| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh tiến tới vùng an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế

Dương Minh Châu đi đầu

Thứ Hai 11/12/2023 , 09:27 (GMT+7)

Là huyện duy nhất của Tây Ninh đặt mục tiêu đạt chuẩn an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2025, Dương Minh Châu đang thực hiện nhiều giải pháp.

Trang trại nuôi gà lông trắng an toàn sinh học tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại nuôi gà lông trắng an toàn sinh học tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Nằm ở phía đông của tỉnh Tây Ninh gần trục đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh và giáp ranh với tỉnh Bình Dương cùng với quỹ đất rộng, nguồn nước thủy lợi dồi dào, huyện Dương Minh Châu hội tụ rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp.

Xác định chăn nuôi là một trong những ngành mũi nhọn và trở thành lĩnh vực chính trong sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, ngành chăn nuôi ở huyện Dương Minh Châu đã có bước phát triển mới và đạt được kết quả khá toàn diện, tốc độ phát triển nhanh theo hướng chăn nuôi an toàn và bền vững.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện đã hình thành những mô hình trang trại chăn nuôi tập trung theo mô hình chuỗi liên kết dọc giữa doanh nghiệp và hộ nông dân. Mô hình này bước đầu đã góp phần chuyển đổi chăn nuôi quy mô nhỏ sang quy mô lớn cung cấp một khối lượng thực phẩm lớn cho thị trường, đáp ứng tiêu chí khắt khe cơ sở an toàn dịch bệnh, tạo tiền đề xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Đơn cử như trang trại gia cầm trên 30.000 con gà lông trắng của ông Nguyễn Thành Sang tại xã Phước Ninh, từ một hộ chăn nuôi giá cầm nhỏ lẻ, nhiều rủi ro, năm 2009, ông Sang bỏ hết vốn liếng xây dựng trang trại gà lạnh đầu tiên trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Trại được xây dựng kiên cố, mái che được thiết kế cách nhiệt, hệ thống quạt gió và các loại máy móc như máng ăn, uống tự động...  Bên cạnh đó, ông Hùng tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế gia đình từng bước sang trang mới.

Nhờ đầu tư bài bản, sản phẩm làm ra đáp ứng an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ đầu tư bài bản, sản phẩm làm ra đáp ứng an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Trần Trung.

“Nhờ chăn nuôi bài bản, khoa học, nhiều tập đoàn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam khi đến Tây Ninh đầu tư đã đề xuất hợp tác với trang trại, sau khi nghiên cứu, gia đình đã ký hợp đồng nuôi gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri. Ðể đáp ứng yêu cầu của đối tác, trang trại phải tuân thủ những quy định chăn nuôi an toàn dịch bệnh nghiêm ngặt, đổi lại, đầu ra sản phẩm được công ty bao tiêu toàn bộ”, ông Sang phấn khởi nói.

Theo trạm chăn nuôi và thú y huyện Dương Minh Châu, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được xác định là nội dung rất quan trọng trong công tác triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.

Những năm qua, huyện Dương Minh Châu đã chỉ đạo các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn tập trung xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình mới nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi trong chăn nuôi.

Tập trung phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao như: bò lai sind, heo hướng nạc, gia cầm siêu thịt, siêu trứng… theo hướng công nghiệp, đi đôi với biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Huyện Dương Minh Châu thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Huyện Dương Minh Châu thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Cuối năm 2018, Dương Minh Châu là huyện đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được Cục Thú y chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) cấp huyện. Hiện tổng đàn gà của huyện trên 1.271.000 con (tăng gần 19% so năm 2018), trong đó, nuôi trang trại trên 1.187.000 con, chiếm hơn 93% tổng đàn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Đặc biệt, toàn huyện đã có 70 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB (50 cơ sở chăn nuôi gà, 18 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò).

Hầu hết các trang trại được thiết kế hiện đại, khoa học, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, chủ động kiểm soát nhiệt độ đáp ứng sinh lý vật nuôi, giảm phát sinh dịch bệnh, giảm rủi ro trong chăn nuôi, có hệ thống vệ sinh tiêu độc sát trùng và quy trình xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Mục tiêu đến năm 2025, huyện Dương Minh Châu sẽ xây dựng thành công vùng ATDB theo quy định của WOAH. Trong thời gian tới, trạm chăn nuôi và thú y huyện tiếp tục phối hợp với lãnh đạo phòng, ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; đối với các cơ sở chăn nuôi đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi ATDB cần tiếp tục duy trì, hướng tới thực hiện theo các quy định về vùng, cơ sở ATDB theo theo Tổ chức Thú y thế giới (WOAH)”, ông Đặng Văn Quân, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu nhấn mạnh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.