển với mức thấp nhất là 2 tỷ đồng và cao nhất là 300 tỷ đồng. Những doanh nghiệp này muốn vay vốn để bổ sung đầu tư cho vùng nuôi tôm chân trắng, trang bị máy móc, sửa chữa, bổ sung năng lực cấp đông, đồng bộ cán cân tự động và các thiết bị phụ trợ, vốn trung hạn cho hoạt động xuất khẩu, xây nhà máy thức ăn, phát triển vùng nuôi, cải tạo và nâng cấp nhà xưởng, thiết bị.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, việc thiếu vốn đối với các doanh nghiệp ngành thủy sản đã trở nên gay gắt từ đầu năm nay. Chính sách thắt chặt tín dụng của hệ thống ngân hàng vốn đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp thủy sản khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Đã thế, những sự kiện chẳng vui vẻ gì như vụ Cty Bình An nợ nần đầm đìa tới trên ngàn tỷ đồng, càng khiến cho các ngân hàng “lắc đầu” mạnh hơn với các hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp thủy sản.
Chế biến cá tra xuất khẩu |
Cũng từ vụ Cty Bình An và một số doanh nghiệp khác nợ tiền cá của nông dân trong thời gian khá lâu mà không chịu thanh toán, đã khiến cho người nuôi tôm, cá ở ĐBSCL đành phải thủ thế bằng cách bán sản phẩm theo kiểu “tiền trao cháo múc”, mà không còn cho doanh nghiệp nợ tiền mua tôm, cá như trước nữa. Ngoài ra, nhiều chi phí tăng lên do giá xăng dầu, điện, nhân công… tăng, phí kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (đã tăng 1,5-2 lần so với trước khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực vào ngày 1/7/2011)..., càng làm tăng thêm áp lực về vốn đối với các doanh nghiệp thủy sản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo, TGĐ Cty CP Gò Đàng (Tiền Giang), với những doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, không dây dưa nợ nần, “cửa” vào ngân hàng vẫn rộng. Nhưng họ lại gặp phải vấn đề có dám vay hay không? Vì sao vậy? Ông Đạo lý giải, tiếng là lãi suất ngân hàng đã có giảm, nhưng thực tế, các doanh nghiệp thủy sản vẫn đang phải vay với lãi suất rất cao, từ 18-20%. Với lãi suất đó, đại đa số các doanh nghiệp thủy sản không thể chịu đựng nổi.
Bởi thế, với những doanh nghiệp tính toán thận trọng, dù đang có nhu cầu vay vốn và vẫn có thể được ngân hàng chấp nhận, họ vẫn còn ngại ngần trước lãi suất nói trên, nên không dám vay để mở rộng sản xuất dù thị trường xuất khẩu nhìn chung đang khá thuận lợi. Còn những doanh nghiệp có “máu liều” hơn một chút, đã lỡ vay ngân hàng để thu mua cá nguyên liệu về chế biến, thì chẳng khác gì “cưỡi lưng cọp”.
Và để tránh hoặc giảm thiểu thua lỗ khi lãi suất vốn vay quá cao, những doanh nghiệp này đang đua nhau giảm giá cá xuất khẩu, thậm chí có những doanh nghiệp bán dưới giá thành hòng sớm bán được sản phẩm, thu tiền về để trả ngân hàng nhằm sớm thoát khỏi cái “lưng cọp” đó.
Hiện tại, các nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau chỉ hoạt động được chừng trên dưới 50% công suất. Trong số 30 doanh nghiệp chế biến tôm ở Cà Mau, có khoảng 20% đang đứng trước nguy cơ phá sản do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu. Theo dự báo của nhiều chủ doanh nghiệp thủy sản, đến cuối quý 2 này, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì không đủ vốn để quay vòng "nuôi" nhà máy và công nhân. |
Nhưng chính hành vi hạ giá đó lại đang làm hại tới ngành cá tra Việt Nam. Giá cá tra xuất khẩu sang EU hiện đã giảm xuống chỉ còn 2,9-3 USD/kg. Với mức giá xuất khẩu này, doanh nghiệp cá tra xuất khẩu sang EU đang ở mấp mé ngưỡng thua lỗ vì với giá thành hiện nay, phải bán được với giá từ 3 USD trở lên, doanh nghiệp mới có lời.
Giá cá xuất khẩu giảm, cộng với việc các doanh nghiệp thiếu trầm trọng nguồn vốn thu mua, đã khiến cho giá cá tra nguyên liệu thịt trắng từ mức 26.000-27.000 đ/kg hồi giữa tuần trước, đến nay đã giảm xuống chỉ còn 24.000-25.000 đ/kg. Doanh nghiệp thiếu vốn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá tôm.
Theo Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, đến ngày 3/4, giá tôm sú trên địa bàn tỉnh này chỉ còn ở mức 215.000 đ/kg (loại 20 con/kg), tôm 30 con/kg còn 160.000 đ/kg, tôm 40 con/kg còn 130.000 đ/kg… Như vậy, so với cách đây 2 tuần, giá tôm sú đã giảm từ 10.000-15.000 đ/kg. Thiếu vốn cũng khiến cho lượng tôm mà các nhà máy ở Cà Mau đưa vào chế biến đang liên tục có xu hướng giảm xuống trong những tuần qua.