| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp đối mặt thiếu lao động trầm trọng

Thứ Năm 07/10/2021 , 14:21 (GMT+7)

Đây là thời điểm các ngành hàng tăng tốc phục hồi trong những tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp nông nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Sợ bệnh tật nên không trở lại nhà máy

Đại diện Công ty TNHH San Hà - đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gia cầm, cho biết, công ty có nhà máy tại Long An. Đa phần nguồn lao động của nhà máy là từ các tỉnh khác về Long An làm việc. Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gần 50% người lao động với tâm lý sợ nhiễm bệnh nên đã không vào nhà máy làm việc.

Khi San Hà bắt tay phục hồi sản xuất từ đầu tháng 10, số lao động này vẫn còn tâm lý e ngại. Họ mong muốn trở về quê để ở gần người thân, đồng thời, nếu có cơ hội thì xin làm việc gần nhà, khiến công ty bị thiếu hụt lao động. Về lâu dài, khi công ty đẩy mạnh hoạt động với sản lượng ngày càng gia tăng, chắc chắn việc thiếu hụt lao động sẽ trầm trọng hơn.

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động sau khi phía Nam nới giãn cách. (Ảnh: Tư liệu minh họa).

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động sau khi phía Nam nới giãn cách. (Ảnh: Tư liệu minh họa).

Ngoài ra, đội ngũ lao động có tay nghề (quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ có chuyên môn,…) của San Hà đa phần cư ngụ tại TP.HCM. Hiện lực lượng này vẫn gặp trở ngại khi đi tới làm việc ở nhà máy do vẫn phải thực hiện thủ tục test kháng nguyên SARS CoV-2.

Ngày 1/10/2021, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh lân cận về việc tạo điều kiện cho người lao động di chuyển. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn áp dụng thủ tục xét nghiệm kết hợp thẻ Covid với người lao động đi qua các chốt kiểm soát.

"Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, San Hà đã gặp quá nhiều khó khăn vì chi phí y tế phát sinh bên cạnh các chi phí khác, trong khi công ty cũng như nhiều doanh nghiệp thực phẩm khác vẫn phải duy trì hoạt động mà gần như không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ kéo dài. Vì vậy, việc tiếp tục phát sinh chi phí y tế với yêu cầu xét nghiệm khi qua các chốt kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả hoạt động của công ty”, đại diện San Hà cho biết.

Trước thực trạng đó, San Hà kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với người lao động di chuyển giữa các tỉnh, thành theo hướng chỉ kiểm soát qua thẻ Covid mà không yêu cầu xét nghiệm (vì Bộ Y tế đã ban hành văn bản 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 quy định về xét nghiệm định kỳ cho người lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh) và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức phủ vacxin gần như 100% cho lực lượng lao động.

San Hà cũng kiến nghị ngành y tế kiểm soát, bình ổn thị trường, giá bán các bộ kit xét nghiệm, qua đó, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí y tế trong giai đoạn phục hồi vốn đang còn quá nhiều khó khăn khi phải liên tục vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.

Ngành gỗ khảo sát nguồn lao động

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi đã tiến hành khảo sát về tình hình ngành chế biến gỗ ở các tỉnh xung quanh TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai…

Riêng về vấn đề lao động, các nhà máy ở Long An có vẻ ổn nhất, bởi Long An nằm ngay trong vùng Tây Nam bộ và các nhà máy gỗ sử dụng chủ yếu lao động từ các tỉnh miền Tây Nam bộ. Một điều rất quan trọng là Long An đã làm rất tốt việc tiêm vacxin cho người dân nói chung và người lao động nói riêng (thông tin từ UBND tỉnh Long An cho thấy, đến ngày 6/10, trên 99% người dân từ 18 tuổi trở lên ở Long An đã được tiêm vacxin mũi 1 và gần 41% được tiêm mũi 2). Điều này đã giúp cho các doanh nghiệp gỗ ở Long An, nhìn chung không mất nhiều lao động.

