| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 19/11/2014 , 08:42 (GMT+7)

08:42 - 19/11/2014

“Đốc công” hay chính khách?

Không ngạc nhiên khi dư luận nêu lên câu hỏi ấy và có hai luồng ý kiến khác nhau. Chắc chắn chúng ta không thể có câu trả lời tuyệt đối.


Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ảnh: Việt Dũng

Vấn đề đặt ra không chỉ riêng với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mà còn với các tư lệnh ngành, lĩnh vực khác.

Nhìn hình ảnh ông Thăng lúc có mặt ở công trường này, khi ở công trình kia, “dọa” kỷ luật người này người khác, lúc lại đu dây xuống hiện trường một vụ tai nạn... có ý kiến cho rằng ông giống một đốc công hơn một chính khách. Nhiều người khen, có người chê và cũng có người băn khoăn.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội vừa qua thì ông Thăng là thành viên Chính phủ có nhiều phiếu “tín nhiệm cao”. Phải chăng Quốc hội chọn đốc công hơn là chính khách?

Tôi cho rằng chúng ta không nên cực đoan và suy luận một chiều. Đi cơ sở, sâu sát và lăn lộn với thực tế là hoạt động cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực.

Chúng ta nói rằng lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo, đó là một nguyên lý. Giao thông vận tải là lĩnh vực quan trọng, công việc nhiều, gắn với nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra như hiệu quả đầu tư công, chất lượng công trình, dự án triển khai chậm... nên bộ trưởng luôn phải “chạy ra đường” để giải quyết là chuyện bình thường.

Vì vậy, câu hỏi “bộ trưởng đi nhiều có giải quyết được công việc không?” nên được đặt ra hơn là câu hỏi “tại sao bộ trưởng đi nhiều thế?”. Đi nhiều mà hiệu quả ít mới là điều đáng nói.

Bộ trưởng Thăng đi nhiều nhưng vẫn có những bài báo đặt tít “Bộ trưởng Thăng, ngó xuống mà coi”, tức là vẫn có những nơi ông ấy chưa đến được.

Với các bộ ngành khác cũng vậy, thực tế đang đòi hỏi các bộ trưởng phải sâu sát, quyết liệt hơn.

Có những lĩnh vực luôn đòi hỏi chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn như nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, khoa học công nghệ... bộ trưởng cần xuống với dân, lăn lộn vào thực tế để kiểm nghiệm xem chính sách, pháp luật có phù hợp không, triển khai thế nào, rồi lắng nghe cơ sở để từ đó đúc rút kinh nghiệm, đề xuất chính sách tốt hơn.

Như chống buôn lậu, nếu cứ ngồi ở phòng máy lạnh mà hô hào, nhưng ở biên giới thì hàng lậu vẫn tràn vào thì rõ ràng không hiệu quả.

Vì vậy cần anh phải đến nơi kiểm tra, do cán bộ tiêu cực hay do việc lập các trạm, các đồn chưa đúng vị trí, không kiểm soát được hay do chế tài chưa nghiêm?

Tất nhiên, ý kiến cho rằng Bộ trưởng Thăng không thể đến hết các công trình, giải quyết từng vụ việc và lời khuyên “ông Thăng nên ở nhà nhiều hơn là chạy ra đường giải quyết mấy việc mà đôi khi hơi lặt vặt” cũng rất đáng suy nghĩ.

Bởi nếu một vị bộ trưởng sa đà vào sự vụ thì không còn nhiều thời gian để hoạch định chính sách vĩ mô. Vậy nên, điều quan trọng là hài hòa giữa ngồi trong phòng lạnh và đi thực tế. Sẽ là lý tưởng nếu bộ trưởng ít phải chạy mà bộ máy vẫn chạy ro ro, chính sách được hoạch định tốt.

Nhưng trong tình trạng bộ máy còn trì trệ, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng thì mẫu bộ trưởng hành động đang được yêu thích.

Những bộ trưởng đi nhiều, giải quyết nhiều sự vụ có hiệu quả đáng trân trọng hơn những vị bộ trưởng mà nhân dân không biết họ đang ngồi ở nhà hay đi đâu.

NGÔ VĂN MINH 
(ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm