Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp thích ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, mặc dù Nga và Ukraine không nằm trong top các thị trường xuất khẩu thủy sản nhưng đây vẫn là những thị trường quan trọng, có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, tại trường Nga, thủy sản Việt Nam chiếm 2% thị phần với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tôm chân trắng, cá tra, surimi, cá ngừ, cá chỉ vàng, cá cơm… Năm 2021, xuất khẩu sang Nga đạt 164 triệu USD tăng 21% so với 2020.
Trong khi đó, Ukraine là thị trường lớn thứ 53 của thủy sản Việt Nam, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Ukraine chủ yếu là tôm, cá tra, cá ngừ…
Khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, rất nhiều hoạt động đã bị đình trệ, thanh toán gián đoạn, các hợp đồng cũ tồn đọng, hợp đồng mới không thể ký kết. Đặc biệt, một trong những khó khăn là việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, cước vận tải tăng cao.
Cụ thể, nhiều cảng ngừng hoạt động, không xếp dỡ hàng hóa. Giai đoạn đầu căng thẳng Nga - Ukraine, nhiều lô hàng bị kẹt tại cảng, việc giải quyết thanh toán cho các đơn hàng này rất gian nan. Không những thế, còn tác động sang cả các thị trường lân cận khác như Belarrus.
Với lệnh trừng phạt hàng hóa thì nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng vận chuyển hoặc quay về. “Vận chuyển bế tắc, đối tác đề nghị chuyển sang cảng khác như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó họ tìm cách đưa về Nga nhưng rất rủi ro", ông Hòe nói.
Xung đột Nga - Ukraine cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam không thể ký kết các hợp đồng mới do các vấn đề về tỷ giá, bảo đảm thanh toán, vận chuyển hàng hóa. Tất cả những vấn đề này khiến cho doanh nghiệp ngành thủy sản trở nên lo lắng và quan ngại.
Theo ông Hòe, việc đứt gãy chuỗi cung ứng ở hai thị trường này là một đòn giáng mạnh mẽ đối với doanh nghiệp ngành thủy sản ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác khi phần lớn các nguyên liệu đều được nhập khẩu từ Nga.
Bởi Việt Nam nhập khẩu từ Nga để chế biến và tiêu dùng khoảng 20 triệu USD, trong đó cá hồi chiếm 90%; Nga cũng là nước xuất khẩu thủy sản ra thế giới đạt mức 6 tỷ USD trong năm 2021, chủ yếu dưới dạng nguyên liệu sang Trung Quốc, Hàn Quốc (khoảng 1 triệu tấn) để chế biến xuất khẩu.
Các tác động khiến cho đơn hàng liên tục bị hoãn, hủy dẫn đến tình trạng ùn ứ, chi phí phát sinh nhiều, doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất.
Để ứng phó với tình hình căng thẳng này, ông Hòe cho biết, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cũng đã có những giải pháp điều chỉnh hoạt động kinh doanh kịp thời. Đối với các đơn hàng đã giao, tiến hành các biện pháp thanh toán nhanh thông qua các kênh từ ngân hàng nước ngoài, ngân hàng tư nhân.
Các đơn hàng đang trên đường giao hoặc có kế hoạch giao thì kéo hàng về, hoãn hoặc hủy đơn hàng. Các đơn hàng vẫn được giao theo yêu cầu khách hàng thống nhất lại khâu thanh toán, thay đổi cảng và khách hàng chịu chi phí phát sinh…
Ngoài ra, theo ông Hòe, các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thị trắng tại các quốc gia châu Âu. Điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, quan tâm nhiều hơn đến khả năng gia công, chế biến xuất khẩu từ nguồn cá Pollock, cá Cod của Nga.
Nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định trong Liên Minh Á Âu và các Hiệp định khác để tăng xuất khẩu vào các thị trường lân cận. Đồng thời, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường trước đây tiêu thụ gián tiếp nhiều thủy sản của Nga.
Tuy vậy, để có thể xây dựng một chiến lược dài hạn và hiệu quả, ông Hòe cho rằng, doanh nghiệp vẫn cần có các hướng dẫn sát sao hơn từ các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
Trước những tác động do xung đột Nga - Ukraine, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, thay vì bất an, doanh nghiệp nên nhìn nhận cục diện ở góc độ tích cực hơn, động lực hơn.
Việt Nam có được nhiều lợi thế, thụ hưởng nhiều cơ hội từ việc ký kết FTAs với các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, với sự ổn định về kinh tế, chính trị và kiểm soát tốt tình hình đại dịch Covid-19, Việt Nam đang là điểm đầu tư, là đối tác hợp tác đầu tiềm năng và uy tín.
TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải có các chiến lược dài hạn để ứng phó với bối cảnh biến động của thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần thiết phải trang bị và được hướng dẫn các giải pháp về quản trị rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, xử lý tranh chấp để bản lĩnh hơn, có khả năng chống chịu cao hơn và phục hồi hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng hơn trong thời gian tới.