Doanh nhân Việt Nam hiện nay đã là một lực lượng quan trọng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế Việt Nam. Doanh nhân Việt Nam có sự hình thành và sự trưởng thành nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Đó là lý do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thuận thực hiện công trình nghiên cứu “Doanh nhân Việt Nam trong lịch sử” được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành.
Trong lịch sử Việt Nam, mầm mống tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện từ thế kỷ XVII - XVIII, nhưng vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là sự tồn tại dai dẳng của “phương thức sản xuất châu Á”, chủ nghĩa tư bản như là một phương thức sản xuất chỉ mới xuất hiện dưới ách thống trị và công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp.
Tuy vậy, từ đầu thế kỷ XX, nhất là sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tư bản dân tộc của người Việt (nằm trong thành phần tư bản bản xứ, gồm người Việt và người Hoa đang trong quá trình hội nhập dân tộc Việt Nam về mặt kinh tế) đã có một vị trí khá quan trọng.
Doanh nhân Việt với tinh thần dân tộc đã nhanh chóng hòa vào phong trào vận động giải phóng dân tộc, vươn lên khẳng định vị thế của mình, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng của cả nước, góp phần cùng chính quyền nhân dân đưa đất nước vượt qua tình thế hiểm nghèo.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước đi vào quỹ đạo của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với tinh thần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp không ngừng được khẳng định, nâng cao, để rồi sự ra đời Luật Doanh nhân, một mặt đáp ứng nhu cầu phát triển, mặt khác là một sự tôn vinh doanh nhân Việt Nam.
Năm 2011, lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng (Đại hội XI), thuật ngữ “đội ngũ doanh nhân” được sử dụng với ý nghĩa chính thức thừa nhận lực lượng này là một trong bốn lực lượng xã hội cơ bản trong cơ cấu giai tầng xã hội Việt Nam: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân.
Trong những bước thăng trầm, dẫu thành công hay thất bại, doanh nhân Việt Nam luôn để lại nhiều bài học cho hậu thế, cho hôm nay, để mỗi doanh nhân Việt Nam làm hành trang tiếp bước. Thực tế chứng minh rằng, doanh nhân Việt Nam đang ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu sắc với thế giới, nhiều doanh nhân Việt Nam đã thực sự đóng vai trò to lớn trong việc kích thích nền sản xuất của đất nước. Và mới đây thôi, Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021, trong đó, Việt Nam lần đầu tiên có 6 đại diện.
Dẫu đã trưởng thành, lớn mạnh, song những bài học từ quá khứ vẫn còn nguyên giá trị đối với doanh nhân nước ta. Vì lẽ đó, việc nghiên cứu để tìm ra những giá trị đích thực từ tư duy và hoạt độngDoanh nhân Việt Nam trong lịch sử của doanh nhân Việt Nam trong quá khứ là việc làm luôn có ý nghĩa về cả khoa học lẫn thực tiễn.
Cuốn sách “Doanh nhân Việt Nam trong lịch sử” là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của nhóm tác giả do PGS.TS. Trần Thuận chủ biên. Phần chính yếu trong tập sách này là kết quả nghiên cứu của một đề tài khoa học cấp Đại học quốc gia (tương đương đề tài cấp Bộ) đã được nghiệm thu và đánh giá loại tốt về chất lượng khoa học.
Cuốn sách ngoài chương 1 có tính lý luận và chương 6 mang tính khái quát nêu bật những đặc điểm cơ bản của doanh nhân Việt Nam từ trước đến nay, 5 chương còn lại, mỗi chương đề cập đến doanh nhân Việt Nam trong mỗi thời đoạn lịch sử với tình hình cụ thể của đất nước, giúp người đọc nhận thức đầy đủ hơn tính chất và đặc điểm của doanh nhân nước nhà.
Điều đáng lưu ý là cuốn sách này không tiếp cận và đi sâu vào vấn đề giai cấp xã hội mà chủ yếu xem xét ở góc độ cấu trúc nền kinh tế, thành phần kinh tế, sự chuyển biến của nền kinh tế đất nước cùng với sự hình thành và phát triển của Doanh nhân Việt Nam.