| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay vùng biên Phước Chỉ

Thứ Năm 14/12/2023 , 15:47 (GMT+7)

TÂY NINH Nhờ đê bao điều tiết tốt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, sau khi thắng lớn vụ thu đông, nông dân xã biên giới Phước Chỉ phấn khởi xuống giống sớm vụ đông xuân.

Cánh đồng lúa tại xã biên giới Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Cánh đồng lúa tại xã biên giới Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Đến xã Phước Chỉ những ngày này, khi những đồng lúa mênh mông mùa nước nổi đã được phủ xanh bởi mạ non, nhìn vẻ mặt ai ai cũng dường như rạng rỡ hơn. Bởi lẽ, vụ vừa qua, sinh kế duy nhất của bà con nơi đây là làm ruộng, sản phẩm lúa làm ra vừa được mùa vừa được giá. Hơn nữa, hệ thống đê bao thứ 5 trên địa bàn xã vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng, bà con không còn canh cánh nỗi lo chống ngập và có thể xuống giống sớm, thu hoạch sớm để đón giá cao.

Toàn xã Phước Chỉ có tổng diện tích sản xuất lúa trên 3.900 ha, vụ vừa qua bình quân đạt từ 7,5 - 8 tấn/ha/vụ, có hộ đạt gần 10 tấn/ha/vụ. Giá lúa tươi từ 6.000 đồng/kg - 8.300 đồng/kg. Bà con rất phấn khởi. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền đầu tư hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu bao phủ toàn bộ diện tích đất sản xuất.

Vừa chăm sóc hơn 1 ha ruộng lúa của gia đình, ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ở ấp Phước Đông cho biết, là một trong 4 ấp vùng ven sông Vàm Cỏ nên thường xuyên bị ảnh hưởng triều cường gây ngập úng. Vụ đông xuân thường cho năng suất cao nhất nhưng lại hay gặp rủi ro nhất, bởi chỉ cần mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập cục bộ ảnh hưởng năng suất và chất lượng, thậm chí không ít lần bà con nơi đây phải mất trắng.

Bà con biên giới Phước Chỉ hoàn tất xuống giống. Ảnh: Trần Trung.

Bà con biên giới Phước Chỉ hoàn tất xuống giống. Ảnh: Trần Trung.

Thế nhưng, năm nay, nhờ nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống đê bao Phước Đông, vấn đề điều tiết thủy lợi để đảm bảo nguồn nước hợp lý nhất cho sản xuất đã được khắc phục. Bà con ai cũng phấn khởi xuống giống sớm. Đặc biệt, từ khi xuống giống đến nay, mặc dù đã trải qua một số cơn mưa lớn nhưng toàn bộ diện tích lúa vẫn an toàn.

“Ngoài chống ngập, với bề ngang hơn 3m, tuyến đường đê trở thành đường huyết mạch đưa cơ giới hóa vào ruộng, bà con đỡ vất vả hơn, sau thu hoạch bà con giảm gánh nặng chi phí vận chuyển nên ai cũng phấn khởi ra mặt”, ông Hùng vui mừng nói.

Được biết, dự án đê bao của ấp Phước Đông có chiều dài 2.667m cùng công trình dưới đê; hệ thống điện trung thế; 1 trạm bơm điện. Công trình được khởi công xây dựng năm 2018, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 6/5/2019. Sau khi đưa vào sử dụng, đê bao đã phát huy tác dụng ngăn lũ, điều tiết thủy lợi rất hiệu quả và chủ động nguồn nước dồi dào tưới cho 267 ha.

Thời vụ gieo trồng lúa, hoa màu bảo đảm luôn đúng lịch, hạn chế phụ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao hệ số vòng quay của đất, năng suất cây trồng càng tăng. Đê bao kết hợp đường giao thông cũng tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá, vật tư nông sản thuận lợi.

Một trong những tuyến đê bao đa mục tiêu tại xã Phước Chỉ đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện. Ảnh: Trần Trung.

Một trong những tuyến đê bao đa mục tiêu tại xã Phước Chỉ đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lê Vũ Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết thêm, là địa phương nằm ở cánh Tây thị xã Trảng Bàng, xã biên giới Phước Chỉ được bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Cỏ, có 8,9 km đường biên giới giáp Campuchia, trên 70% người dân sống bằng nghề trồng lúa, đời sống kinh tế đa phần bà con còn khá khó khăn. Tuy nhiên, xác định thủy lợi có vai trò rất quan trọng đối với một xã thuần nông, thời gian qua, bằng sự lồng ghép linh hoạt các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cùng với sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên, Phước Chỉ đã được đầu tư 5 hệ thống đê bao và 1 trạm bơm thủy lợi hoàn chỉnh.

“Tuy nhiên, các công trình hiện hữu vẫn chưa bảo vệ hết diện tích lúa tại địa phương. Hiện chúng tôi đang cần thêm 7 tuyến đê bao tương tự để đảm bảo 100% diện tích lúa trên địa bàn được bảo vệ, nguồn nước được chủ động tưới tiêu. Chính quyền và nhân dân xã Phước Chỉ rất mong lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư để xã biên giới Phước Chỉ ngày một đi lên”, ông Lê Vũ Phương khẳng định.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.