Nhớ lại những ngày đầu triển khai xây dựng NTM, ông Nguyễn Xuân Thơ, Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương chia sẻ, trước năm 2011, xây dựng NTM là một việc làm mới, chưa có mô hình tham quan, học hỏi, nên khi đưa ra bàn thảo, quyết sách, có không ít tiếng nói trái chiều, do dự về khả năng thành công. Bởi từ bao đời nay, địa phương vẫn chủ yếu phát triển tự nhiên, tự phát, mạnh ai nấy làm.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc tuyên truyền sâu rộng mọi lúc, mọi nơi của Cấp uỷ Đảng, Chính quyền Trung ương và địa phương, nhất là các cơ quan báo đài Nhà nước, với phương châm, xây dựng NTM là việc làm cấp thiết, vì dân và do dân, nhưng phải tiến hành minh bạch, dân chủ trên cơ sở, dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ. Theo đó đã từng bước tạo được tiếng nói đồng lòng trong mọi tầng lớp nhân dân, nên kết quả đạt được vượt trên cả sự mong đợi của người dân và chính quyền tỉnh, huyện, xã.
Về Phạm Trấn hôm nay, chắc ai cũng sẽ ngỡ ngàng trước sự đổi thay vô cùng ngoạn mục, bởi khắp các đồng nơi đây đều được bao phủ bởi một màu xanh mướt mát của lúa, ngô và rau màu các loại.
Những con đường nhỏ hẹp, lầy lội khi xưa, nay được thảm nhựa hoặc bê tông phẳng lỳ trải dài ngút tầm mắt, cùng những hàng hoa cảnh và cây xanh khoe sắc thắm dọc theo hai bên đường. Cạnh đó, các tuyến đường thôn, xóm và giao thông đi lại trên các cánh đồng canh tác, cũng được đổ bê tông kiên cố, nhà cao tầng của hộ dân đua chen xây dựng san sát, dáng dấp của một phố thị sầm uất đang hình thành, dấu mốc của một thời nhà gianh, vách đất nghèo khó, nay đã thành cổ tích, nhà nông đua nhau làm giàu, bộ mặt làng quê khởi sắc từng ngày.
Công tác chuyển đổi số quốc gia được áp dụng theo nhiều cấp độ. Nhờ đó, Phạm Trấn đã giảm nghèo còn dưới 0,1%, hộ giàu ngày một gia tăng, thu nhập bình quân đầu người gần 76 triệu đồng/năm, 98% số hộ trong xã sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, trên 200 hộ mua được ô tô riêng, 70% số hộ đầu tư làm được nhà ở hiện đại, cao tầng, hầu hết các hộ dân đều sử dụng điện và nước sinh hoạt sạch, tất cả các kênh mương đều được kiên cố hóa, các thôn đều có đường truyền Internet và wifi miễn phí, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt trên 85%, nên người dân dễ dàng quảng bá các sản phẩm và các nét văn hóa đặc trưng của thôn, xã trên nền tảng công nghệ thông tin và công nghệ số.
Các công trình nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ Trạng Nguyên Phạm Trấn, nhà văn hóa các thôn, công sở làm việc của UBND xã cũng đã xây dựng khang trang. Trạm y tế và trường học 3 cấp cùng đạt chuẩn quốc gia. Đảng bộ xã nhiều năm liền được công nhận trong sạch, vững mạnh.
Tìm hiểu thực tế thấy, xã Phạm Trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu còn do, địa phương này có bề dày truyền thống cần cù, hiếu học, trong các triều đại phong kiến, nơi đây có 6 người đỗ đạt đại khoa như Trạng Nguyên Phạm Trấn, các Tiến sỹ Đỗ Dương, Đỗ Tam Cương, Nguyễn Văn Cự, Nguyễn Sở Châu, Lê Văn Đôn. Trong đó nổi bật nhất phải kế đến Trạng Nguyên Phạm Trấn, ông đỗ Đại khoa vào thời nhà Mạc, nhưng sống khí khái, thanh bạch, có nhiều cống hiến rất lớn cho quê hương, đất nước, để ghi nhớ công ơn ông và nêu gương cho các thế hệ trẻ noi theo, dân làng đã dựng đình thờ và tôn ông là Thành Hoàng làng, sau này tên ông còn được mang tên xã Phạm Trấn hiện nay,...
Theo kế hoạch, trong các năm tới, Phạm Trấn sẽ nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng xã NTM thông minh. Hiện tại xã đang tiến hành làm điểm mô hình NTM thông minh tại thôn Nam Cầu (thuộc xã) để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.
"Phạm Trấn sớm về đích NTM kiểu mẫu, bên cạnh nhờ sự chung sức, đồng lòng vào cuộc của các tầng lớp nhân dân sở tại, xã còn thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của các Cấp uỷ, Chính quyền tỉnh Hải Dương, trực tiếp là Sở NN - PTNT Hải Dương và huyện Gia Lộc, giúp tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh", ông Nguyễn Xuân Thơ, Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn cho biết.