| Hotline: 0983.970.780

Đời sống nông dân: Nhìn nhận và suy ngẫm

Thứ Năm 12/09/2013 , 10:12 (GMT+7)

Xét ở nhiều mặt cho thấy, những năm gần đây đời sống vật chất, tinh thần người dân ở khu vực nông thôn đã có những bước tiến.

Thời sự gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều đến đời sống, thu nhập của người nông dân Việt Nam, vấn đề nông dân bỏ ruộng, di cư ra đô thị, xuất khẩu lao động.... cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với khu vực nông thôn ngày một nhiều.

Đời sống nông dân đang ra sao?

Mặc dù đời sống của người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề thu nhập và mức sống. Tuy nhiên, xét ở nhiều mặt cho thấy, những năm gần đây đời sống vật chất, tinh thần người dân ở khu vực nông thôn đã có những bước tiến. Chất lượng nhà ở được xem là một trong những tiêu chí đánh giá. Nếu như trong năm 2010, gần 80% hộ gia đình có sàn nhà chất lượng tốt và 72,3% hộ có tường nhà chất lượng tốt, thì năm 2012, con số này tương ứng là 84,4% và 76,3%.

Một yếu tố quan trọng để đo chất lượng sống của nông dân là việc tiếp cận dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế. Cũng theo kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình dùng nước sạch trong năm 2010 và 2012 chiếm đến trên 84%. Các hộ gia đình ở nông thôn đã giảm sử dụng chất đốt gỗ củi, thay vào đó là các nguồn năng lượng khác như ga, điện... Tỷ lệ số hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng điện lưới để thắp sáng đạt 96,2% vào năm 2010. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ lương thực thực phẩm của hộ gia đình nông thôn đa dạng hơn, tăng từ 6,1 mặt hàng thực phẩm trong năm 2010 lên 6,3 trong năm 2012.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát vùng trồng mía và gặp gỡ bà con nông dân xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng

Người dân ở khu vực nông thôn đã có điều kiện quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của các thành viên trong gia đình cao hơn. Theo kết quả Điều tra mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê công bố, nếu năm 2002, mức chi tiêu bình quân cho chăm sóc y tế mỗi thành viên của hộ là 602 nghìn/12 tháng thì đến 2010 tăng gấp đôi thành 1.251 nghìn/12 tháng. Các chính sách hỗ trợ chăm sóc y tế được thực hiện khá tốt. Tỷ lệ hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số… 100% đều có bảo hiểm y tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ người dân ở nông thôn có các đồ dùng lâu bền, hiện đại phục vụ đời sống tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 2002, chỉ có 3,7% số hộ có điện thoại cố định thì đến 2010, tỷ lệ hộ có điện thoại cố định và di động tăng lên 70,9%, tương tự, tỷ lệ hộ gia đình có xe máy tăng từ 24,5% lên 71,2%, ti vi từ 43,6% lên 85,6%, máy vi tính từ 0,4% lên 7,5%... và nhiều đồ dùng có giá trị khác như ô tô, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, tủ lạnh… tăng đáng kể số hộ sở hữu. Điều này thể hiện điều kiện sống của người dân ở khu vực nông thôn đã được cải thiện đáng kể.

Đa dạng hóa cơ cấu thu nhập

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2012, trong thập kỷ vừa qua, trình độ dân trí tăng cùng với đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp là động lực mạnh mẽ thúc đẩy giảm nghèo ở Việt Nam. Thực tế cho thấy các hoạt động tạo thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn rất đa dạng. Mặc dù thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, song các hoạt động tạo thu nhập từ làm công ăn lương và các công việc bên ngoài hộ ngày càng đóng góp nhiều vào thu nhập của hộ gia đình. Chẳng hạn như các hoạt động tạo thu nhập từ làm công ăn lương, việc làm phi nông nghiệp là do quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn diễn ra mạnh mẽ, thị trường lao động ở khu vực tư nhân phát triển dẫn đến nhu cầu thuê nhân công, lao động cao, tạo sức hút từ nguồn lao động ở khu vực nông nghiệp chuyển sang. Đây cũng là một hiện tượng diễn ra phổ biến và theo quy luật trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn nước ta từ kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Vấn đề là làm sao người dân có thể chuyển đổi nghề nghiệp nhằm thích ứng với nhu cầu thị trường lao động tại địa phương khi tình trạng đất nông nghiệp đang giảm do phát triển các khu công nghiệp, chế xuất...

Người nông dân có thực sự nghèo đi?

