| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay vùng đồng bào Khmer ở Trà Vinh

Thứ Bảy 03/12/2022 , 07:42 (GMT+7)

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer (chiếm gần 32%), đời sống đồng bào không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh hàng năm.

Đường giao thông sạch đẹp tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Ảnh: Minh Đảm.

Đường giao thông sạch đẹp tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Thạch Mu Ni, Phó ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh kể: Năm 1992, tỉnh Trà Vinh được tái lập. Khi đó, đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là người Khmer còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành trung ương và đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng và dự án sinh kế hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gặp khó khăn.

Các chương trình xây dựng nông thôn mới, 135… đã đầu tư các công trình hạ tầng như: điện, đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học. Các dự án hỗ trợ sinh kế như: cho vay vốn phát triển sản xuất, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được đầu tư liên tục qua nhiều giai đoạn. Ngoài ra, còn có các chính sách an sinh xã hội của địa phương, nguồn lực huy động từ cộng đồng, tổ chức phi chính phủ đã góp phần vào hỗ trợ cho đồng bào thiểu số gặp khó khăn vươn lên.

Mô hình trồng cây măng tây tại huyện Trà Cú. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình trồng cây măng tây tại huyện Trà Cú. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, người lao động dôi dư trong nông nghiệp cũng có việc làm ở các xí nghiệp nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương, Long An… Hoạt động thu hút các doanh nghiệp về địa phương cũng giải quyết được vấn đề việc làm thu nhập cho người dân, nhất là ở các khu vực có đông đồng bào DTTS. Tỉnh đang có Khu công nghiệp Long Đức (TP Trà Vinh), các doanh nghiệp lớn như: Mỹ Phong (Trà Cú), Bảo Tiên (Tiểu Cần) cũng thu hút khá nhiều lao động.

Qua đó, thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer chỉ còn 3,2%. Theo chuẩn giai đoạn mới 2021-2025, tỷ lệ này hiện nay cũng chỉ trên 6%, khoảng 4.000 hộ và không còn hộ đói. Lĩnh vực y tế, giáo dục được phát triển rất rõ rệt.

“Những năm qua, đồng bào Khmer ở Trà Vinh được hỗ trợ thông qua các chính sách đặc thù, như Nhà nước hỗ trợ đất ở cho hơn 3.750 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 36.454 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho hơn 1.100 hộ, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật cho gần 200.000 lượt hộ nghèo ở vùng khó khăn... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer không ngừng được cải thiện, hộ nghèo giảm bình quân 4,17%/năm”, ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết.

Ông Thạch Mu Ni cho biết thêm, đời sống vật chất được nâng cao là nền tảng để bản sắc văn hoá dân tộc trong đồng bào dân tộc Khmer được bảo tồn, phát huy. Hiện nay, dù đồng bào Khmer đã hoà nhập và phát triển cùng các dân tộc anh em tuy nhiên bản sắc dân tộc vẫn được đồng bào giữ gìn tốt.

Cụ thể, các lễ hội được duy trì tổ chức, đặc biệt là lễ hội Ok Om Bok được tổ chức hàng năm với quy mô lớn gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi du lịch, thể thao, trò chơi dân gian. Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay được tổ chức ngày càng quy mô, văn minh, tiến bộ phù hợp với quy định và đúng với phong tục tập quán của đồng bào. Chữ viết được dạy ở trường phổ thông và trong các chùa. Đồng bào Khmer ai cũng biết hai thứ tiếng, tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông. An ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer được giữ vững. Tình đoàn kết các dân tộc thêm thắt chặt.

Empty

Biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 27 xã nông thôn mới nâng cao; 6/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể nói, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer đã thay đổi và ngày càng phát triển toàn diện.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022- 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí dự kiến trên 1.465 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào DTTS nâng cao mức sống. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.005 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn huy động hợp pháp. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.