Đồng Nai nhờ có địa bàn rộng, nguồn lao động tại chỗ dồi dào, lại có lao động bổ sung từ các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Thuận…, nên vấn đề lao động ở các nhà máy gỗ cũng chưa đáng lo ngại.

Riêng Bình Dương, vào lúc bình thường vốn đã luôn thiếu lao động cho tất cả các ngành nghề, nên việc rất nhiều người lao động trở về miền Trung, miền Bắc, miền Tây Nam bộ chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành hàng trên địa bàn tỉnh này.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Th.Sơn.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Th.Sơn.

Tuy nhiên, ngành gỗ có đặc thù là sử dụng lao động có tay nghề, có tính ổn định cao về công việc, không phụ thuộc nhiều vào lao động phổ thông như một số ngành khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp lớn, trong những năm qua đã quan tâm, đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Vì vậy, nhiều nhà máy gỗ ở Bình Dương có thể sẽ bị tác động bởi việc nhiều người lao động rời khỏi địa bàn trở về quê hương, nhưng không nặng nề như một số ngành khác.

Một điều đáng chú ý là trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản đã có sự dịch chuyển về nhà máy bám sát theo vùng nguyên liệu và nguồn lao động phù hợp. Điều này thấy rõ ở việc nhiều nhà máy chuyên về những sản phẩm đan lát đã chuyển về các tỉnh miền Tây Nam bộ, là nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào và tận dụng được lực lượng lao động địa phương những lúc nông nhàn. 

Hỗ trợ người lao động phải kịp thời

Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Công ty TNHH và sản xuất phân bón Nam Việt, cho biết ngành phân bón là ngành đặc thù, công nhân của ngành đòi hỏi chất xám. Khi nghỉ giãn cách quá lâu, một số anh em có xu hướng muốn về, nguy cơ thiếu hụt lao động là rất lớn. Công ty cũng nỗ lực rất nhiều trong quá trình nghỉ giãn cách để giữ chân người lao động, như: chi trả mức lương tối thiểu, hỗ trợ thêm ăn uống và nghỉ tại công ty, nhưng do dịch vẫn còn đã tác động đến tâm lý của người lao động nên nhiều người vẫn muốn về.

Theo ông Chinh, Nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (với khoảng 38.000 tỉ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp) là rất kịp thời và thiết thực. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tránh tình trạng kéo dài nhiều tháng, cần phải làm nhanh để hỗ trợ cho họ lúc đang khó khăn, đồng thời góp phần níu chân người lao động.

Doanh nghiệp rơi cảnh thiếu hụt lao động. Ảnh: NT.

Doanh nghiệp rơi cảnh thiếu hụt lao động. Ảnh: NT.

Bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (sản xuất kinh doanh các mặt hàng bột rau sấy lạnh), cho biết trong thời gian dịch vừa qua, công ty bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, tình hình kinh doanh giảm sút, vấn đề logistic không vận chuyển rau đến nhà máy được, nhân sự phải cắt giảm, thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất vì nhiều nhà cung cấp đóng cửa, ngừng phục vụ, máy móc hư hỏng không có nơi sửa chữa…

“Khi TP.HCM mở cửa trở lại, điều vui mừng đầu tiên đó là được “cởi trói” tâm lý. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là thiếu hụt lao động. Vì thực sự không dám tuyển mới bởi phòng rủi ro lây lan dịch từ người lao động mới.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu, đầu vào đều tăng cao. Nhiều nhà phân phối sau đợt dịch đã thay đổi và công ty phải khai thác thị trường mới”, bà Hương nói.

Để tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới với có những đơn hàng từ nước ngoài, đơn hàng dịp tết, bà Hương cho biết, sẽ hội nhập từ từ, chia việc cho những nhân sự hiện tại để đảm bảo an toàn cho tất cả hệ thống của doanh nghiệp mình, đảm bảo thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K đối với tất cả người lao động cũng như khách hàng.

  • Tags:
Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất