| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp ĐBSCL thiếu lao động khôi phục sản xuất

Thứ Sáu 05/11/2021 , 07:27 (GMT+7)

Thiếu nhân công lao động đang là nỗi lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp ở ĐBSCL trong quá trình khôi phục lại sản xuất hậu Covid-19.

Công nghệ chế biến tôm đáp ứng tỉ lệ hàng tinh chế ở ngưỡng cao của thế giới. Ảnh: LHV

Công nghệ chế biến tôm đáp ứng tỉ lệ hàng tinh chế ở ngưỡng cao của thế giới. Ảnh: LHV

Hệ lụy kéo dài

Ở ĐBSCL, ngành hàng chế biến xuất khẩu tôm những tháng cuối năm mở ra cơ hội rất thuận lợi. Trong những tháng vừa qua, khi dịch Covid-19 lan rộng, dù cố gắng duy trì sản xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp thừa nhận xoay trở rất khó khăn vì phải thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt. Đa phần đều phải giảm khoảng 1/3 số công nhân làm việc tại nhà máy do thực hiện 3 tại chỗ nên sản lượng sản phẩm  không tránh được sụt giảm. 

Nay khi tình hình dịch bệnh ở một số địa phương ĐBSCL đang giảm dần, các doanh nghiệp muốn tăng tốc nhịp độ sản xuất, nâng cao sản lượng kịp cho cung ứng hàng xuất khẩu mùa Noel, Tết Dương lịch 2022, nhưng khó khăn lớn nhất là công nhân trở lại làm việc không còn đông đủ như trước.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy Sản Sạch (Clearn Food - Sóc Trăng), cho biết: Hiện có đơn hàng rất nhiều nhưng hầu hết các doanh nghiệp thiếu lao động. Tình hình Covid-19 tại TP. Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng… vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ. Trong khi vacxin đã lâu lắm rồi vẫn chưa tiêm đủ cho công nhân nên việc hồi phục sản xuất vẫn chồng chất khó khăn và có thể bị dừng đột ngột vid dịch bất cứ lúc nào.

Đối với các doanh nghiệp cần đông công nhân làm việc thường xuyên tại các nhà máy, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Sao Ta, cho rằng: Nỗi lo lớn nhất là rủi ro dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến thủy sản trong giai đoạn nước rút cuối năm.

Nhà máy nào còn duy trì hoạt động đến nay phải tự thực hiện các biện pháp phòng dịch, thường xuyên rà soát, test sàng lọc số lao động đang cư ngụ tại các địa phương xã phát hiện có ca dương tính F0. Biện pháp test theo nhóm công nhân, nếu phát hiện công nhân nào nhiễm phải cho tạm nghỉ. Đối với xe tải ra vào nhà máy chở nguyên vật liệu, nhận hàng hóa xuất khẩu cũng phải kiểm tra, khử trùng thường xuyên.

Gần đây, tại Sóc Trăng một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu để xảy ra bùng phát ổ dịch Covid-19, phát hiện hơn trăm công nhân dương tính F0 càng làm chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đang hoạt động thêm lo.

Một khi chỉ vì sự chủ quan lơ là, xem nhẹ công tác phòng dịch của một doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Do vậy một số doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động và nếu có cũng khó hoạt động bình thường. Hiện đang là cuối vụ tôm, hoạt động vùng nuôi giảm dần, một số doanh nghiệp giảm hoặc tạm ngưng sản xuất. So sánh sản lượng tôm năm nay không giảm nhiều so với năm 2020, hiện tôm nguyên liệu đang dồn về các nhà máy chế biến thủy sản còn duy trì hoạt động.

Một số công ty may mặc xuất khẩu ở ĐBSCL gặp khó khi phục hồi SX sau đại dịch. Ảnh: HĐ

Một số công ty may mặc xuất khẩu ở ĐBSCL gặp khó khi phục hồi SX sau đại dịch. Ảnh:

Nóng lòng phục hồi sản xuất

Cùng với các doanh nghiệp ngành hàng thủy sản xuất khẩu, vùng ĐBSCL còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, may mặc, da giày đang tìm cách phục hồi sản xuất.

Riêng lúa gạo xuất khẩu được xem là mặt hàng chủ lực đang gặp khó bởi đứt gãy khâu vận chuyển và chi phí tăng cao. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay: Trên bình diện chung xuất khẩu gạo cả nước đến cuối năm sẽ vẫn đạt mục tiêu. Nhưng hiện thời lượng xuất bị giảm do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là  tình trạng kẹt container và cước tàu tăng hơn 100%.

Tại Hội thảo “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành Dệt may - Da giày Việt Nam" vừa qua, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định: Khi dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra, chuỗi cung ứng của hai ngành hàng dệt may, da giày đối mặt với thách thức lớn.

Vừa qua, cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 15, 16 với mức độ và quy mô khác nhau đã làm cho nhiềudoanh nghiệp dệt may, da giày phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ nhưng chi phí rất cao. Bên cạnh đó, phương án phòng chống dịch giữa các địa phương không thống nhất, nơi đóng, nơi mở cũng là nguyên nhân gây ách tắc vận chuyển nguyên phụ liệu và hàng hóa xuất khẩu.

Riêng ngành dệt may, lực lượng lao động tại các tỉnh khu vực phía Nam có trên 1,2 triệu người, chiếm gần 65% lao động toàn ngành. Nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, “4 xanh”… nhưng chi phí xét nghiệm, chi phí sản xuất quá lớn, trong khi nguy cơ lây nhiễm rất cao nên chỉ là giải pháp tình thế và không thể kéo dài.

Lo hơn nữa là tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn, do không đi làm, không có thu nhập, đã khiến hàng triệu người lao động TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về quê và không ít trong số đó là công nhân dệt may, da giày.

Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không chỉ do yếu tố cung - cầu bên ngoài mà do chính yếu tố trong nước bởi khan hiếm lao động. Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp dệt may, da giày, noong sản, thủy sản khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"..

"Trong thời gian tới doanh nghiệp phải tìm cách nâng tỷ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do. Trong điều kiện lao động ngày càng khan hiếm, việc tiết kiệm lao động, đầu tư đổi mới công nghệ dựa vào cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng lòng tin, chia sẻ lợi ích giữa các đối tác. Đây là chìa khóa chung tay vượt qua đại dịch." Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt May Việt Nam.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất