Theo báo cáo số 7347 Bộ NN-PTNT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ năm 2021, tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tiết kiệm được gần 219 tỷ đồng, chiếm 13% tổng số chi phí tuân thủ.
Trong số này, chi phí tuân thủ quy định thủ tục hành chính tiết kiệm trên 29 tỷ đồng. Chi phí tuân thủ quy định yêu cầu đăng ký tiết kiệm 952 triệu đồng. Chi phí tuân thủ quy định chế độ báo cáo tiết kiệm trên 7,2 tỷ đồng. Chi phí tuân thủ quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn tiết kiệm trên 110 tỷ đồng và chi phí tuân thủ quy định kiểm tra chuyên ngành tiết kiệm hơn 3,6 tỷ đồng.
Số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa của Bộ NN-PTNT năm 2021 là 411/2552, đạt 16% trên tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trong đó, cắt giảm nhiều nhất là số quy định thủ tục hành chính, giảm 42/120 quy định, chiếm tỉ lệ 35%.
Tổng số văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ là 44 văn bản. Trong đó, toàn bộ là văn bản quy phạm pháp luật, với 2 luật, 6 Nghị định, và 36 Thông tư.
Với riêng từng lĩnh vực, chi phí tuân thủ tiết kiệm nhiều nhất thuộc kinh doanh thủy sản, dự kiến trên 49 tỷ đồng; Kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi dự kiến 49 tỷ đồng. Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống cây trồng, giống vật nuôi dự kiến 31,7 tỷ đồng.
Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh và nhập nội từ biển mẫu vật từ tự nhiên của các loài thuộc các Phụ lục của Công ước CITES và danh mục thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, dự kiến 14,7 tỷ đồng.
Số quy định dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất thuộc về kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật dự kiến giảm 70%. Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống cây trồng, giống vật nuôi dự kiến giảm 54%. Kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vacxin, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y dự kiến giảm 45% và kinh doanh thủy sản dự kiến giảm 43%.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bất cập, có yêu cầu điều kiện về giấy tờ không cần thiết đã được Bộ NN-PTNT cắt giảm, đơn giản hóa, cắt giảm thời hạn giải quyết, thẩm quyền được quy định rõ ràng, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện. Đồng thời, cắt giảm một số dòng hàng liên quan đến nguyên liệu thuốc thú y. Các quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân.
Viêc
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bên cạnh việc đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bộ NN-PTNT tiếp tục tăng cường việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách quản lý mới, phù hợp với xu thế phát triển, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và thúc đẩy phát triển.
Thời gian tới, ngoài việc tổ chức nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức các cuộc đối thoại, tham vấn, tiếp nhận, thu thập, ý kiến của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, các đối tượng tuân thủ.
Song song với đó, Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường cải tiến quy trình xử lý, giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm nhanh gọn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Bộ NN-PTNT chủ trương đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của các cơ quan hành chính và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.