Nhận diện các thói quen này không khó, nhưng phân biệt thói quen nào sẽ tiếp tục tồn tại lâu trong tương lai khi mọi thứ đã đi qua mới là quan trọng.
Vì có những thói quen chỉ hình thành nhất thời, và có những thói quen sẽ trở thành một phần của cuộc sống. Sự kiện khủng bố 11/9 đã hình thành một thói quen mới, là mọi người chấp nhận đánh đổi một phần của sự riêng tư để đổi lấy sự an toàn, an ninh. Trước đó làm gì có chuyện hành khách đi máy bay phải tháo dây nịch, cởi giày ra khi đi qua cửa kiểm tra an ninh của sân bay. Nhìn rộng ra hơn, có thể nói ý thức về vấn đề an toàn, an ninh của người tiêu dùng và cả xã hội nói chung đã được nâng lên một mức.
Đó là thói quen đọng lại bền lâu sau sự kiện 11/9. Vậy câu hỏi đặt ra là thói quen mới nào sẽ đọng lại lâu sau dịch Covid-19 lần này? Vì có những thói quen chỉ mang tính ứng biến, tạm thời trước sau gì cũng biến mất.
Thói quen mua hàng online đã hình thành trước dịch chắc chắn sẽ được củng cố và khuếch trương dữ dội – vì nó mang lại sự tiện nghi cho người tiêu dùng. Tương tự như thói quen làm việc tại nhà vì nó cũng mang một số tiện nghi và lợi ích cho cả người làm việc và chủ công ty.
Còn nhiều thói quen khác nữa, bởi vậy thắng hay thua, hay hay dở sẽ là ở chỗ này. Doanh nghiệp nào nhạy bén điểm mặt cho đúng thói quen mới hay nhu cầu mới của thị trường, và có khả năng chuyển đổi, thay đổi thói quen của chính mình để phù hợp với tình hình mới, sẽ là người chiến thắng.
Thực tế đã chứng minh là trong bốn lần khủng hoảng kinh tế thế giới trong quá khứ, có 14% trong số các công ty và tập đoàn lớn lại gia tăng doanh số và thị phần dáng kể. Dĩ nhiên trong đó có những công ty gặp may mắn do hàng hóa, sản phẩm của mình bỗng nhiên lên ngôi, nhưng rõ ràng là có không ít công ty đã chủ động nắm bắt thời cơ và chuyển mình một cách ngoạn mục.
Theo các nghiên cứu thì thời gian để một thói quen mới hình thành, thường dao động từ 21-66 ngày. Nhưng để xóa đi một thói quen cũ thì có khi phải mất đến 254 ngày! Nên học (learn) đã khó, quên đi điều mình học (unlearn) còn khó hơn.
Do đó, để tồn tại và thành công trong thời kỳ bình thường mới này, thiết nghĩ, các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam phải vô cùng tỉnh táo và khẩn trương nhận diện cho ra thói quen mới nào sẽ là nhu cầu của thị trường đích thực để từ đó thay đổi chính mình sao cho phù hợp với tình hình mới.
Thay đổi chính mình mới là khó, nhất là khi mình khá thành công trong quá khứ.