Vài năm lại đây, cây ớt cay xuất khẩu đem đến nhiều hi vọng tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cho người nông dân Nghệ An. Tuy nhiên, sau mỗi mùa vụ, họ lại thêm một lần lo lắng, bởi mối liên kết lỏng lẻo, thiếu bền vững trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Câu chuyện cứ tái diễn năm này qua năm khác khiến niềm tin của nông dân vào các doanh nghiệp rơi rụng dần. Một số địa phương đã không còn “mơ tưởng” đến cây ớt cay nữa.
Vụ đông 2015, Cty CP XNK nông lâm sản Thanh Hóa ký hợp đồng đầu tư trồng, bao tiêu sản phẩm cho 30ha ớt cay số 7 tại 6 xã của huyện Anh Sơn. Tuy nhiên, sau khi thu mua được 4 lứa quả và nợ nông dân trên 300 triệu đồng (nhiều nhất là xã Tường Sơn trên 200 triệu, Đức Sơn 76 triệu đồng…) thì Cty viện cớ trời mưa không thể thu hoạch được nên đã … “một đi không trở lại”.
Đích thân cán bộ UBND huyện Anh Sơn và các xã trồng ớt phải ra tận “đại bản doanh” của Cty để đòi nợ. Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán Bính Thân, Cty cũng chỉ mới chuyển cho các xã này 50% tiền nợ, số còn lại đến nay vẫn chưa đến được tay nông dân như đã hứa.
Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn (Anh Sơn) cho biết, theo hợp đồng, Cty CP XNK nông lâm sản Thanh Hóa sẽ thu mua hết các lứa quả trên diện tích 3ha ớt cay được trồng tại xã, tính ra cũng phải trên dưới 50 tấn quả. Tuy nhiên, thu mua đến lứa thứ 4 thì doanh nghiệp “mất hút” cùng với số tiền nợ dân trên 100 triệu đồng.
Điều đáng nói, việc liên kết, bao tiêu sản phẩm ớt cay xuất khẩu đang diễn ra tại Nghệ An là khi đơn vị hợp đồng bao tiêu không thực hiện đúng cam kết thì ngay lập tức có một đơn vị khác đến thu mua. Tất nhiên là với giá cả thấp hơn nhưng rẻ còn hơn để hỏng sản phẩm, nông dân cũng phải bán đổ, bán tháo. Điển hình vẫn là trường hợp của Cty CP XNK nông lâm sản Thanh Hóa. Năm 2015, Cty này từng thu mua ớt cay do Nafoods bội tín nhưng năm nay, chính họ lại thất hứa để sản phẩm do nông dân làm ra cho một doanh nghiệp đến từ Bắc Ninh thu mua. Liệu điều đó có gì bất thường? |
Đích thân Chủ tịch UBND xã Long Sơn và một số xã liên kết trồng ớt với Cty phải lần đường ra tận Thanh Hóa hỏi Cty mới chuyển cho bà con nông dân 43 triệu đồng (bao gồm cả chi phí giống, phân bón đầu tư ban đầu). Số còn lại, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán.
“Cam kết ban đầu là mua cả ớt cay xanh, ớt cay chín. Tuy nhiên, Cty CP XNK nông lâm sản Thanh Hóa chê ỏng, chê eo sản phẩm của bà con nông dân làm ra.
Vì thế, trong số 18 tấn Cty đã thu mua, lượng ớt cay loại 1 mua với giá 5.900 đồng/kg không được bao nhiêu. Khi họ không còn thu mua nữa, nông dân rất bức xúc. UBND xã Long Sơn đã làm việc với một Cty đến từ Bắc Ninh, bán được 16 tấn nữa nhưng giá ớt loại 1 chỉ được 5.000 đồng/kg.
Số còn lại nông dân phải đem ra chợ bán lẻ hoặc phơi khô xay bột. Việc doanh nghiệp không thu mua ở thời điểm cuối cũng khiến các hộ trồng ớt chậm lịch thời vụ sản xuất vụ xuân từ 7 - 10 ngày”, ông Thắng cho biết.
Theo tìm hiểu, đây không phải là lần đầu tiên mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông trong việc trồng ớt cay xuất khẩu tại Nghệ An bị đổ vỡ.
Vụ đông 2014, huyện Anh Sơn liên kết với Cty CP Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) trồng 8,7ha ớt cay chỉ địa. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, doanh nghiệp cũng không về thu mua khiến nông dân dở khóc dở cười.
Trước đó, Nafoods cũng liên kết với nông dân Anh Sơn trồng và bao tiêu sản phẩm trên 60ha gấc lai đen, nhưng không về thu mua theo cam kết khiến nông dân phải chặt bỏ cây gấc.
Câu chuyện doanh nghiệp bội tín trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm ớt cay xuất khẩu cũng đã từng xảy ra tại các huyện Nam Đàn, Thanh Chương… Tuy nhiên, do cây ớt cho hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần các cây trồng khác nên nông dân vẫn hồ hởi và hi vọng vào uy tín của doanh nghiệp khi được hứa bao tiêu sản phẩm.
Ớt chín đầy đồng nhưng doanh nghiệp không thu mua
Ông Nguyễn Đình Đăng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Anh Sơn cho biết: “Việc chuyển đổi từ cây ngô sang cây ớt đã cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội. Nếu mối liên kết 4 nhà được thực hiện chặt chẽ, không những nhà nông mà doanh nghiệp cũng có lợi.
Tuy nhiên, phía Cty CP XNK nông lâm sản Thanh Hóa đang gặp khó khăn do phía đối tác nước ngoài chỉ thu mua nhỏ giọt. Hợp đồng đầy đủ tính pháp lý để phía doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ cho nông dân nhưng thực tế Cty đang khó khăn, nông dân cũng nên chia sẻ với họ”.