| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp bảo vệ, khai thác giống bản quyền tốt hơn viện

Thứ Năm 07/07/2022 , 13:52 (GMT+7)

Chuyển nhượng bản quyền giống cây ăn trái cho doanh nghiệp được cho là giải pháp tốt để phát huy và nâng cao giá trị của giống.

Giống xoài Cát Lộc vừa được Viện Cây ăn quả Miền Nam nhượng quyền sản xuất, kinh doanh cho Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Minh Sáng.

Giống xoài Cát Lộc vừa được Viện Cây ăn quả Miền Nam nhượng quyền sản xuất, kinh doanh cho Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Minh Sáng.

Mới đây, Viện Cây ăn quả Miền Nam đã ký kết nhượng quyền sản xuất, kinh doanh giống xoài Cát Lộc cho Tập đoàn Lộc Trời. Sự kiện này cho thấy, các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm hơn tới việc mua và sử dụng giống có bản quyền.

Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là trong bối cảnh xâm phạm bản quyền giống cây ăn trái nói riêng, giống cây trồng nói chung, vẫn còn phổ biến ở Việt Nam như hiện nay, thì doanh nghiệp làm cách nào để bảo vệ bản quyền giống?

Ông Trương Phan Khải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời), cho biết, đối với cây ăn trái, người ta tự nhân giống vô tính một cách dễ dàng. Nông dân có thể cắt ghép, nhân giống ngay trong vườn của mình. Do đó, bảo vệ bản quyền giống cây ăn trái là một vấn đề rất khó khăn đối với doanh nghiệp.

Chính vì vậy, để bảo vệ bản quyền giống, các doanh nghiệp sau khi mua bản quyền giống sẽ không kinh doanh đại trà giống đó trên thị trường, như vậy có thể kiểm soát bản quyền giống một cách chặt chẽ.

Như với giống xoài Cát Lộc, Lộc Trời chỉ cung cấp cây giống cho những hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia vùng nguyên liệu với Tập đoàn, mà không cung cấp cây giống cho bên ngoài.

Ở khâu sản xuất cây giống, Lộc Trời cũng đặt hàng Viện Cây ăn quả Miền Nam, tổ chức sản xuất cây con ngay tại Viện để đảm bảo nguồn giống được quản lý chặt từ cây mẹ tới cây con, không để lọt ra ngoài.

Theo ông Khải, Lộc Trời đã sở hữu bản quyền nhiều giống lúa và triển khai kinh doanh rất thành công. Khi đi vào lĩnh vực cây ăn trái và tiến hành mua bản quyền giống xoài Cát Lộc, Lộc Trời cũng đã có những biện pháp để bảo vệ bản quyền giống xoài này ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Khi phát hiện những cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu vi phạm bản quyền giống xoài Cát Lộc, Lộc Trời sẽ phối hợp với Viện Cây ăn quá Miền Nam tiến hành sẽ kiểm tra, xác mình và thực hiện những biện pháp để bảo vệ bản quyền.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Cây ăn quả Miền Nam, cho rằng, trong việc bảo vệ, khai thác bản quyền các giống cây ăn trái, các viện nghiên cứu không thể làm tốt bằng các doanh nghiệp. Khi có bản quyền giống trong tay, doanh nghiệp sẽ tổ chức sản xuất giống đó trên một diện tích nhất định để sản lượng không quá nhiều nhằm duy trì được giá bán tốt. Với cách làm đó, doanh nghiệp không chỉ bảo vệ được bản quyền giống mà còn phát huy, nâng cao được giá trị của giống.

Còn nếu để giống đó cho cả xã hội ai cũng mua về trồng được, sẽ khiến cho diện tích tăng nhanh, sản lượng thu hoạch sẽ rất lớn, làm giảm giá bán cũng như giảm giá trị của giống đó.

Chính vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, để bảo vệ được bản quyền giống và phát huy được giá trị của giống, ngay khi giống mới vừa được công nhận quyền sở hữu trí tuệ, viện nghiên cứu nên bán bản quyền ngay, bán sớm chừng nào tốt chừng đấy. Vì càng để lâu, giống càng dễ bị lọt ra bên ngoài. Mà khi giống đã lọt ra bên ngoài, đã được nhiều người trồng và tự nhân giống, thì các doanh nghiệp sẽ không mua bản quyền nữa.

Về phía các doanh nghiệp, nếu muốn sản xuất giống có bản quyền thì cũng cần tiến hành mua nhanh bản quyền giống và sớm đưa giống đó vào sản xuất.  

Ông Khải cho hay, Lộc Trời đang làm theo cách này. Cụ thể, từ tháng 7/2021 Lộc Trời đã đàm phán với Viện Cây ăn quả Miền Nam về giống xoài Cát Lộc. Nhờ đó, ngay khi giống Cát Lộc vừa được cấp bằng bảo hộ tháng 1/2022, thì Lộc Trời và Viện Cây ăn quả Miền Nam đã tiến hành ký kết ngay hợp đồng nhượng quyền sản xuất, kinh doanh giống xoài này.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.