Theo kết quả khảo sát hộ gia đình nông thôn tại 12 tỉnh năm 2012 đưa ra con số về tỷ lệ nghèo đói của hộ gia đình khu vực nông thôn cho thấy so với năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo tăng từ 13,1% (2010) lên 17,9% (2012). Nhiều người quan ngại về sự gia tăng tỷ lệ hộ nghèo này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, căn cứ vào phân phối thu nhập của các hộ trong năm 2012 so với 2010, cho thấy thu nhập thực tế bình quân tăng. Dữ liệu của cuộc khảo sát tại 12 tỉnh nói trên cho thấy tỷ lệ hộ nghèo tăng là do sự thay đổi chuẩn nghèo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, do đó không nên kết luận đây là mức độ nghèo đói thực tế.

 

 

Thay đổi chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015

Mức chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010: Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 300.000 đồng/người/tháng (dưới 3,6 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Mức chuẩn nghèo giai đoạn giai đoạn 2011-2015: Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.

Rõ ràng, nếu không nhìn nhận một cách thấu đáo về các con số công bố qua các khảo sát, dễ dàng khiến dư luận xã hội không khỏi lo lắng về tình trạng thu nhập và nghèo đói của người nông dân hiện nay. Một thực tế là công tác xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận.

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới về tình trạng nghèo Việt Nam 2012 cho rằng “thành tích của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo hai thập kỷ qua là rất lớn”, Việt Nam cũng đã chính thức gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình của thế giới. Những thành tựu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn là kết quả từ những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chính sách nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Chuyển đổi sản xuất - quy luật tất yếu

Dư luận xã hội gần đây hướng nhiều sự quan tâm vào tình trạng nông dân bỏ mảnh ruộng vốn gắn bó với nhiều thế hệ cha ông. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, ước tính, diện tích ruộng bị bỏ hoang của các tỉnh phổ biến 100 ha/tỉnh, và xu hướng này còn đang tiếp tục tăng. Câu hỏi đặt ra là vì sao nông dân bỏ ruộng?

Có nhiều cách lý giải về hiện tượng này, trong đó có thể kể ra một số nguyên nhân mà các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đề cập đến như thu nhập của người nông dân thấp, các khoản phí đóng góp trong nông nghiệp còn cao, thị trường nông sản bấp bênh, sự hỗ trợ của nhà nước đối với người nông dân chưa đủ giữ nông dân gắn bó với mảnh ruộng của mình... Tuy nhiên, xét ở nhiều khía cạnh về xã hội cho thấy, hiện tượng này tưởng như là “bất bình thường”, song lại là “bình thường” nếu nhìn nhận một cách khách quan, khoa học về những biểu hiện và xu hướng của nó.

Trước hết, trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt diễn ra mạnh mẽ ở các khu vực nông thôn ven các đô thị đã dẫn đến tình trạng di cư lao động từ khu vực nông nghiệp sang các hoạt động dịch vụ như xây dựng, buôn bán nhỏ… đáp ứng quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi kinh tế ở bản thân khu vực nông thôn cũng dẫn đến chuyển dịch về cơ cấu lao động từ nông nghiệp là chính sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, kết hợp với nông nghiệp (lúc nông nhàn). Sự chuyển đổi lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp này diễn ra là một tất yếu nếu như muốn đạt các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn.

Thứ hai, những khó khăn chung do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nói chung khiến cho các khâu/quá trình/phân khúc thị trường bị ảnh hưởng: sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, các nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra... Đây là nguyên nhân khách quan có tác động rất lớn đến tình trạng này. Sự hỗ trợ của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp phải nhìn nhận khách quan là không “đáng kể” so với những lĩnh vực kinh tế khác như ngân hàng, tài chính, xây dựng, bất động sản, hỗ trợ các doanh nghiệp... song tình trạng đóng băng, suy thoái vẫn diễn ra, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở các khu vực này vẫn tăng lên. Đây là tình trạng chung chứ không hẳn chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Vậy người nông dân đi đâu? Đó là khu vực lao động phi chính thức ở các khu đô thị, lao động chính thức ở các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Vấn đề đặt ra là việc nông dân bỏ ruộng có ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia không? hoặc điều này gây xáo trộn gì đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn? Nhiều chuyên gia cho rằng, đây lại là một cơ hội tốt để tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hiệu quả sản xuất bằng việc đánh giá lại diện tích đất nông nghiệp, chuyển đổi những diện tích không phù hợp, số diện tích phù hợp được nghiên cứu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc tập trung thành khu vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Cũng từ các luồng dư luận gần đây về tình hình đời sống của người nông dân, thiết nghĩ cần nhìn nhận đánh giá khách quan hơn về quá trình chuyển đổi thông qua các nghiên cứu, khảo sát ở các giác độ khác nhau từ những thành tựu, bài học thành công đến những vấn đề hạn chế để một mặt cung cấp các bằng chứng khoa học cho quá trình hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, mặt khác tạo dư luận xã hội tích cực, đồng thuận, tránh nhìn nhận phiến diện, một chiều gây mất ổn định xã hội.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.