| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời với nghề trồng hoa giấy

Thứ Sáu 02/08/2024 , 07:50 (GMT+7)

Nghề trồng hoa giấy đã giúp cho nhiều nông dân ở một xã thuộc huyện Lai Vung, Đồng Tháp có thu nhập ổn định và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây.

Ông Nguyễn Tấn Vương, nông dân ở xã Tân Dương, đang chăm sóc hoa giấy. Ảnh: Phúc An.

Ông Nguyễn Tấn Vương, nông dân ở xã Tân Dương, đang chăm sóc hoa giấy. Ảnh: Phúc An.

Trồng hoa giấy, bán quanh năm

Vào năm 2008, cây hoa giấy mới bắt đầu được trồng ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, tập trung ở hai ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B. Sản phẩm chủ yếu lúc đó là các cây hoa giấy công trình đơn sắc trong các chậu nhỏ với giá bán trung bình từ 6.000 đến 8.000 đồng một chậu, cung cấp cho các thương lái đến từ các tỉnh thành lân cận như Bến Tre, Vĩnh Long.

Đến giai đoạn 2018-2019, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nông dân trồng hoa giấy ở xã Tân Dương bắt đầu chuyển sang trồng các loại hoa giấy nhiều màu, hoa giấy ghép ngũ sắc. Những loại hoa giấy này có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với các loại hoa giấy đơn thuần. Từ đó, nhiều hộ nông dân ở hai ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B bắt đầu chuyển sang trồng hoa giấy nhiều hơn.

Vườn hoa giấy của anh Trần Quang Tài. Ảnh: Phúc An.

Vườn hoa giấy của anh Trần Quang Tài. Ảnh: Phúc An.

Theo UBND xã Tân Dương, hiện tại trên địa bàn có hơn 300 hộ gia đình trồng hoa giấy với diện tích khoảng 200 ha. Các loại hoa giấy được trồng chủ yếu là hoa giấy công trình, hoa giấy ghép ngũ sắc, hoa giấy cẩm thạch …

Ông Trần Quang Tài, chủ sở hữu vườn hoa giấy Tâm, với kinh nghiệm 7 năm trồng hoa giấy ghép cho biết: “Tùy theo hình dáng và vóc dáng của mỗi cây hoa giấy ghép, sẽ có những mức giá khác nhau. Trung bình dao động khoảng từ 70.000 đồng đến khoảng 500.000 đồng một chậu hoa giấy ghép. Với những cây to, hình dạng cầu kì hơn thì giá có thể lên đến khoảng 2 triệu đồng một chậu.”

Anh cũng cho biết thêm, hoa giấy có thể bán quanh năm, không phụ thuộc vào thời vụ như những hoa khác. Nhưng chủ yếu bán nhiều từ khoảng đầu tháng 10 đến tháng 4 năm sau, chạy nhất là vào dịp Tết Âm Lịch. Mỗi mùa tết, vườn hoa của anh thu về từ 100 đến 200 trăm triệu đồng tiền bán hoa giấy.

Không chỉ riêng các loại hoa giấy ghép nhiều màu sắc, các sản phẩm hoa giấy đơn sắc phục vụ công trình cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân tại xã. Bà Nguyễn Thị Diễm, ngụ ấp Tân Thuận B, xã Tân Dương mỗi tháng thu về từ 7 đến 10 triệu đồng tiền bán các loại hoa giấy đơn sắc Thái Lan, Ấn Độ, phục vụ các công trình.

Kỳ vọng cho nghề trồng hoa giấy

Một vườn hoa giấy ở Tân Dương. Ảnh: Phúc An.

Một vườn hoa giấy ở Tân Dương. Ảnh: Phúc An.

Tháng 11 năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định công nhận làng nghề hoa giấy ở hai ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung. Với việc được công nhận làng nghề giúp góp phần quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Vương, chủ sở hữu 4 cơ sản xuất hoa giấy trên địa bàn xã Tân Dương với tổng diện tích lên đến 1,3 ha, tiết lộ, mỗi cơ sở sản xuất hiện tại có từ 4 đến 5 nhân công làm việc xuyên suốt cả năm. Mỗi ngày, các nhân công làm việc từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, với các công việc chủ yếu như là ghép cành, chăm sóc cây.

Bên cạnh đó, từ ngày làng hoa giấy được công nhận là làng nghề, vườn hoa giấy của anh được nhiều khách hàng trên cả nước như Hà Nội, Phú Quốc, thậm chí là ở Campuchia, biết đến thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. “Tôi hy vọng với việc được công nhận là làng nghề, nghề trồng hoa giấy ở địa phương sẽ được duy trì lâu dài và phát huy tối đa tiềm năng của địa phương”, ông Nguyễn Tấn Vương chia sẻ.

Trong thời gian sắp tới, UBND xã Tân Dương sẽ tiếp tục tiến hành nhiều buổi tập huấn về kỹ thuật trồng hoa giấy, đồng thời hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp tác xã để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ của làng nghề.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang hướng tới vận động người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng bằng việc mở rộng kinh doanh, cho du khách đến tham quan và phát triển sản phẩm OCOP cây cảnh, bonsai của làng nghề hoa giấy.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.