| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine

Thứ Sáu 04/03/2022 , 15:15 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đã phân tích những tác động từ xung đột Nga - Ukraine đến xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam, kèm theo đó là những giải pháp ứng phó.

Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của các mặt hàng như thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi...

Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của các mặt hàng như thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi...

Theo Bộ NN-PTNT, xung đột Nga - Ukraine, kèm theo các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây cũng như phản ứng tứ phía Nga đã tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới như: ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các Ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng, đứt gãy chuỗi cung ứng, phá giá đồng Rub, tăng lạm phát, bất ổn thị trường chứng khoán toàn cầu…

Trong bối cảnh ấy, Bộ NN-PTNT đánh giá Việt Nam không nằm ngoài các tác động xấu về kinh tế do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt là các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho các xuất và nhập khẩu (các hàng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga, tăng chi phí vận chuyển), tăng chi phí đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa cơ bản, nhu cầu suy giảm ở Nga, Ukraine và các nước liên quan.

Thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và hai nước Nga, Ukraine bị suy giảm đáng kể. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu sang Nga khoảng 500 triệu USD (năm 2021 là 550 triệu USD) hàng nông, lâm, thủy sản, trong đó có một số mặt hàng đáng kể như thủy sản (164 triệu USD, chiếm 3% tổng xuất khẩu thủy sản), cà phê (173 triệu USD chiếm khoảng 6%), tiêu, điều (60 triệu USD, chiếm khoảng 2%).

Khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp trong nước hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác.

Về nhập khẩu, tổng giá trị kim ngạch nông, lâm, thủy sản từ Nga vào Việt Nam năm 2021 khoảng 500 triệu USD. Trong đó, có nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi; phân bón (10% tổng nhập khẩu phân bón).

Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang các tìm nhà cung ứng từ các nước khác như: Australia, Nam Mỹ, Nam Phi. Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Giá nguyên liệu đầu vào như: lúa mỳ, ngô… đã tăng khoảng 10-20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt trong nước.

Trước tình hình chiến sự Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp, Bộ NN-PTNT chủ trương theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với các Hiệp hội ngành hàng như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội cà phê - cacao (VICOFA), Hiệp hội điều (Vinacas), Hiệp hội gỗ để tìm giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine; và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường trước đây có lượng nhập khẩu khá lớn (EU, Trung Quốc, Trung Đông…) từ Nga, Ukraine đối với các mặt hàng thủy sản, gỗ và nội thất.

Song song với đó, Bộ NN-PTNT xúc tiến làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước.

Trong dài hạn, Bộ NN-PTNT sẽ có những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư để chủ động các nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến và logistics nông nghiệp.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm